‘Tiền di động’ chờ ngày ra mắt và bài toán quản trị rủi ro

19/05/2020 15:14 GMT+7
Hầu hết các chuyên gia và nhà mạng viễn thông đều có chung đồng thuận cho rằng thí điểm dịch vụ Mobile Money là quyết định quan trọng, sẽ hỗ trợ cho thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp quản trị rủi ro ra sao?

Sau nhiều lần trì hoãn, việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các giao dịch có giá trị nhỏ hay còn gọi là Mobile Money dự kiến sẽ đi vào thực tế trong tháng 6 này. Thông tin này không chỉ được doanh nghiệp đón nhận, mà 50% người dân chưa có tài khoản ngân hàng sẽ có cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt.

"Cộng thêm" 0,5 điểm% vào tăng trưởng kinh tế

Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn vào đầu tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này đã trình Thủ tướng quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Đơn vị này cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định về thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hai tháng trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn như Viettel, VNPT… sớm hoàn thiện các thủ tục, cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money.

‘Tiền di động’ chờ ngày ra mắt và bài toán quản trị rủi ro - Ảnh 1.

Việc thí điểm Mobile Money dự kiến sẽ đi vào thực tế trong tháng 6/2020 (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh tỷ lệ tiền mặt lưu thông/GDP của Việt Nam lên tới 20%, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đạt trên 100% dân số, Mobile Money được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Vì vậy, nếu Chính phủ "bấm nút" thông qua đề án triển khai thí điểm Mobile Money ngay trong tháng 6 thì dự báo đến cuối năm nay, tỷ trọng người dân thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng cao.

"Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khó có thể giảm xuống 10% từ mức 11,33% của năm trước", một chuyên gia nhận định.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, thì lại cho rằng để đạt tỷ trọng tiền mặt giảm xuống 10% cần một thời gian dài và những công cụ khác.

Vị chuyên gia này phân tích, việc thí điểm Mobile Money là quyết định quan trọng, sẽ hỗ trợ cho thanh toán phi tiền mặt. Tuy nhiên, không phải có Mobile Money là người dân sẽ không dùng tiền mặt nữa. Bởi trên thực tế, hiện nay, tỷ lệ người dùng điện thoại di động nhiều, nhưng qua đó chuyển sang giao dịch mua bán, trao đổi, giao dịch thanh toán phi tiền mặt còn rất thấp.

Xét ở tầm vĩ mô, thanh toán số với hạt nhân là Mobile Money được coi là nền tảng quyết định kiến trúc nền kinh tế số, là mạch máu của nền kinh tế, là cơ sở để bùng nổ các dịch vụ số khác. Qua đó góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh nghiệm từ tất cả các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc cho phép Mobile Money sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.

Quản trị rủi ro ra sao?

Hầu hết các chuyên gia và nhà mạng viễn thông đều có chung đồng thuận cho rằng thí điểm dịch vụ Mobile Money là quyết định quan trọng, sẽ hỗ trợ cho thanh toán phi tiền mặt. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp quản trị rủi ro ra sao vẫn là câu hỏi được đặt ra.

Theo quan điểm của ông Hiếu, quan trọng là làm sao bảo toàn được tiền của khách hàng gửi vào những công ty viễn thông.

"Khách hàng sử dụng Mobile Money phải mở tài khoản với các công ty có ví điện tử. Điều quan trọng là làm sao để quản lý được dòng tiền ở ví của các công ty này không sử dụng sai mục đích như dùng tiền đó đầu tư, buôn bán vào những lĩnh vực rủi ro", ông Hiếu đặt vấn đề.

Chuyên gia này kiến nghị, NHNN cần có cơ chế kiểm soát tất cả tiền khách hàng gửi trong ví điện tử đó, để các doanh nghiệp không thể chuyển vào bất cứ mục đích nào khác, mà chỉ để giao dịch thương mại cho khách hàng. Đó là mấu chốt, nhưng hiện nay, NHNN vẫn chưa có công nghệ như vậy để kiểm soát việc này.

Đồng tình, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng lo ngại tiền của khách hàng có thể bị mất nếu không có phương án quản lý phù hợp.

Ngoài ra, về công tác bảo mật, với số lượng hàng chục triệu thuê bao được phép sử dụng, bản thân các nhà mạng sẽ trở thành những ngân hàng thu nhỏ. Rủi ro đi kèm là khá lớn nếu không có giải pháp chặt chẽ.

Bên cạnh đó, theo đề xuất, hạn mức giao dịch cho Mobile Money là dưới 10 triệu đồng, nhưng nếu không có những biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dễ bị biến lách hạn mức thanh toán để thực hiện hành vi rửa tiền, đánh bạc...

Những rủi ro này đã được các doanh nghiệp viễn thông lường trước khi triển khai Mobile Money. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp để phòng ngừa và đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn bảo mật cho khách hàng.

"Quản trị nhà mạng đều được số hóa, rút bao nhiêu, chuyển bao nhiêu tiền đều nắm được. Nhưng để triển khai thành công vẫn cần phần "khung xương cứng" là sự phối hợp từ các ngân hàng, nếu không sẽ nảy sinh các đối tượng buôn tiền, rửa tiền, các đầu nậu", ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT – Media nêu quan điểm.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục