Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì?

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 08/01/2022 10:10 AM (GMT+7)
Mỏ sắt Trại Cau (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã đóng cửa từ giữa năm 2020 nhưng đến tận cuối năm 2021 hoạt động khai thác tận thu tại đây mới chấm dứt.
Bình luận 0

Đóng cửa mỏ, vẫn khai thác tận thu

Từ cuối tháng 4/2020, Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) chính thức dừng hoạt động sau gần 50 năm khai thác (từ năm 1963).

Trước khi đóng cửa, Mỏ sắt Trại Cau đứng trước những khó khăn "khó vượt qua nổi". Chỉ riêng tiền đền bù cho người dân bị sụt lún, mất nước trong hai năm 2016 – 2017 đã lên đến gần 45 tỷ đồng. 

Trong khi đó, theo quy định của Luật Khoáng sản 2012 những mỏ khoáng sản như Mỏ sắt Trại Cau phải được cấp phép có thời hạn (Giấy phép cấp từ năm 1969 không có thời hạn – PV).

"Đổi một giấy phép mỏ là cực kỳ phức tạp" – một cán bộ Mỏ sắt Trại Cau nói với chúng tôi. Quyết định đóng cửa mỏ đã được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đưa ra.

Cuối năm 2021, nhóm PV Dân Việt có mặt tại tại khu vực văn phòng của Mỏ sắt Trại Cau. Dãy nhà xây theo phong cách những năm 80 – 90 đã ố vàng, rêu bám xung quanh chỉ còn ít cán bộ ở lại.

"Từ 190 người, chúng tôi chỉ còn khoảng 60 lao động. Ở văn phòng là lãnh đạo Mỏ và bộ phận văn phòng, kế toán tài chính. Ngoài công trường chỉ còn bộ phận bảo vệ túc trực" – lãnh đạo Mỏ sắt Trại Cau nói.

Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì? - Ảnh 2.

Trụ sở làm việc của cán bộ, công nhân viên tại Mỏ sắt Trại Cau. Ảnh: .T.H

130 lao động của Mỏ sắt Trại Cau đã được lựa chọn một trong hai phương án: tự đề xuất đơn vị phù hợp trong Công ty hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn được hỗ trợ 40 triệu đồng/người. 

Không còn sản xuất, mỗi tháng Mỏ sắt Trại Cau vẫn chi tiền lương khoảng 420 triệu đồng và khoảng 20 triệu đồng tiền điện, nước.

Phải đóng cửa mỏ vì vướng nhiều khó khăn, nhưng một khu vực của mỏ này vẫn có hoạt động tận thu cho đến cuối năm 2021 do một đối tác bên ngoài thực hiện.

Cụ thể, năm 2010 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Nhẫn thực hiện hợp đồng tuyển thuê quặng sắt tại bãi đất thải công trường Núi Quặng (tầng 49). Hợp đồng đầu tiên này có thời hạn đến 31/12/2011.

Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì? - Ảnh 3.

Khu vực khai thác tận thu tại công trường Núi Quặng. Ảnh: T.H

Theo hồ sơ, sau đó hai bên tiếp tục ký thêm 4 phụ lục hợp đồng gia hạn đến 31/12/2013.

Từ năm 2014, hai bên ký Hợp đồng số 05/HĐ-TQ và các phụ lục hợp đồng kéo dài đến cuối năm 2021. Theo đó, Công ty CP Nhẫn tiếp tục được thuê tuyển quặng sắt Manhetit tại Núi Quặng (tầng 49).

Tháng 11/2021, có mặt tại khu vực công trường Núi Quặng, PV Dân Việt ghi nhận máy móc, thiết bị vẫn còn tại khu vực này.

Trong khi Mỏ sắt Trại Cau hoạt động khó khăn, có thời điểm công nhân không đủ việc làm thì Công ty CP Nhẫn lại được kéo dài thời hạn thuê tuyển quặng sắt đến gần 10 năm.

Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì? - Ảnh 4.

Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) chính thức dừng hoạt động sau gần 50 năm khai thác (từ năm 1963). Ảnh: T.H

Tại thời điểm tháng 11/2021, Tổ kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có số liệu chính thức về khối lượng quặng sắt tận thu được từ hoạt động của Công ty CP Nhẫn tại công trường Núi Quặng.

Đã thanh lý Hợp đồng

Trao đổi với PV ngày 7/1, lãnh đạo Mỏ sắt Trại Cau xác nhận: "Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ủy quyền cho Mỏ sắt Trại Cau ký hợp đồng với Công ty CP Nhẫn. Đến tháng 11/2021, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng, thực hiện thanh lý hợp đồng với Công ty CP Nhẫn.

Hiện nay, Công ty CP Nhẫn đã cơ bản di dời hết các thiết bị máy móc ra khỏi khu vực Núi Quặng (bao gồm máy nghiền, máy xay, ô tô, máy xúc), chỉ còn lại một vài thiết bị như băng tời đang trong quá trình di dời đến công trường khác".

Theo báo cáo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với cơ quan chức năng, Công ty này thuê Công ty CP Nhẫn tuyển quặng sắt Manhetit theo Hợp đồng số 05/HĐ-TQ ngày 28/2/2014 và phụ lục hợp đồng số 22/PLHĐ ngày 23/12/2020. 

Đến ngày 8/11/2021, Mỏ sắt Trại Cau ký bản thanh lý hợp đồng với nội dung thanh lý hợp đồng hai Hợp đồng và phụ lục hợp đồng nói trên. Công ty CP Nhẫn có trách nhiệm tháo dỡ dây truyền thiết bị, di chuyển máy móc tài sản của Công ty. 

Tuy nhiên, vấn đề về lượng khai thác và số tiền Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã chi trả cho đối tác trong nhiều năm qua chưa được làm rõ. 

Theo Hợp đồng ký kết, Công ty CP Nhẫn thực hiện việc tuyển thuê quặng sắt cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Giá mua quặng sắt Manhetit do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên quyết định. Mức giá mua được điều chỉnh tăng nhiều lần trong những năm qua.

Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì? - Ảnh 5.

Thiết bị máy móc ở khu vực công trường Núi Quặng, Mỏ sắt Trại Cau. Ảnh : T.H

Ngày 2/1/2011, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ban hành Quyết định 1373 quy định giá quặng Manhetit là 332.000 đồng/tấn. Ngày 20/12/2011, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1548 nâng giá quặng Manhetit lên 510.830 đồng/tấn.

Đến ngày 28/5/2013, giá quặng Manhetit tiếp tục được nâng lên 623.000 đồng/tấn theo Quyết định số 525. Quặng Manhetit là khoáng sản được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thuê Công ty CP Nhẫn tận thu tại công trường Núi Quặng.

Theo nguồn tin của Dân Việt, tổng lượng quặng tuyển do Công ty CP Nhẫn thực hiện từ 2013 – 2021 là 159.234,22 tấn.

Liên quan đến vấn đề khai thác tận thu tại Mỏ sắt Trại Cau, ngày 1/11/2021 PV đã đặt Giấy giới thiệu, liên hệ làm việc với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau đó không nhận được phản hồi.

Đến ngày 16/11/2021, PV liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Minh Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ông Hạnh cho biết đã giao ông Trần Quang Tiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty.

PV liên lạc điện thoại với ông Trần Quang Tiến, ông Tiến từ chối gặp trả lời về vấn đề này, chỉ cung cấp thông tin ngắn gọn "chỗ đấy đã dừng rồi".

Thông tin vì sao nhiều lần gia hạn khai thác tận thu cho Công ty CP Nhẫn, cũng như việc điều chỉnh nâng giá quặng Manhetit không được đề cập đến.

Ngày 14/12/2021, PV Dân Việt tiếp tục liên hệ làm việc với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về vấn đề này, PV Dân Việt cũng đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên nhưng cũng chưa nhận được phản hồi.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 5/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, có nội dung liên quan đến Mỏ sắt Trại Cau. Theo đó, các dự án được cấp phép gồm Hòa Bình, Kim Cương, Núi Đê (xã Cây Thị); Núi Quặng (Thị trấn Trại Cau) có công suất thiết kế đến năm 2015 là 300 nghìn tấn quặng sắt (từ năm 2016 không còn hoạt động khoáng sản).

Quý độc giả đang đọc bài viết "Thuê đối tác tận thu quặng gần 10 năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được lợi gì?" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.853.666.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem