Tiên Phước xây dựng nông thôn mới: Sức bật liên kết sản xuất, OCOP

Trần Hậu Thứ năm, ngày 14/10/2021 15:11 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao.
Bình luận 0

Năm 2021, được xem là năm "tăng tốc" của huyện Tiên Phước để hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2022.

Quyết tâm cán đích huyện NTM

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Phước cho biết, xác định xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên, liên tục, vì vậy trong suốt chặng đường đã qua, Huyện ủy, UBND huyện Tiên Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện Chương trình xây dựng NTM một cách hiệu quả, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Nhờ đó, qua hơn 10 năm xây dựng NTM, tổng số tiêu chí toàn huyện đạt 247 tiêu chí, bình quân 17,64 tiêu chí/xã; 11/14 xã đạt chuẩn xã NTM. Trong đó, nhóm 3 xã đã đạt chuẩn năm 2015 đang thực hiện kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; nhóm 8 xã đã được công nhận đạt chuẩn năm 2019-2020 (gồm Tiên Cẩm, Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Lộc, Tiên Hà, Tiên An, Tiên Mỹ, Tiên Hiệp) tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Tiên Phước kỳ vọng ở sức bật liên kết sản xuất, OCOP - Ảnh 1.

HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Tiền Phong là “bà đỡ” cho nông dân phát triển kinh tế vườn rừng. Ảnh: Trần Hậu

Sau 3 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Tiên Phước có 28 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao và 3 sao (trong đó có 10 sản phẩm được công nhận 4 sao và 18 sản phẩm được đánh giá công nhận 3 sao). Nhiều chủ thể OCOP đạt doanh thu lớn như HTX Nông dược xanh Tiên Phước, mỗi năm lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng; Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên doanh thu 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm…

Hiện còn 3 xã phấn đấu về đích năm 2022 gồm Tiên Lập đã đạt 14/19 tiêu chí; Tiên Ngọc đạt 11/19 tiêu chí; Tiên Lãnh đạt 15/19 tiêu chí.

Thực hiện tiêu chí huyện NTM, đến nay Tiên Phước đã cơ bản đạt 4/9 tiêu chí (gồm: quy hoạch, điện, an ninh trật tự xã hội và tiêu chí về chỉ đạo xây dựng NTM), các tiêu chí còn lại mức độ đạt cận chuẩn (70 - 90%). Toàn huyện đã có 12/85 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) là một trong những điển hình xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, không gian văn hóa làng, phát triển du lịch.

Theo ông Nguyệt, xây dựng NTM càng đi sâu vào đời sống người dân mới thấy hết được giá trị thực chất mà công cuộc xây dựng NTM mang lại. Vì vậy, huyện Tiên Phước đã và đang xây dựng NTM mang tính thực chất; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các mô hình kinh tế mới, nhằm nâng cao đời sống cho người dân là đích mà huyện hướng đến.

"Xây dựng huyện NTM là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với Tiên Phước trong thời gian đến. Để đạt được mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM vào năm 2022, huyện Tiên Phước cần nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhất là các tiêu "cứng". Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tôi tin rằng Tiên Phước sẽ cán địch huyện NTM đúng lộ trình đề ra…" - ông Nguyệt cho hay.

Điểm sáng kinh tế hợp tác xã

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Tiên Phước kỳ vọng ở sức bật liên kết sản xuất, OCOP - Ảnh 3.

Thương hiệu nghệ trắng Tiên Ngọc (xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2020. Ảnh: An Nhiên

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Tiên Phước kỳ vọng ở sức bật liên kết sản xuất, OCOP - Ảnh 4.

Ông Nguyệt cho biết, ngoài xây dựng NTM thì thời gian qua kinh tế trên địa bàn huyện Tiên Phước có nhiều khởi sắc, mang dấu ấn đậm nét từ khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Các đơn vị đang phát huy vai trò điểm tựa, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Đến nay, toàn huyện có 54 HTX, trong đó có 46 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2021 thành lập mới 5 HTX. Cơ bản các HTX có liên kết sản xuất, chú trọng xây dựng mô hình sản xuất an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và cung ứng vật tư đầu vào, kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ cho nông dân. Tiêu biểu phải kể đến HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Tiền Phong, HTX Nông nghiệp Tiên Hiệp...

Ông Dương Thái Xuân Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Tiền Phong cho biết, năm 2013, với số vốn ban đầu là 1,4 tỷ đồng và 7 thành viên, HTX được thành lập với nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung lĩnh vực liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm đặc sản sạch của các địa phương, cung cấp, tư vấn kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc các loại cây, con trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại, cây lâm nghiệp, dược liệu khu vực trung du miền núi...

Ngoài ra, HTX cũng liên kết với các nhóm nông dân miền núi sản xuất, tiêu thụ rau củ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phước Sơn, tiêu thụ nếp cái hương bầu, sa nhân tím, quế, gà thả vườn, lợn thả đồi. Cùng với đó, tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng và bán trả sau cây giống các loại cho hơn 500 nông dân.

Hiện nay, HTX Tiền Phong giải quyết cho 5 lao động thường xuyên tại địa phương, và hàng chục lao động thời vụ. Lợi nhuận bình quân hàng năm của HTX đạt hơn 500 triệu đồng.

Về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năm 2021 huyện Tiên Phước được tỉnh cấp 1,2 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã thành lập Hội đồng thẩm định dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 17/12/2019. Hội đồng đã thẩm định 4 dự án liên kết gồm: Dự án của HTX Nông nghiệp Phước Hà thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả cam giấy Tiên Hà, triển khai trên địa bàn 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, quy mô 12ha, với 45 hộ tham gia liên kết. Dự án của HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Tuyên hỗ trợ liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trái lòn bon, triển khai trên địa bàn 5 xã Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Lãnh, quy mô 15ha, 80 hộ dân tham gia liên kết. Cuối cùng là dự án hỗ trợ liên kết sản xuất cây chuối nai tại xã Tiên Ngọc.

Trong năm 2021, huyện Tiên Phước đăng ký thêm 5 sản phẩm với 4 chủ thể tham gia Chương trình OCOP gồm: HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tiền Phong - sản phẩm trái măng cụt Tiên Phước; HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam - sản phẩm bộ đĩa mo cau xứ Tiên; Công ty TNHH Dược Phaco - sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe rượu sâm Ngọc Linh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc linh ngâm mật; HTX Nông nghiệp Tiên Hiệp - sản phẩm nhang trầm hương Như Ý. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem