Thuế suất cùng về 0%, nông sản Việt sẽ cạnh tranh như thế nào?
Ngày 21-8, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý"
Toàn cảnh buổi hội thảo
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) khẳng định: Tác động của EVFTA đối với ngành nông nghiệp là hết sức tích cực. Đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Nhiều mặt hàng nông nghiệp được xóa bỏ 100% thuế suất khẩu, nhiều mặt hàng giảm và xóa bỏ theo lộ trình.
Khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, giảm từ 6% - 22% hiện nay về 0%; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây xóa bỏ thuế ngay; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên… cũng vậy. EU cũng dành tổng lượng hạn ngạch gạo khoảng 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%...
"Trong bối cảnh hội nhập, các cam kết từ những hiệp định này cũng đồng nghĩa việc mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh, thách thức, nhất là ngành nông nghiệp vốn còn điểm yếu, chưa hoàn thiện. Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách vĩ mô, cùng các sở ngành địa phương, hiệp hội tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi từ hội nhập" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Vấn đề VSATTP trong sản phẩm đang là thách thức lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
Khi EVFTA có hiệu lực, đặt ra cho ngành nông nghiệp những cơ hội và khó khăn lớn. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các thị trường mạnh hơn, có thương hiệu lớn hơn để có thể dành suất vào thị trường khó tính. Mà thậm chí các doanh nghiệp nếu giữ nguyên phương thức sản xuất theo suy nghĩ “độc tôn” thì rất khó cạnh tranh ngay cả ở thị trường trong nước. Với dân số khoảng 100 triệu, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với rất nhiều quốc gia xuất khẩu.
"Lúc này, hàng Việt không đủ tiêu chuẩn không vào nổi thị trường EU, trong khi đó hàng ngoại (nông sản) từ khu vực này sẽ tràn vào thị trường Việt Nam để khai thác thị trường 100 triệu dân vốn được xem là tiềm năng. Hiện tại một số nước EU, giá thành thịt heo chỉ 26.000-28.000 đồng/kg, sẽ là nguy cơ nếu chúng ta không củng cố thị trường tốt" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét.
Theo đó, bộ trưởng khẳng định, đi đôi với việc xúc tiến thương mại, chúng ta phải chú trọng các quy định chặt chẽ của hàng hóa suất khẩu sang EU về truy suất nguồn gốc, VSATTP, công nghệ, đa dạng sản phẩm…, trong đó không thể không đầu tư vào sản phẩm chế biến ngành chăn nuôi.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung; tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong EVFTA.