Thương mại điện tử, con đường ngắn nhất giúp hàng Việt vươn ra thế giới

Khải Phạm Thứ năm, ngày 11/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Thương mại điển tử xuyên biên giới là con đường giúp hàng hóa Việt vươn ra thế giới, tiếp cận với “người tiêu dùng toàn cầu”.
Bình luận 0

Ngày nay, khi công nghệ ngày cảng phát triển và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì việc thương mại điện tử càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, thúc đẩy các hoạt động trên thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng cần được đầy mạnh. Điều đó cũng giúp hàng Việt có thể vươn ra tiếp cận với "người tiêu dùng toàn cầu".

Mua sắm online bùng nổ bởi dịch Covid-19 

Thương mại điện tử, con đường ngắn nhất giúp hàng Việt vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương: "Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới đã làm hạn chế khả năng đi lại và mua sắm trực tiếp của mọi người, chính vì vậy việc mua sắm online là một lựa chọn phù hợp. Với vai trò là Chủ tịch năm ASEAN, Việt Nam đã đưa ra đề xuất xây dựng Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN với mong muốn thúc đẩy TMĐT tại từng nước và cả khu vực ASEAN trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch. 

Tính đến nay, chương trình đã bước sang năm thứ 3 và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu chung của khu vực cũng như đặc tính của từng thị trường mỗi nước thành viên. Có thể nói, đến nay Chương trình đã đạt được những thành công và dấu ấn rất khả quan. Trong năm đầu tiên tổ chức, các doanh nghiệp hưởng ứng Chương trình rất tích cực. Và theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia trong năm 2021 tăng hơn 60% so với năm 2020 (khoảng gần 400 doanh nghiệp, số người truy cập AOSD 2021 cũng tăng 300%, khoảng gần 10,000 gấp hơn 3 lần; Số lượt truy cập website của AOSD 2021 tăng gấp 4 lần AOSD 2020 khoảng 35.000 lượt".

Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử khi người dân bị hạn chế tiếp xúc, gần như mọi hoạt động đều diễn ra trên không gian mạng.

Theo bà Huyền, trong năm 2020, Singapore là nước có số lượng doanh nghiệp đăng ký đông đảo với khoảng 100 doanh nghiệp, tạo nên một không gian sôi động cho năm đầu tiên của Chương trình. Tới năm 2021, Philippines và Indonesia là hai quốc gia tiên phong, có số lượng Doanh nghiệp đăng ký và người tiêu dùng tham gia mua sắm nhiều nhất, trong đó dẫn đầu là Philippines với 120 doanh nghiệp với gần 5000 người truy cập (chiếm 50% tổng số người truy cập).

Không chỉ các nước trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh thương mại điện tử ở các lĩnh vực như: thời trang, điện máy, gia dụng, dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, đồ thủ công mỹ nghệ. Đến nay, đã có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký bán hàng tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử.

Việc thương mại điện tử len lỏi đến các doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho hàng hóa Việt xuất khẩu đến nhiều quốc gia và tiếp cận với người dùng trên thế giới. 

Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp

Khi công nghệ 4.0 phát triển, thương mại điện tử mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thì cũng luôn có những thách thức.

Thương mại điện tử, con đường ngắn nhất giúp hàng Việt vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Thương mại điện tử còn nhiều thách thức. Ảnh CP.

Theo bà Huyền, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức, cũng như những hạn chế, cụ thể như: thứ nhất là cần một chiến lược kinh doanh online, chiến lược phát triển thương mại điện tử cụ thể cho doanh nghiệp mình; thứ hai là việc lựa chọn công nghệ. Đây là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử. Thứ ba là cần nắm vững các quy định pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam cũng như các nước tham gia giao dịch điện tử mà doanh nghiệp hướng tới.

ASEAN là khu vực có tiềm năng phát triển thương mại điển tử lớn nhất thế giới. Đây rõ ràng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt hướng đến để thúc đẩy sản phẩm của mình đến người dùng quốc tế.

"Có thể nói ASEAN là một khu vực rất năng động và được nhìn nhận là khu vực có tiềm năng và tốc độ phát triển thương mại điện tử lớn trên thế giới. Dự báo tiềm năng phát triển thương mại điện tử ASEAN sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 18% với quy mô 234 tỷ USD vào năm 2025. Việc phát triển và triển vọng của Chương trình ASEAN Online Sale Day cũng là một trong những nòng cốt đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển chung của thương mại điện tử trong khu vực ASEAN. 

Là quốc gia khởi xướng sáng kiến về Chương trình, Bộ Công Thương coi đây là chương trình thường niên cùng với 10 quốc gia ASEAN để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Ban công tác chuyên trách của Chương trình cũng đã lên kế hoạch để các năm sau có những điểm mới so với những năm trước đó cũng như có những đánh giá để hoàn thiện Chương trình qua các năm.

Với việc xác định mục tiêu như vậy, Bộ Công Thương kỳ vọng Chương trình sẽ ngày càng lan tỏa và có sức hút đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và coi đây là một Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong khối ASEAN", bà Huyền khẳng định.

Nhìn chung, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu hiện nay và trong tương lai được dự báo còn phát triển mạnh hơn. Và thương mại điện tử là con đường ngắn nhất giúp hàng Việt đến gần với "người tiêu dùng toàn cầu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem