Thủy sản với nỗi lo giảm giá

Thứ hai, ngày 15/02/2016 15:45 PM (GMT+7)
Xuất khẩu thủy sản năm 2016 dự báo chỉ tăng 5-6% so với năm trước. Khó khăn nội tại của ngành Thủy sản chưa được khắc phục nên doanh nghiệp thủy sản chỉ còn cách tự vươn lên.
Bình luận 0

Năm 2015, ngành Thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 15% so với năm 2015. Nguyên nhân của tình trạng này được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra như: Thiếu nguyên liệu, thị trường thế giới khó khăn trong khi ở trong nước một số điều kiện duy trì năng lực cạnh tranh cũng bị hạn chế, xu hướng giảm giá do các nước cũng sản xuất có giá thành cạnh tranh khiến cho giá xuất khẩu tại các thị trường chính cạnh tranh với Việt Nam quyết liệt…

img

Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng 5-6% trong năm 2016. Ảnh Internet.

Đáng chú ý, đồng tiền của nhiều nước không chỉ ở nước nhập khẩu của Việt Nam mà còn ở các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng giảm giá từ 10-30% khiến cho hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh.

Bước sang năm 2016, dự cảm của doanh nghiệp rất khác nhau song ông Nam cho rằng khó khăn nội tại của ngành thủy sản chưa thể khắc phục được ngay. Theo phân tích của ông Nam, từ nay đến giữa năm 2016, nhóm hàng nông sản trong đó có thủy sản chắc chắn vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy giảm giá do vấn đề cung cầu trên thế giới vẫn mất cân đối.

Trong khi đó, việc hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh không thể làm trong một sớm một chiều. Do vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách tự nỗ lực vươn lên. Theo dự báo của VASEP, tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2016 sẽ không nhiều, chỉ 5-6%.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, vấn đề khắc phục giá thành, đầu tư chất lượng là vấn đề doanh nghiệp luôn luôn phải ưu tiên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam “bội thu” các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện thủy sản Việt Nam đã được ưa chuộng nhưng các nước đòi hỏi hàng phải đảm bảo chất lượng. Hàng Việt Nam có hàng tốt, năng suất nhưng làm thế nào để có sự ưu việt hơn trong việc tiếp cận với khách hàng.

Một điểm được ông Hải lưu ý doanh nghiệp là cần phải thay đổi tư duy “bán bằng mọi giá”. “Doanh nghiệp Việt Nam giá nào cũng bán được, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bởi bán hàng bằng mọi giá đương nhiên sẽ phải giảm giá xuống. Tư tưởng này cần phải thay đổi. Có thể đưa ra một ngưỡng chất lượng và đề ra nguyên tắc không bán dưới ngưỡng chất lượng đó, đồng thời tiến hành thưởng phạt liên quan đến vấn đề chất lượng”, ông Hải gợi ý.

Phan Thu (Báo Hải quan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem