Tiền công đức được quản lý thế nào, ai chịu trách nhiệm?

An Linh Thứ năm, ngày 09/03/2023 11:09 AM (GMT+7)
Quy định rõ về tiếp nhận, thống kê tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ Tài chính khẳng định người đại diện di tích, tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ.
Bình luận 0

Chỉ còn 10 ngày nữa (19/3/2023) các quy định về tiếp nhận, quản lý và người chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng tài sản, tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, di tích và lễ hội chính thức được áp dụng. Đây được xem là quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý, chi tiêu tiền, tài sản ở đền chùa vốn được dư luận quan tâm từ khá lâu.

Nhà nước không quản lý tiền công đức

Theo đó, Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội sẽ có hiệu lực ngày 19/3. Bộ Tài chính nêu rõ, việc tiếp nhận tiền công đức của các cơ sở di tích, lễ hội, người chịu trách nhiệm phải mở tài khoản ngân hàng, tiếp nhận tiền mặt hoặc giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý phải có ghi chép, thống kê.

Tiền công đức được quản lý thế nào, ai được chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức của nhiều cơ sở tôn giáo đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Đối với cơ sở di tích, lễ hội do nhà nước quản lý, phải mở tài khoản ở kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại. Việc tiếp nhận tiền công đức qua tài khoản được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử.

Đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, các di tích, lễ hội phải ghi chép đầy đủ số tiền, định kỳ hằng ngày, hằng tuần phải kiểm đếm, ghi nhận số tiền tiếp nhận.

Đối với tài sản công đức là đá quý, kim khí quý, phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá  quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. 

Riêng đối với đá quý, kim khí quý, ban quản lý di tích, lễ hội được quyền bán đấu giá tài sản, lưu trữ hoặc trưng bày theo nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến tặng.

Bộ Tài chính cho hay, các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho.

Đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích thuộc sở hữu tư nhân, Bộ Tài chính khẳng định: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, các đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng, di tích thuộc sở hữu tư nhân cũng phải thực hiện việc tiếp nhận, thống kê, kiểm đến tương tự như các cơ sở là di tích, lễ hội nhà nước quản lý.

Về sử dụng tiền công đức, Bộ Tài chính quy định tiền công đức được sẽ được trích theo tỷ lệ phần trăm để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các di tích được trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động lễ hội; đơn vị được tự chủ sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ và được tổng hợp vào các khoản thu xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên. Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.

Theo Bộ Tài chính, người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.

Tại Thông tư 04/2023, Bộ Tài chính cho biết, nhà nước không quản lý tiền công đức tại các cơ sở di tích, tôn giáo, tín ngưỡng… Bộ Tài chính đưa ra chính sách, hướng dẫn các cơ sở di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện đúng pháp luật, quy định về sở dụng tiền công đức, hoạt động chi sao cho minh bạch.

Thực tế, về quy định số lượng hòm công đức được phép đặt trong các cơ sở di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có đưa ra quy định mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Khuyến khích tại mỗi di tích (di tích đơn lẻ hoặc di tích thuộc cụm di tích) chỉ đặt 1 hòm công đức ở vị trí thích hợp.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều di tích, đền chùa, miếu hoặc cơ sở tín ngưỡng, số lượng hòm công đức khá nhiều, thậm chí mỗi ban thờ, chân tượng đều có hòm công đức.

Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hoá, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh. Hai Bộ trên có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem