Thủy sản An Giang bất ngờ "thoát án tử"

Quốc Hải Thứ tư, ngày 20/03/2019 18:30 PM (GMT+7)
Suýt bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định do lỗ 2 năm liên tiếp (2017, 2018) và khoản lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, tuy nhiên, vào “phút 89”, cổ phiếu AGF (Thủy sản An Giang, HoSE: AGF) bất ngờ “thoát án tử” nhờ giảm bớt được khoản lỗ năm 2018 sau kết quả kiểm toán…
Bình luận 0

img

Thủy sản An Giang (AGF) đang sống "ngắc ngoải" trên sàn chứng khoán vì khoản lỗ lớn (Ảnh: IT)

Dù vậy, trên sàn HoSE, cổ phiếu AGF được giới đầu tư xếp vào các mã cổ phiếu “zombie” (xác sống) khi tình hình kinh doanh của DN này luôn đi ngược với các DN thủy sản khác, dù năm 2017 - 2018 được đánh giá là năm thuận lợi với ngành thủy sản. Việc đưa cổ phiếu AGF trở lại thời kỳ hoàng kim được xem là… “nhiệm vụ bất khả thi” khi những thước đo về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này khá bấp bênh.

Tài chính khó khăn, AGF suýt… “bán con”

Theo Báo cáo Tài chính năm 2018 (kỳ kế toán bắt đầu từ 1.10.2017 đến 30.9.2018), AGF có lợi nhuận sau thuế là âm 178 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty báo lỗ, nâng tổng số lỗ lũy kế của AGF lên hơn 270 tỷ đồng. Kết quả này dù là tệ nhưng vẫn khá “may mắn” cho AGF khi trước đó theo Báo cáo Tài chính do AGF tự lập (công bố đầu tháng 11.2018) cho thấy, lỗ lũy kế của AGF đã vượt vốn điều lệ.

Cụ thể, tại Báo cáo Tài chính do AGF tự lập, doanh thu thuần của AGF trong năm tài chính 2018 đạt gần 1.285 tỷ đồng, giảm đến 43% so với năm 2017. Do kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp của AGF ghi nhận âm 42,6 tỷ đồng. Tuy các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh so với năm 2017, nhưng AGF vẫn lỗ xấp xỉ 190 tỷ đồng trong năm 2018. Kết quả là tính đến cuối năm 2018, AGF lỗ lũy kế tới 282,2 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty này chỉ là 281 tỷ đồng.

Điều này cũng đồng nghĩa, nếu sau kiểm toán, khoản lỗ lũy kế của AGF không được điều chỉnh giảm nhỏ hơn vốn điều lệ thì chắc chắn, cổ phiếu AGF sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP.

Kết quả là, sau kiểm toán, tổng lỗ lũy kế của AGF chỉ còn hơn 270 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ (281 tỷ đồng) nên AGF chưa bị hủy niêm yết bắt buộc. Dù vậy, từ ngày 21.11.2018 đến nay, cổ phiếu AGF chỉ được giao dịch vào buổi chiều, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, do vẫn đang bị kiểm soát đặc biệt.

Có lẽ bởi tình hình khó khăn này, AGF cũng tính đến phương án “bán con” nhằm mục đích trả nợ vay ngân hàng và bổ sung vốn lưu động phục vụ cho sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, AGF dự kiến sẽ bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8 và AGF9 tại An Giang, với tổng giá trị là 340 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty dự kiến bán 2 vùng nuôi nguyên liệu tại Đồng Tháp lần lượt là vùng nuôi Nha Mân (7,7 ha), vùng nuôi An Nhơn (21 ha), với giá trị 40 tỷ đồng.

Đồng thời, AGF cũng quyết định chuyển nhượng dự án khu nhà ở tập thể công nhân tại Bình Đức (TP.Long Xuyên, An Giang) cho đơn vị khác thực hiện, giá trị chuyển nhượng dự kiến 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sát đến ngày đại hội cổ đông (ngày 20.2.2019), AGF bất ngờ thông qua Nghị quyết về việc hủy bỏ phương án bán hai nhà máy đông lạnh AGF8, AGF9 và hai vùng nuôi nguyên liệu tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, AGF vẫn muốn chuyển nhượng dự án khu nhà ở tập thể công nhân tại phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang để thu hồi vốn bổ sung cho sản xuất kinh doanh với giá chuyển nhượng dự kiến là 20 tỷ đồng.

Giải thích về kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2018, AGF cho rằng dù doanh thu đạt 71% kế hoạch nhưng lợi nhuận bị âm 178,1 tỷ đồng do: Không đủ nguyên liệu sản xuất để cung cấp theo hợp đồng cho các khách hàng truyền thống tại thị trường EU, cũng như mở rộng ra thị trường mới; Thị trường Trung Quốc và châu Á có mức tăng trưởng khá nhưng chất lượng không cao, giá xuất thấp; Các ngân hàng siết chặt tín dụng, thiếu nguồn vốn và kết quả vùng nuôi của công ty cũng không cao… Đặc biệt, phải trích lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi lên tới hơn 140 tỷ đồng dần đến lợi nhuận gộp giảm 29,8 tỷ đồng.

img

Các khoản nợ xấu của AGF tính hết niên độ 2017-2018 (Ảnh: Chụp từ BCTC)

Được biết, năm 2018, cơ cấu hàng xuất khẩu của AGF thay đổi nhiều khi không xuất được hàng sang Mỹ, thị trường Tây Âu bị thu hẹp, châu Á trở thành thị trường chủ lực của AGF (chiếm tới 54,5%), kế đến là Tây Âu (13,8%), Úc (13,2%), Trung Đông (9%), Nam Mỹ (7,3%), Đông Âu và Nga (1,8%).

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu AGF hiện đang ở mức 5.390 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường khoảng 150,1 tỷ đồng.

“Ngắc ngoải” trên sàn chứng khoán

Là công ty con của “Vua cá tra” Hùng Vương (Công ty CP Hùng Vương - HoSE: HVG, sở hữu 79,58% vốn) với nhiều hoạt động nghiệp vụ liên quan đến công ty mẹ và các công ty thành viên, việc AGF lao đao trong những năm qua là điều dễ hiểu, khi chính công ty mẹ là HVG cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong khi HVG đang có dấu hiệu hồi phục trở lại sau khi thực hiện nhiều hoạt động tái cấu trúc như: bán tài sản, thoái vốn tại một số công ty con,… thì AGF vẫn “chìm” trong tình cảnh khó khăn khi các khoản nợ vay khủng, nợ khó đòi, cùng với khoản lỗ lớn… “bủa vây”.

Theo báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 (từ 1.10.2017 đến 30.9.2018), tính đến ngày 30.9.2018, khoản phải thu của công ty có ghi nhận giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá cao. Trong đó, phải thu ngắn hạn là 717,3 tỷ đồng, chiếm gần 80% tài sản ngắn hạn.

Nợ phải trả của AGF cũng lên tới 805 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm tới 787,1 tỷ đồng (vay ngắn hạn tới 551 tỷ đồng).

Đặc biệt, khoản phải thu khách hàng ngắn hạn tính đến hết ngày 30.9.2018 của AGF lên tới 858,8 tỷ đồng và AGF phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngăn hạn khó đòi là 148,7 tỷ đồng. Khoản nợ xấu được xác định cũng có giá trị tới 416,6 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 164,6 tỷ đồng).

Bước sang niên độ mới, báo cáo tài chính quý 1 (từ 1.10 - 31.12.2018), AGF ghi nhận doanh thu thuần 271 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 96,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31.12.2018, tổng tài sản của AGF ở mức 1.085 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn còn 580 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn ở mức 472 tỷ đồng, giảm 14% so với thời điểm đầu năm.

Bước sang năm 2019, AGF cho biết vẫn tiếp tục cho gia công 2 nhà máy đông lạnh AGF8 và AGF9 tại An Giang và chỉ tập trung nguồn lực cho nhà máy AGF7 với công suất tối đa nhằm hạ giá thành, mang lại hiệu quả.

SCIC đề nghị xử lý trách nhiệm HĐQT, Ban Điều hành AGF vì để xảy ra thua lỗ…

Bà Đoàn Đặng Quý An (đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, nắm giữ 8,24% vốn) có ý kiến: Không thông qua báo cáo của HĐQT, Ban Điều Hành (BĐH). Đề nghị HĐQT, BĐH phân tích rõ nguyên nhân, xác định cụ thể trách nhiệm và đề xuất biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2018 của công ty. Đồng thời phải đề xuất biện pháp kịp thời cắt lỗ năm 2019, khắc phục khó khăn, tồn tại, tái cơ cấu hoạt động công ty…

Song song đó, đại diện SCIC cũng không thông qua báo cáo của Ban Kiểm soát do báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát không đáp ứng quy định tại Điều 10, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6.6.2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng; chưa hoàn thành trách nhiệm giám sát chặt chẽ hoạt động để làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm của HĐQT, BĐH đồi với hoạt động kinh doanh thua lỗ của công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem