Thương chiến Mỹ - Trung: Việt Nam chỉ có thể đón nhận công đoạn sản xuất may mặc giá rẻ?

16/05/2019 10:42 GMT+7
Một nghiên cứu của đại học Mỹ cho rằng các quốc gia như Việt Nam, Campuchia hay Bangladesh khó có thể đón nhận công đoạn sản xuất hàng may mặc xa xỉ, mà chỉ có thể là các hàng bình dân.

Các quốc gia khác chưa thể sản xuất với cùng số lượng hoặc có cùng chất lượng với Trung Quốc do những hạn chế về công nghệ.

Nghiên cứu này cho thấy các quốc gia khác, nằm trong chuỗi giá trị sản xuất thấp hơn nhiều so với Trung Quốc sẽ không thể cạnh tranh về chất lượng đối với các mặt hàng cao cấp.

Các mặt hàng may mặc cơ bản như áo phông và đồ lót có thể dễ dàng được chuyển sang các trung tâm sản xuất chi phí thấp hơn như Việt Nam, Campuchia hoặc Bangladesh. Tuy nhiên Trung Quốc đã thiết lập chuỗi sản xuất chuyên biệt cho hàng hóa có giá trị cao hơn như phụ kiện và áo khoác.

Điều đó có nghĩa là các thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ bị phụ thuộc nhiều hơn vào quy trình sản xuất tại Trung Quốc, khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi tăng thuế chiến tranh thương mại. Các quốc gia khác chưa thể sản xuất với cùng số lượng hoặc có cùng chất lượng với Trung Quốc do những hạn chế về công nghệ.

Nghiên cứu cho thấy thứ hạng cao của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hàng may mặc vẫn sẽ tiếp tục, mặc dù lợi thế về giá đang giảm nhanh, một phần là do chi phí lao động tăng và các đợt tăng thuế của Mỹ. Giá bán lẻ trung bình của quần áo được sản xuất tại Trung Quốc là 25,7 USD/chiếc trong quý II/2018, chỉ cao hơn một chút so với quần áo từ Việt Nam. Một năm sau, giá thành đã tăng hơn gấp đôi, lên 69,5 USD mỗi chiếc.

Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Hoa Kỳ với tư cách là nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng quần áo mới trong giai đoạn từ 2016 đến cuối tháng 4/2019. Việt Nam, đối thủ chính của Trung Quốc về chi phí và chất lượng sản xuất hàng may mặc, chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc trong cùng thời kỳ.

Việt Nam cũng phải đối mặt với áp lực chi phí cao hơn nhưng ở mức độ thấp hơn so với Trung Quốc. Giá trung bình của hàng may mặc sản xuất tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 20 đô USD/chiếc lên 34,8 USD/chiếc. Giá quần áo sản xuất tại Campuchia và Bangladesh vẫn dưới 20 USD mỗi đơn vị.

Theo ông Sheng Lu, giáo sư về nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delwar và là tác giả của nghiên cứu, “các nhà bán lẻ ở Mỹ chọn Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng may mặc không chỉ vì chi phí. Trung Quốc còn được coi là “nhà cung cấp cân bằng” khi xét tới nhiều yếu tố khác như, bao gồm từ chi phí, độ tin cậy, tốc độ sản xuất, đến rủi ro tuân thủ.

“Mặc dù cuộc chiến thuế quan sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng về cơ bản, nó sẽ không thay đổi khả năng cạnh tranh của quốc gia này như một nguồn cung ứng chủ yếu, đặc biệt là trong ngắn hạn”, ông Sheng Lu nói.

Đề xuất mới nhất về việc áp thuế lên tới 25% đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, bao gồm cả nhiều mặt hàng may mặc. Những mức thuế này có thể có hiệu lực vào tháng 7 sẽ gây khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng cho các thương hiệu thời trang Mỹ.

“Các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ có thể nhanh chóng chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang các nhà cung cấp khác cho các mặt hàng thời trang cơ bản, chẳng hạn như áo, quần lót và đồ lót. Tuy nhiên, dường như có ít nguồn cung ứng thay thế cho các danh mục sản phẩm phức tạp hơn, chẳng hạn như phụ kiện và áo khoác ngoài. Việc khó tìm nguồn cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và tinh vi hơn có thể khiến các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ Mỹ dễ bị tổn thương hơn trong cuộc chiến thuế quan”.

Các công nhân làm việc tại nhà máy Maxport xuất khẩu tại Hà Nội.

Theo ông Lu, nếu Mỹ và Trung Quốc áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu hàng dệt may của nhau, thì sẽ giúp ích rất ít cho các nhà sản xuất hàng may mặc nội địa Mỹ, vì họ sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn từ các nhà cung cấp khác ngoài so với mức giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đièu này làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ trong lĩnh vực may mặc.

“Các nhà máy may đã  chứng kiến mức giảm đơn hàng từ Mỹ vào tháng 4 và tháng 5, trong khi đây thường là mùa cao điểm của các nhà xuất khẩu”, ông Liu Kaiming, người đứng đầu một Viện nghiên cứu có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên theo dõi điều kiện làm việc của hàng trăm nhà sản xuất gia công của Trung Quốc .

Ông Sheng Lu cho rằng các công ty quần áo của Mỹ sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh tăng thuế mới nhất.

“Lấy một thương hiệu đồ lót nổi tiếng của Mỹ làm ví dụ, 80% trang phục được sản xuất bởi một công ty thuộc sở hữu của Hồng Kông ở Thâm Quyến. Công ty này bắt đầu triển khai sản xuất tại Việt Nam bốn hoặc năm năm trước. Năm ngoái, do thuế quan, công ty đã nhanh chóng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, có bốn nhà máy ở miền bắc Việt Nam, chiếm một nửa công suất. Nếu thuế quan tăng lên 25%, không còn nghi ngờ gì nữa, họ sẽ chuyển sản xuất một cách nhanh chóng và hoàn toàn”, ông Liu nói.

Nguyên Hà - Theo SCMP
Cùng chuyên mục