Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục vẫn được rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 04/05/2021 09:15 AM (GMT+7)
Dù là mặt hàng bị cấm mua bán trên sàn thương mại điện tử, nhưng thuốc giảm cân đông y, nước hoa kích tình dục vẫn được rao bán công khai trên chợ điện tử Shopee, Lazada.
Bình luận 0

Hàng cấm vẫn có trên chợ điện tử Shopee, Lazada

Không chỉ mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, PV Dân Việt cũng ghi nhận tại chợ điện tử Shopee rao bán các mặt hàng được đặt tên là "thuốc". Dù trong chính sách các mặt hàng bị cấm trên Shopee, những mặt hàng này đã được liệt vào danh mục "cấm".  

PV Dân Việt cũng đã đặt hàng "thuốc giảm cân đông y Thái Lan" trên chợ điện tử Shopee để kiểm chứng sản phẩm.

Khi nhận hàng, phóng viên mở hộp giấy ra chỉ thấy một lọ thuốc dạng viên nén, kèm tờ tem ghi chữ Thái Lan, không có giấy tờ nói về nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần, giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng…

Tương tự, trên sàn thương mại điện tử Lazada cũng rao bán các mặt hàng được quảng cáo là thuốc.  Trên sàn thương mại điện tử này còn rao bán những mặt hàng cấm sản xuất, buôn bán như nước hoa kích tình dục dành cho nam.

Tại chợ điện tử này, các shop bán hàng ngang nhiên rao bán những mặt hàng cấm, kèm những lời quảng cáo như: Nước hoa kích thích tình dục tăng khoái cảm cực mạnh, thu hút phái nữ dành cho nam giới, dung tích 3ml; thuốc xịt làm tăng nhu cầu tình dục ở nữ giới; dung dịch kích thích ham muốn tình dục cho nữ giới đạt trạng thái khoái cực.

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 1.

Hình ảnh shop rao bán nước hoa kích thích tình dục trên chợ điện tử Lazada.

Đối với sản phẩm nước hoa kích thích tình dục không ghi rõ xuất xứ, giấy phép sản xuất, thành phần… Một số loại nước hoa khác, hoặc thuốc xịt lại ghi nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. 

Trả lời Dân Việt, đại diện truyền thông Lazada cho biết, tất cả nhà bán hàng trên Lazada phải cam kết tuân thủ theo luật pháp và quy định của địa phương.

Đồng thời, Lazada cũng phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác và cơ quan có thẩm quyền để xác định và loại trừ các trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng nhái. 

"Chúng tôi có thể hỗ trợ thu thập một số thông tin có liên quan trên nền tảng của mình, tuy nhiên chỉ các cơ quan có thẩm quyền mới đủ quyền hạn trong việc thiết lập các biện pháp xử lí nhằm ngăn chặn vĩnh viễn việc buôn bán hàng giả trên thương mại điện tử", đại diện Lazada thông tin.

Lazada cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu và duy trì môi trường thương mại điện tử lành mạnh, an toàn cho người tiêu dùng.

Thông qua IPP (Intellectual Property Protection Platform – Gọi tắt là IPP), chủ sở hữu thương hiệu hoặc người được ủy quyền hợp pháp có thể đưa ra khiếu nại về bất kì người dùng, sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và theo dõi tiến trình yêu cầu của họ.

Khi khiếu nại được gửi đi, sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị gỡ bỏ trong vòng 3, 4 ngày làm việc. Người tiêu dùng cũng có thể báo cáo các vấn đề liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua hai cơ chế công khai, đó là tính năng 'Trò chuyện trực tiếp' trên giao diện hoặc cung cấp phản hồi thông qua ứng dụng Lazada. 

Nhưng trên thực tế, hàng cấm vẫn xuất hiện trên sàn thương mại điện tử này.

Ngày 14/1/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố báo cáo "Danh sách những nơi diễn ra hoạt động mua bán các sản phẩm giả mạo và trái phép năm 2020" (Báo cáo NML 2020).

Đối với Shopee, hoạt động mua bán hàng giả mạo bán trên tất cả các nền tảng Shopee tại Đông Nam Á và Brazil hiện được bên giữ bản quyền báo cáo ở mức rất cao. Shopee bị cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba.

Người bán hàng giả mạo chỉ bị đóng băng tài khoản sau khi nhiều sự vụ khiếu nại gia tăng.


Trách nhiệm thuộc về Shopee, Lazada và Tổng cục quản lý thị trường

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật quảng cáo sửa đổi năm 2018, thuốc kê đơn và một số loại thuốc không kê đơn và các hàng hoá, sản phẩm kích dục là sản phẩm bị cấm sản xuất, buôn bán, quảng cáo.

Ngoài ra, luật này cũng quy định các hành vi bị cấm trong quảng cáo bao bao gồm: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 3.

Thuốc giảm cân đông y được rao bán trên chợ điện tử Shopee.

Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố;

Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.

Với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, thực hiện các hành vi cấm trong quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của chính phủ, với mức phạt từ 50 -70 triệu đồng.

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 4.

Thuốc giảm béo bụng được rao bán trên chợ điện tử Lazada.

Theo luật sư Cường, mặc dù Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử đã quy định người bán trên sàn giao dịch điện tử phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trang thương mại điện tử không yêu cầu người bán phải cung cấp các thông tin này hoặc người bán cố tình cung cấp sai thông tin, che giấu thông tin. Và tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra.

Do vậy, luật sư Cường cho rằng, khi khách hàng phản ánh, trách nhiệm ở đây thuộc về Shopee, Lazada trong khâu kiểm duyệt trước và sau khi hậu kiểm. Tổng cục quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý sẽ xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm.

Trường hợp thương nhân, tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dân  Việt  sẽ  tiếp  tục  thông  tin  về  sự  việc.

Một  số  hình  ảnh  phóng  viên  nghi nhận việc rao  bán  thuốc  giảm  cân, nước  hoa  kích  thích  tình  dục  rao  bán  trên  chợ  điện  tử  Shopee  và  Lazada.

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 5.

Dung dịch kích thích ham muốn tình dục rao bán trên chợ Lazada.

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 6.

Thuốc giảm cân nhanh rao bán trên chợ điện tử Lazada.

Thuốc giảm cân, nước hoa kích dục ngang nhiên rao bán trên chợ điện tử Shopee, Lazada - Ảnh 7.

Sản phẩm thuốc giảm cân rao bán trên chợ điện tử Shopeee.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem