Một thương nhân Trung Quốc muốn liên hệ đặt hàng gấp 1.500 container sầu riêng Việt Nam để bán Tết

Trần Quang Chủ nhật, ngày 11/12/2022 05:38 AM (GMT+7)
Ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, (Trung Quốc) cho biết: "Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi đang cần thêm khoảng 1.500 container sầu riêng nên rất mong những người bạn, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ hiệp hội Nam Ninh để cùng nhau hợp tác, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Bình luận 0
Một thương nhân Trung Quốc muốn liên hệ đặt hàng gấp 1.500 container sầu riêng Việt Nam để bán Tết - Ảnh 1.

Ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, Việt Nam và Thái Lan là 2 nước Đông Nam Á xuất khẩu lượng trại cây lớn vào Trung Quốc, trong đó Việt Nam là nước chịu nhiều thua thiệt khi xuất khẩu mặt hàng này. Ảnh chụp màn hình

Việt Nam cần sớm thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc

Ngày 10/12, chia sẻ tại Diễn đàn 970 với chủ đề"Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc" do Bộ NNPTNT chủ trì, ông Bob Wang cho hay: Việt Nam và Thái Lan là 2 nước Đông Nam Á xuất khẩu lượng trại cây lớn vào Trung Quốc, trong đó Việt Nam là nước chịu nhiều thua thiệt khi xuất khẩu mặt hàng này.

Hàng năm kim ngạch xuất khẩu trái cây của Thái Lan vào Trung Quốc khoảng 8,5 tỷ USD, trong khi đó, Việt Nam vào thời điểm cao nhất chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã đưa ra 5 đề xuất để cải thiện tình hình xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định; về quy trình đóng gói, bán hàng cũng yêu cầu nghiêm ngặt. Đồng thời ông Wang khuyến nghị trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.

Do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

“Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, sầu riêng Việt Nam đã từng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra là ngoài mức chi phí người Trung Quốc trả để mua sầu riêng, họ còn phải trả thêm một mức phí khác cho hạn ngạch, với hạn ngạch mỗi container ở mức rất cao khoảng 300.000 nhân dân tệ, vượt xa mức cho phép của thị trường Trung Quốc. Điều này khiến giá sầu riêng của Việt Nam vượt xa giá sầu riêng Thái Lan.

Việc xảy ra những tình trạng này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang bày tỏ.

Thứ tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc. Cho dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.

“Thứ năm, chúng tôi sẽ khởi động dự án ‘Chợ trái cây quốc tế’ tại Trung Quốc trong năm nay và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24 tháng này, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc!

Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc thông qua kênh thương mại điện tử", ông Bob Wang khẳng định.

Ông Bob Wang thông tin thêm, từ nay đến Tết Nguyên đán, ông đang cần khoảng 1.500 container sầu riêng nên ông rất mong những người bạn, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với đơn vị của ông để cùng nhau hợp tác,tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Một thương nhân Trung Quốc muốn liên hệ đặt hàng gấp 1.500 container sầu riêng Việt Nam để bán Tết - Ảnh 3.

Nông dân thu hoạch sầu riêng xuất khẩu tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lê Phong

Trước tiên phải bảo hộ thương hiệu

Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, TS. Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho biết thị trường 1,4 tỷ dân không hề "dễ tính".

“Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, con em kiều bào Việt Nam vẫn luôn hướng về cội nguồn. Và chúng tôi thể hiện tình yêu nước bằng hành động dùng cả tâm huyết để đưa từng sản phẩm nông sản Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế”, bà Trà My nói.

Tuy nhiên, bà Trà My cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường 1,4 tỷ dân, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.

Thứ hai, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. “Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Bà con kiều bào rất tự hào khi được góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới”, bà Trà My chia sẻ.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam nên “nhập gia tùy tục”. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng nên là 2,6,8.

Thứ năm, những doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài nên mở văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Trung Quốc.

TS. Trà My cũng thông tin thêm, hiện nay, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ thương hiệu, logo trước khi vào thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ không gian trưng bày cho những thương hiệu nông sản Việt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tại Gian hàng quốc gia Việt Nam tại Trung Quốc.

Đối với các tỉnh, thành phố có nguồn nông sản lớn, Hội sẵn sàng tham gia chào hàng với những doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc.

“Với tâm tư của một người con xa quê hương gần 20 năm, dù ở bất kỳ quốc gia nào, chúng tôi đều hi vọng trong một ngày không xa, trên các siêu thị ở nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm Made in Vietnam. Bà con kiều bào trên khắp thế giới đều sẵn sàng chung tay để đưa nông sản Việt đi khắp năm châu”, bà Trà My bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem