Không còn cảnh tích trữ hàng, chờ Tết tăng giá

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 21/10/2022 14:09 PM (GMT+7)
Từ khi có chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM, tình trạng tích trữ hàng, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa.
Bình luận 0

Tại hội thảo "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM" do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 21/10, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đánh giá từ khi có chương trình bình ổn thì tình trạng tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa. 

Chương trình bình ổn thị trường TP.HCM: Doanh nghiệp chia sẻ cùng người tiêu dùng

Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi, doanh nghiệp bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào. Khi thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thực tế đã chứng minh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

"Chúng tôi và các doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm rằng tham gia bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của doanh nghiệp và cam kết thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường xuyên suốt một cách trách nhiệm, luôn dự trữ, cung ứng đủ hoặc vượt số lượng hàng hóa được giao", bà Chi nói.

Không còn cảnh tích trữ hàng, chờ Tết tăng giá - Ảnh 1.

Chương trình "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM", ngày 21/10, với sự tham gia của các doanh nghiệp bình ổn, đơn vị tư vấn... Ảnh: Hồng Phúc

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết trong 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của doanh nghiệp bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70-80% tỷ trọng. 

So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần. Tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn của Saigon Co.op cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước, riêng tại TP.HCM là 422 điểm bán. 

Theo các doanh nghiệp, nhờ chương trình bình ổn thị trường mà các mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM có giá bình ổn, chất lượng bảo đảm. Kể cả khi chi phí sản xuất tăng cao như thời gian qua, nhất là những lúc giá cả biến động đột xuất hoặc leo thang, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chủ động san sẻ với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp rất hạn chế tăng giá ở nhiều nhóm hàng để kích cầu tiêu dùng lên tốt nhất, giữ ổn định giá bán theo khung giá của chương trình, góp phần "hạ nhiệt" mặt bằng giá chung.

Cần chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá

Không thể phủ nhận vai trò của bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM trong 20 năm qua, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã kiến nghị nhiều giải pháp để chương trình ngày càng hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho rằng trong những lúc lãi suất ngoài thị trường tăng cao, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng kho bãi.

Không còn cảnh tích trữ hàng, chờ Tết tăng giá - Ảnh 3.

Theo các doanh nghiệp, nhờ chương trình bình ổn thị trường mà các mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM có giá bình ổn, chất lượng bảo đảm. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Phú cũng đề xuất cần xây dựng cơ chế ưu tiên, hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa… đặc biệt là các khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý về xác lập quyền sở hữu đất đai, mặt bằng, nhà xưởng khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa hoặc thay đổi mô hình hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp cho biết theo quy định của chương trình bình ổn, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5-10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán. Khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp đăng ký lại giá bán với Sở Tài chính và phải được Sở Tài chính chấp thuận. 

Tuy nhiên, trong một vài thời điểm, giá nguyên liệu có xu hướng tăng cao nhưng cơ quan chức năng chậm trễ cho áp dụng giá điều chỉnh, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất khi giá thị trường có biến động, các sở ngành phải chủ động, linh động trong việc xem xét việc điều chỉnh giá trong thời gian sớm nhất dựa trên đề xuất của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem