Thường Tín nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ

Phi Long Thứ hai, ngày 14/03/2022 16:49 PM (GMT+7)
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phù hợp với chủ trương của Thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín, cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp hướng tới và được người dân đồng thuận cao.
Bình luận 0

Xuất phát từ yếu tố đó, vụ xuân năm 2022, Phòng kinh tế huyện Thường Tín hỗ trợ nông dân xã Quất Động và xã Tiền Phong thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích 23,4 hécta, canh tác giống lúa khảo nghiệm HD11; mức hỗ trợ 7 triệu đồng/hécta, gồm 100% giá giống và tiền chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, phòng trừ dịch bệnh…

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học do Công ty cổ phần EMI Nhật Bản sản xuất, để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của lúa; kết hợp với phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Toàn bộ quá trình chăm bón lúa được áp dụng công nghệ phun bằng thiết bị bay không người lái, từ đó giải phóng sức lao động đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người nông dân. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phù hợp với chủ trương của Thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín, cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp hướng tới và được người dân đồng thuận cao.

Thường Tín nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ - Ảnh 1.

Sử dụng thiết bị bay không người lái để chăm bón và phun thuốc bảo vệ thực vật


Ông Thái Văn My ở thôn Nguyên Bì xã Quất Động là một trong những hộ dân tham gia thực hiện mô hình cho biết, thực hiện theo mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, so với lối canh tác truyền thống có sự mới mẻ và khác biệt rõ rệt, đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, không còn tình trạng vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật vứt bỏ trên đồng ruộng như trước, người nông dân cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Ban - Giám đốc HTX nông nghiệp xã Quất Động cho biết, các hộ dân tại địa phương cũng đã cảm nhận được nguy cơ của việc lạm dụng phân vô cơ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng, nên việc triển khai mô hình được các hộ đồng tình hưởng ứng cao. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra hướng canh tác bền vững cho địa phương.

Theo Bà Đặng Thị Thanh Hương – Phó trưởng Phòng kinh tế huyện, trong quá trình sản xuất lúa nếu sử dụng phân vô cơ nhiều năm, không bổ sung phân bón hữu cơ sẽ tác hại đến cây trồng, diệt các vi sinh vật có lợi, làm cho đất đai bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người... thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với đất bị bạc màu.

Sản xuất lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, mà còn nâng cao nhận thức của người nông dân hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững, môi trường đất đai và nguồn nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem