dd/mm/yyyy

Tiềm năng phát triển cây dược liệu ở Mai Sơn

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, huyện Mai Sơn (Sơn La) có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần đánh thức để phát triển cây dược liệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiềm năng lớn nhưng còn khó khăn.

Thực tế cho thấy huyện Mai Sơn có nhiều tiềm năng trong phát triển dược liệu, như: Tổng diện tích tự nhiên là 142.670 ha, độ cao trung bình từ 550 đến 1.200 mét so với mực nước biển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, diện tích đất lâm nghiệp của huyện Mai Sơn là 55.878 ha chiếm 39% tổng diện tích tự nhiên.

Hệ sinh thái rừng huyện Mai Sơn khá phong phú, có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Hiện, huyện Mai Sơn đang chú trọng bảo tồn một số loại dược liệu quý, như: Sa nhân, bình vôi, cu li, địa lan; tập trung và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sơn Tra, Y Dĩ, Ba Kích, Đinh Lăng, Đẳng Sâm, sâm Bố Chính, sâm Ngọc Linh…

 Bên cạnh phát triển cây ăn quả, huyện Mai Sơn đang định hướng người dân phát triển cây dược liệu để nâng cao thu nhập.

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt điện tử, ông Cầm Văn Thắng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mai Sơn, cho biết: Hiện nay, huyện Mai Sơn đang tập trung cao cho công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, xác định tập tính từng loại cây dược liệu cho tiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với trình độ canh tác của người dân.

Ông Thắng cho biết thêm: Do giá trị và nhu cầu về cây dược liệu ngày càng cao theo thời gian, hiện nay, ở một số bản, xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đã xảy ra việc một số bộ phận người dân vào môi trường tự nhiên khai thác ồ ạt không theo quy hoạch. Trước thực trạng này, UBND huyện Mai Sơn đã chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, tuyên truyền đến nhân dân về tác hại việc khai thác trái quy định.

Sâm Ngọc Linh được trồng thí điểm tại huyện Mai Sơn phát triển rất tốt.

“Khó khăn lớn nhất trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Mai Sơn là đời sống của bộ phận người dân tại khu vực vùng cao còn khó khăn, vốn đầu tư ban đầu cho cây dược liệu lớn, kỹ thuật chăm sóc hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu, như: Điện, đường, thủy lợi, cơ sở sản xuất giống... còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn” – ông Thắng nói.

 

Hiện nay huyện Mai Sơn đang có trên 100 ha cây dược liệu, định hướng phát triển đến năm 2025 là 1.500 ha.

Cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư

Chia sẻ về hướng phát triển cây dược liệu trong thời gian tới của huyện Mai Sơn, ông Thắng cho hay: Hiện nay, huyện Mai Sơn đang thực hiện cơ chế hỗ trợ theo chủ trương của tỉnh tại Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND tỉnh Sơn La và lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai các mô hình điểm, mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán, trồng xen cây ăn quả.

Cây sâm Ngọc Linh được đánh giá rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La, trong đó có huyện Mai Sơn. 

Theo ông Thắng: Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao. Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh đang còn bỏ ngỏ của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, cần có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật; quy hoạch vùng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu; đất đai; tín dụng... điều mà tỉnh Sơn La đã làm rất tốt trong phát triển cây ăn quả.

  Với hệ thống tài nguyên rừng phong phú, huyện Mai Sơn là một trong những địa bàn của tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng trong phát triển cây dược liệu. 

“Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực về tài chính, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu. Có sự liên kết 4 nhà giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước trong khai thác, phát triển, tiêu thụ sản phẩm dược liệu thì mới ổn định, bền vững được” – ông Thắng chia sẻ.

 Cây Cát Cánh là một trong những loại cây dược liệu đang được trồng và phát triển tốt tại địa bàn huyện Mai sơn

Thực tế cho thấy, so với các loại cây trồng khác, cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục định hướng người dân phát triển những cây dược liệu có thế mạnh của địa phương. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nhà máy vào sản xuất, chế biến để nâng cao thu nhập cho người nông dân.  

 

PV Tây Bắc