Hiểm họa thuốc độc rình rập bên mâm cơm: Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm được nhập lậu, đối tượng rất tinh vi

Nhóm PV Thứ hai, ngày 21/11/2022 18:37 PM (GMT+7)
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định những loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị cấm vẫn trôi nổi trên thị trường như Báo NTNN đã phản ánh, được các đối tượng nhập lậu.
Bình luận 0

Mở đầu cuộc trao đổi với PV NTNN, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin về sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất cấm vẫn được rao bán và đọc các bài viết trên Báo NTNN, điều này rất tốt vì đã đánh thức, cảnh tỉnh chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải phối hợp tốt hơn nữa. 

Từ trước khi bài báo lên, Cục BVTV cũng đã chủ động phối hợp với Báo NTNN kiểm tra, rà soát và thông tin đến lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, khám xét, xử lý. Cục BVTV không có quyền khám xét nhà của các đối tượng khi có dấu hiệu chứa, buôn bán sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất cấm".

Đối tượng buôn thuốc BVTV bị cấm rất tinh vi

Như Báo NTNN đã phản ánh, thuốc đã bị loại bỏ khỏi Danh mục vẫn có trên thị trường. Theo ông, vì sao thuốc bị cấm vẫn được rao bán?

Các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất không có trong danh mục như Báo NTNN đã nêu trong các bài báo vừa rồi, là những loại thuốc đã bị loại bỏ, không được phép sử dụng. Sau khi có Quyết định loại bỏ, Cục BVTV đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định về lộ trình nhập khẩu, buôn bán và sử dụng các loại thuốc này; chỉ đạo các địa phương giám sát việc buôn bán và sử dụng các loại thuốc đã bị loại bỏ; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV.

Hiểm họa thuốc độc rình rập bên mâm cơm: Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm được nhập lậu, đối tượng rất tinh vi - Ảnh 1.

Nhiều cánh đồng sau khi thu hoạch xong bà con sẽ lựa chọn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ. Ảnh: H.C.

Do đó con đường duy nhất để các loại thuốc có chứa hoạt chất bị loại khỏi danh mục vào được thị trường nước ta là nhập lậu. Cục BVTV đã nhiều lần phối hợp với lực lượng 389, làm việc với một số địa phương có đường biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan để có các giải pháp ngăn chặn. Thậm chí, Cục BVTV đã đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, nếu bắt được xử lý đối tượng buôn bán theo quy định pháp luật, còn tang vật cơ quan bảo vệ thực vật địa phương sẽ tiếp nhận, lập biên bản bàn giao, có biện pháp phối hợp với bên môi trường xử lý tiêu hủy. 

Thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được Cục BVTV tiêu hủy bao gồm: Năm 2016, hơn 7 tấn; Năm 2018, gần 3 tấn; Năm 2021, hơn 6 tấn; Đầu tháng 12/2022 tiêu hủy 3,6 tấn.

Tôi khẳng định lại, hoạt chất như Paraquat, Glyphosate đã cấm mấy năm rồi, đến giờ vẫn có trên thị trường thì chỉ là nhập lậu, chúng tôi cũng đã có cảnh báo. Cục BVTV cũng đã báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Bộ có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu các loại thuốc đã được loại ra khỏi danh mục.

Dù đã cảnh báo nhưng vẫn có những đối tượng bất chấp để kinh doanh hàng cấm, khó khăn ở đâu thưa ông?

Một điều khó khăn là các đối tượng quảng cáo, giao bán hàng trên mạng internet. Có doanh nghiệp, người dân biết hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình buôn bán. Người ta đọc kỹ các luật, đặc biệt là các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để hạn chế thấp nhất chạm vào ranh giới vi phạm bị xử phạt. Đấy, tinh vi đến mức như vậy.

Điều quan trọng bây giờ là phải thay đổi nhận thức của người dân, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp chứ đừng làm bậy nữa. Mọi người phải có trách nhiệm với môi trường, với sản phẩm mình làm ra. Chúng ta cũng đã có những biện pháp, ví dụ như thiết lập, quản lý mã số hộ trồng kèm theo chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu ai sử dụng quá giới hạn, sẽ không cấp mã số đó nữa, muốn xuất khẩu cũng không thể được. Đây là một biện pháp hay để người dân tự kiểm soát lẫn nhau, tự bảo vệ nhau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhập khẩu thuốc BVTV qua các năm bao gồm: Năm 2020: nhập khẩu 72.611 tấn thuốc BVTV (Trong đó, thuốc trử cỏ 12.459 tấn); Năm 2021:nhập khẩu 67.482,35 tấn thuốc BVTV (Trong đó thuốc trừ cỏ: 11.737,22 tấn)

Trước kia thuốc rẻ quá, sẵn bán, người dân sẵn sàng mua dùng vô tội vạ. Thuốc trừ cỏ nhập về chiếm khoảng 40% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn là loại có chứa Glycosate, kinh hoàng tới vậy. Có lần đoàn giám sát lên một tỉnh vùng cao, người ta dùng máy động cơ lớn phun, cỏ chết hết luôn. Phun xong, khô ráo còn đỡ, nếu mưa xuống thuốc chảy hết xuống rãnh phía dưới. Giám sát xong, các đại biểu về phản đối mãi, còn yêu cầu cấm luôn thuốc trừ cỏ.

Hiểm họa thuốc độc rình rập bên mâm cơm: Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm được nhập lậu, đối tượng rất tinh vi - Ảnh 4.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: H.C.

Bây giờ người nông dân bỏ công ra xử lý khéo còn lãi hơn việc mua thuốc trừ cỏ để xịt. Đến nay, lượng thuốc trừ cỏ chỉ còn chiếm 15 – 20% thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không còn Paraquat hay Glycosate mà thay thế nhiều. Tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập về mỗi năm cũng giảm nhiều, bây giờ chỉ khoảng hơn 60 nghìn tấn/năm, giảm một nửa.

Sẵn sàng loại bỏ 81 loại hợp chất độc hại

Việc người dân sử dụng sản phẩm thuốc cháy cỏ có chứa hoạt chất chứa hoạt chất Glyphosate; Paraquat sẽ gây hại thế nào đến con người?

Việc sử dụng các thuốc BVTV Glyphosate; Paraquat gây hại cho con người, môi trường trong đời sống và sản xuất nông nghiệp đã được rất nhiều Tổ chức quốc tế (FAO, WHO…) và các nghiên cứu chuyên sâu của nhiều quốc gia công bố. Bao gồm: gây độc cấp tính, khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến nội tiết, sinh sản gây dị tật thai nhi, ảnh hưởng quần thể động vật lưỡng cư, dưới nước…

Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng sản phẩm thuốc BVTV chứa hoạt chất chứa hoạt chất Glyphosate; Paraquat còn gây nên các vấn đề như: ngộ độc cấp tính, sử dụng tự tử, đầu độc, phơi nhiễm hóa chất, ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt trên diện rộng và tồn dư dư lượng thuốc trong thực phẩm sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Như chúng ta đã biết, trên cơ sở các bằng chứng khoa học về nguy cơ cao của Glyphosate và Paraquat đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường, Bộ NN&PTNT đã loại bỏ các hoạt chất này khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Cục BVTV đã có những khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận biết, sử dụng thuốc BVTV như thế nào cho an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường?

Lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật là một lĩnh vực đặc thù, quan điểm là càng sử dụng ít bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Trong 3 – 4 năm vừa qua, Cục BVTV đã rà soát loạt bỏ 14 hoạt chất độc hại khỏi danh mục, tương ứng với 1.706 sản phẩm được loại ra. Chúng tôi cũng đã sàng lọc ra khoảng 81 loạt hoạt chất để có chương trình tiếp tục loại bỏ trong thời gian tới dựa trên các bằng chứng khoa học và quy tắc quốc tế.

Hiểm họa thuốc độc rình rập bên mâm cơm: Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm được nhập lậu, đối tượng rất tinh vi - Ảnh 5.

Cây bí ngô bị khô héo sau khi bị phun thuốc trừ cỏ. Ảnh: N.Đ.

Cục BVTV cũng đã phối hợp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đoàn thể, đại lý kinh doanh thuốc BVTV hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo ông, giải pháp để tiến tới người dân không còn sử dụng thuốc BVTV không được phép sản xuất và lưu hành?

Thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tập huấn nhằm nâng cao, thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của thuốc BVTV sinh học, chuyển dần từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức về xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Tiếp tục rà soát các văn bản, từng bước đánh giá, xây dựng các chính sách khuyến khích để phát triển sản xuất, đăng ký và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vi phạm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 7/1/2022, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang kiểm tra 2 hộ kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện, tạm giữ 8.940 chai, gói và thuốc BVTV nhãn mác nước ngoài, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục…

Ngày 01/6/2022 lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng tại đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, Hà Nội bắt quả tang các công nhân tại đây đang dán nhãn để phù phép nguyên liệu bán thành phẩm Trung Quốc thành thuốc trừ cỏ do Việt Nam sản xuất, tiến hành tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc bảo vệ thực vật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem