Tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được "đánh thức" nhờ chương trình OCOP

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 15/12/2020 09:48 AM (GMT+7)
Chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP) đã đánh thức các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Kạn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo.
Bình luận 0

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có khá nhiều lợi thế, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Bài 1: Từ OCOP, nhiều tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được đánh thức - Ảnh 1.

OCOP đã đánh thức các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Đại Lượng

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, năm 2019, Bắc Kạn có tổng diện tích trồng lúa là 23.212ha, năng suất bình quân 49,34 tạ/ha, sản lượng 114, 534 tấn. 

Diện tích trồng cây cam, quýt hiện là 3.220ha, diện tích cho thu hoạch 2.190ha, sản lượng đạt 18.231 tấn, diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc VietGAP là 41ha…

Tổng đàn gia súc trâu, bò, ngựa có 68.341 con, đàn lợn có 152.540 con, đàn gia cầm có 1.521.579 con... 

Bên cạnh đó, những vùng chuyên canh cây đặc sản như quýt Quang Thuận, hồng không hạt Ba Bể, quế hồi, trà hoa vàng… dần được hình thành. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển trồng trọt chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Bài 1: Từ OCOP, nhiều tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được đánh thức - Ảnh 2.

Bình Văn, nơi có những cây hồi từ 50 - 60 tuổi, thậm chí cả 100 tuổi.

Bài 1: Từ OCOP, nhiều tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được đánh thức - Ảnh 3.

Hồng không hạt là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Ba Bể.

Tuy nhiên, Bắc Kạn có địa hình nhiều đồi núi chia cắt, diện tích đất canh tác không nhiều, dân số không đông, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, "nuôi, trồng phục vụ nhu cầu gia đình, còn dư mới đem ra chợ bán".

Do vậy, nhiều sản phẩm của nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn mới chỉ dừng ở quy mô tiêu thụ nhỏ hẹp trong cộng đồng dân cư một vùng.

Bài 1: Từ OCOP, nhiều tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được đánh thức - Ảnh 4.

Sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, Bắc Kạn đã có 105 sản phẩm được gắn sao OCOP.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 năm đưa vào thực hiện, OCOP đã đánh thức, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, OCOP đã giúp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 105 sản phẩm gắn sao OCOP, vượt mục tiêu chương trình giai đoạn 2018 - 2020 (105/40 sản phẩm), đạt 256% kế hoạch. Trong đó, có 8 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 97 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Bài 1:Từ OCOP, nhiều tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn được đánh thức - Ảnh 4.

Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao và đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn có môi trường sạch, có những vùng tiểu khí hậu, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng riêng để hình thành nên những sản phẩm có tính chất "đặc sản vùng miền". Tiêu biểu như: Nghệ Bắc Kạn, hồng không hạt Ba Bể, gạo bao thai Chợ Đồn...

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, sản phẩm OCOP là hướng đi sản xuất nhỏ nhưng hướng tới sản phẩm có giá trị, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của vùng sản xuất có nguyên liệu đặc thù, có tính chất đặc trưng vùng miền. Phát triển sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, mang lại sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường.

"Nếu kiên định với định hướng này và hoàn thiện tốt hơn, trong 5 năm, 10 năm, tôi tin, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập trực tiếp cho người nông dân ở khu vực nông thôn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem