Tiền lương đóng BHXH cho người lao động là lương tối thiểu vùng hay lương qua đào tạo?

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 11/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Hiện nay, mức căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được tính dựa trên mức tiền lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, với lao động có kỹ thuật, mức lương được cộng thêm 7% thì việc đóng BHXH sẽ dựa vào mức lương nào?
Bình luận 0

Đống BHXH dựa trên lương tối thiểu vùng hay lương bao gồm 7% lao động có kỹ thuật?

Lao động Nguyễn Văn Nam (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: "Hiện nay tôi đang làm cho doanh nghiệp Nhật. Lương của tôi cao hơn mức lương tối thiểu vùng và được cộng thêm 7% do là lao động qua đào tạo (trình độ cao đẳng). Tôi muốn hỏi, khi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì doanh nghiệp phải đóng BHXH cho tôi dựa trên mức lương cơ bản theo lương tối thiểu vùng, hay phải đóng dựa trên tổng tiền lương (có tăng thêm 7%)?".

Trả lời cho câu hỏi này của anh Nam, đại diện BHXH TP.Hà Nội cho biết: Từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng của lao động làm tại các doanh nghiệp đã tăng lên thêm 6%. Trước đó, Nghị định số 90 của Chính phủ cũng cho biết lương tối thiểu vùng được áp dụng từ 1/1/2020 có quy định mức lương với lao động có kỹ năng nghề, đã qua học nghề, theo đó phải trả thêm cho lao động cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

lương tối thiểu vùng

Tiền lương làm căn cứ BHXH là mức lương bao gồm cả tiền lương tăng thêm với lao động có kỹ năng tay nghề. Ảnh:N.T

Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1/7/2022 thì không có quy định cụ thể về việc trả lương tăng thêm 7% cho lao động có kỹ thuật, nhưng nghị định cũng quy định doanh nghiệp và người lao động phải lấy mức lương tối thiểu tháng làm cơ sở thỏa thuận tiền lương. Mức lương trả cho lao động phải không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

 Đồng thời Nghị định quy định mức lương phải đảm bảo vị trí, chức danh và tính đủ, tính đúng thời gian lao động làm việc bình thường.

Như vậy tiền lương làm cơ sở đóng BHXH với lao động có kỹ năng nghề được đào tạo trung cấp, cao đẳng hay đại học hoặc tương đương thì phải được tính bao gồm cả khoản tăng thêm là 7% chứ không phải chỉ đóng dựa trên lương cơ sở vùng.

Kiến nghị không thu tiền lãi chậm nộp BHXH 

Ngoài băn khoăn trên nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng đặt câu hỏi liên quan tới việc gia hạn nợ nộp chậm BHXH, một số doanh nghiệp hỏi, đề nghị: "Đề nghị BHXH gia hạn nợ, và chỉ thu tiền gốc, chứ không thu thêm tiền lãi chậm nộp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động".

bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ bị tính lãi chậm đóng. Ảnh: N.T

BHXH Hà Nội ghi nhận những khó khăn, hiện nay BHXH cũng có nhiều hỗ trợ, tuy nhiên việc phải đóng lãi chậm nộp đã được ban hành trong Nghị định của Chính phủ vì thế phải thực hiện. Cơ quan BHXH chỉ là đơn vị thực hiện, vì thế không thể gia hạn hay không tính lãi chậm đóng được.

Vừa qua Nghị quyết 24 cũng quy định về việc thực hiện dùng 1.155 tỷ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra chính phủ có nhiều chương trình, các gói hỗ trợ kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem