dd/mm/yyyy

Thực phẩm sau Tết: Giá rau quả giảm, giá thịt vẫn tăng

Thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội hầu như giữ ổn định so với thời điểm trước Tết do nguồn cung dồi dào, sức mua không cao.

Vào dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường có biến động, nhất là do ảnh hưởng của thời tiết khiến nguồn cung thực phẩm cũng như các mặt hàng rau, củ, quả, lương thực có nhiều khó khăn, cùng lúc nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao đã dẫn đến giá cả của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh.

Khác với những năm trước, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội hầu như giữ ổn định so với thời điểm trước, trong và sau tết. Giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả và lương thực không có nhiều biến động.

Nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ chậm khiến giá rau xanh sau tết không có nhiều biến động.
Nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ chậm khiến giá rau xanh sau tết không có nhiều biến động.

Thực tế tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Chợ Hôm, Chợ Ngọc Hà, Chợ Cầu Giấy cho thấy, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả dồi dào và phong phú. Các mặt hàng rau, củ, quả bày bán hoàn toàn là rau quả tươi, mới nhập về, đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Giá bán một số mặt hàng như su hào có giá 7.000 đồng/củ; Cải bắp có giá 12.000 đồng/kg; Cải cúc 10.000 đồng/kg; Cà chua 15.000 đồng/kg; khoai tây 12.000; Rau muống 13.000 đồng/bó; các loại rau gia vị tổng hợp có giá từ 20 – 22.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thu Hà, bán hàng rau củ tại chợ Hôm cho biết, nhìn chung sức mua rau, củ sau Tết chậm hơn trước Tết và nhu cầu người dân thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước.

“Rau củ bán chậm hơn mọi năm vì năm nay thời tiết nắng ấm, nguồn cung rau củ quả dồi dào, không bị gián đoạn nên giá bán không thể tăng. Trong khi đó, trời nắng nên nhiều gia đình không có nhu cầu ăn lẩu khiến lượng hàng bán ra chậm, nếu cứ tiếp diễn nắng ấm như thế này, trong ngày một số loại rau, củ quả sẽ phải bỏ đi”, chị Hà cho biết.

Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, sau Tết giá các loại quả có giảm nhẹ nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao do nhu cầu mua sắm để đi lễ chùa đầu năm của người dân. Cùng với đó, do Việt Nam và Trung Quốc cùng chung kỳ nghỉ Tết kéo dài nên lượng hoa quả nhập khẩu giảm, lượng hoa quả cung cấp từ các tỉnh phía Nam ra Hà Nội còn chậm nên nguồn cung mặt hàng này có phần thiếu hụt.

Chị Bùi Thanh Nga, một tiểu thương chuyên nhập hàng trái cây tại chợ Long Biên cho biết, ra tết hoa quả về ít nên hàng hóa không phong phú, chất lượng không cao, mẫu mã lại không bắt mắt nhưng giá bán chưa giảm nhiều so với trước Tết.

“Người dân đi lễ nhiều sau Tết nên nhu cầu mua hoa quả tăng cao. Tuy nhiên hàng hoa quả lấy ở chợ đầu mối dịp này khó khăn do khan hàng, hàng hoa quả nhập và hàng trong nước đều ít, mẫu mã không được đẹp nhưng giá bán vẫn ở mức cao. Theo thông lệ, phải sau ngày Rằm tháng Giêng nguồn cung hoa quả tăng lên giá cả mới ổn định, mẫu mã phong phú, đa dang và hoa quả có chất lượng cao hơn”, chị Nga cho biết.

Thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn ở mức trên 100.000 đồng/kg.
Thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn ở mức trên 100.000 đồng/kg.

Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu sau Tết vẫn còn ở mức giá cao như thịt lợn tăng giá khoảng 5-19% so với trước Tết. Thịt lợn nạc thăn có giá là 100.000-120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt mông sấn có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Giá gà nguyên con 120.000-140.000 đồng/kg. Giá gà ta mổ sẵn tại các chợ từ dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp làm sẵn ở mức 70.000-80.000 đồng/kg.

Chị Thu Hương, bán thịt lợn tại chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giá thịt có tăng chút ít so với trước tết, tuy nhiên chỉ trong một vài ngày tới, khi nguồn cung ổn định giá bán sẽ trở lại bình thường.

Khảo sát giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) ngày 13/2 cho thấy, giá thịt bò tăng 7-10% so với trước Tết. Thịt bò thăn giá có giá từ 280.000-320.000 đồng/kg, thịt bò mông giá từ 260.000 - 290.000 đồng/kg.

Giá thủy sản thời điểm sau Tết giảm từ 10-20% so với ngày thường. Tôm sú loại I (20 -25 con/kg) có giá từ 450.000 - 600.000 đồng/kg; cá chép có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Giá trứng gà ta khoảng 33.000 - 40.000 đồng/chục.

Các mặt hàng thủy sản sau tết hấp dẫn người tiêu dùng tuy nhiên giá bán lại giảm nhẹ so với trước Tết Nguyên đán.
Các mặt hàng thủy sản sau tết hấp dẫn người tiêu dùng tuy nhiên giá bán lại giảm nhẹ so với trước Tết Nguyên đán.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Do nguồn cung khá dồi dào, sức mua không lớn và hầu hết các hệ thống đều mở cửa sớm trong tết nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi tương đương so với những ngày cận Tết.

Để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm, rau xanh an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu tại Hà Nội tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... dịp này đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.

Theo đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội, sau Tết, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động nhiều, giá tương đương so với thời điểm sát Tết. Có được điều này là do công tác đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 được thường xuyên, liên tục. Ngay từ ngày mùng 1 Tết đã có 125 điểm mở cửa bán hàng và đến ngày mùng 4 Tết hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, với việc thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Công thương, nguồn cung hàng hóa dịp trước và sau Tết đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo.

Cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ sau Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực tế đã minh chứng điều này, khi thị trường hàng hóa trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán đã không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Nguyễn Quỳnh