Thường Tín "điểm tên" 266 doanh nghiệp nợ BHXH

Phi Long Thứ năm, ngày 14/04/2022 16:39 PM (GMT+7)
Bảo hiểm Xã hội huyện Thường Tín vừa công bố danh sách đơn vị nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên trên địa bàn huyện Thường Tín tháng 3/2022.
Bình luận 0


Theo BHXH huyện Thường Tín, số liệu lấy đến ngày 5/4/2022, trên địa bàn huyện này có 266 doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền là hơn 17 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp nợ đọng số tiền BHXH lớn và kéo dài phải kể tới: Công ty Cổ phần tập đoàn gang thép Hàn Việt, cụm công nghiệp Quất Động, xã Quất Động có 29 lao động và số tháng nợ lương là 65 tháng với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Đức Dương Việt Nam, cụm Công nghiệp Khánh Hà, có 3 lao động với số tháng nợ BHXH là 110 tháng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng;

Thường Tín "điểm tên" 266 doanh nghiệp nợ BHXH - Ảnh 1.

số liệu lấy đến ngày 5/4/2022, trên địa bàn huyện này có 266 doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền là hơn 17 tỷ đồng

 Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ - Xí nghiệm thủy lợi Hồng Vân ở thôn Sở Hạ xã Ninh Sở, với 260 lao động, số tháng nợ lượng là 3 tháng với tổng số tiền hơn 886 triệu đồng;

Công ty TNHH Dầu khí Gia Định, địa chỉ tại Lưu Xá, Quất động có 96 lao động, với 4 tháng nợ lương, tổng số tiền hơn 464 triệu đồng;

Công ty Cổ phần Dược phẩm Phú Tín, địa chỉ tại KCN Vân La, Hồng Vân, có 5 lao động, nợ BHXH 49 tháng với 366 triệu đồng;

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hà Nội, số 104 đường Trần Phú, thị trấn Thường Tín,  có 2 lao động, với 61 tháng nợ BHXH, tổng số tiền là hơn 355 triệu đồng…

Trước đó, Theo BHXH huyện Thường Tín, danh sách các đơn vị trên địa bàn huyện nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên tính đến ngày 5/1 cho thấy, có tổng cộng 94 đơn vị với tổng số tiền nợ là hơn 15.5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên nhiều nhất phải kể tới: Công ty Cổ phần tập đoàn gang thép Hàn Việt có 32 lao động, nợ hơn 4,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đức Dương Việt Nam có 3 lao động, nợ hơn 2,5 tỷ đồng. Công ty TNHH Cường & Thịnh có 10 lao động, nợ hơn 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần nội thất Phúc Hưng, có 31 lao động, nợ hơn 535 triệu đồng…

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, danh sách này đã tăng lên 266 doanh nghiệp. 

Hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài làm thất thoát và ảnh hưởng đến việc cân đối các quỹ bảo hiểm. Những hành vi này có thể do cá nhân hoặc một nhóm người thực hiện nhằm chiếm đoạt tiền quỹ BHXH, BHYT. Việc hình sự hóa các hành vi vi phạm góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật BHXH, BHYT của người sử dụng LĐ.

Thường Tín "điểm tên" 266 doanh nghiệp nợ BHXH - Ảnh 2.

ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín phát biểu tại Hội nghị.buổi làm việc với BHXH TP Hà Nội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Trong đó có quy định xử lý hình sự đối với hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN: phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với các hành vi: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm đối với các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định tại điểm b hoặc điểm c, khoản 2, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015;...

Ngoài ra, Điều 213 của bộ luật này quy định, người nào thực hiện một trong những hành vi sau để chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền từ 200 triệu đến 7 tỉ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem