dd/mm/yyyy

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững

Ngày 25/5, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La.

Clip: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững

Sơn La xây dựng hạ tầng thương mại điện tử

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và ông Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, 100 doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh, đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, chuyên gia, giảng viên các trường đại học và đại diện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và logistics.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, nhấn mạnh: Sơn La vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả và lớn nhất khu vực miền Bắc. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh đang từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, mua hàng trực tuyến đã trở thành xu hướng, phát triển thương mại điện tử bền vững là điều tất yếu. Qua Hội nghị hôm nay, tỉnh Sơn La rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistic, các chuyên gia để hỗ trợ tỉnh Sơn La phát triển lĩnh vực thương mại điện tử thành trụ cột của nền kinh tế số, là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ của Sơn La phát triển và hội nhập.

Tỉnh Sơn La cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và bảo quản, thương mại dịch vụ, xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, logistic, tạo tiền đề vững chắc để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững của tỉnh Sơn La.

Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.

Đã có 1.957 doanh nghiệp đang thực hiện kê khai nộp thuế qua mạng; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt, việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR code trở lên phổ biến; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thực hiện nhận đơn hàng thông qua các công cụ trực tuyến như trang thương mại điện tử, ứng dụng trên di động, hay qua các mạng xã hội. Các hợp tác xã, hộ nông dân đã tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các sản phẩm, nông sản hàng hóa của Sơn La đã có mặt tại hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 3.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử của Sơn La cũng còn nhiều điểm nghẽn, những tồn tại, hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, viễn thông so với mặt bằng chung của cả nước thì Sơn La vẫn là một tỉnh còn khó khăn, hạn chế về hạ tầng số. Thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các mặt hàng của Sơn La chủ yếu là các sản phẩm trái cây tươi, có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch cũng như thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hỏng, giảm chất lượng nếu không có quy trình bảo quản, vận chuyển phù hợp.

Mặt khác, tỉnh chưa có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp đối với các loại hàng hóa nông sản khiến việc đưa mặt hàng trên lên các sàn thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, giá thành cao. Phần lớn các trang thương mại điện tử của tỉnh Sơn La mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng. Số lượng các cơ sở, các sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới rất khiêm tốn...

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 5.

Sơn La đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Văn Ngọc

Đưa ra giải pháp phát triển thương mại điện tử bền vững

Tại Hội nghị,đại diện Cục Thương mại và kinh tế số, Bộ Công Thương, giảng viên trường Đại học Thương mại, đại diện các Công ty TNHH giải pháp phát triển doanh nghiệp (iViet), Hiệp hội Thương mại điện tử đã phát biểu tham luận, đánh giá thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử theo hướng bền vững, hỗ trợ, vận chuyển, kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương và xúc tiến thương mại ứng dụng thương mại điện tử cho tỉnh Sơn La

Cũng trong Hội nghị diễn ra các phiên thảo luận trao đổi về các định hướng cơ chế, chính sách phát triển thương mại điện tử, giải pháp hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh, giúp tỉnh Sơn La xây dựng các chính sách để quản lý và phát triển thương mại điện tử một cách hiệu quả, bền vững.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 6.

Các đại biểu đánh giá thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết: Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đặc biệt mở rộng, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tăng độ phủ sóng di động 4G, 5G.

Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công, trong đó chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững - Ảnh 7.

Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, bán hàng online. Cùng với đó, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại điện tử; xây dựng một chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tỉnh Sơn La một cách nhất quán, đồng bộ trên môi trường kinh tế số.

Văn Ngọc