Tiến sĩ Trần Quang Diệu: Thu phí bạn đọc không còn xa lạ trên thế giới

PV Thứ hai, ngày 21/06/2021 12:53 PM (GMT+7)
Tiến sĩ Trần Quang Diệu - chuyên gia Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, thu phí báo điện tử chắc chắn là xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bình luận 0

Nhiều tờ báo điện tử ở Việt Nam sẽ tiến hành thu phí đọc báo sau VietnamPlus và Ngày nay. Theo ông, trong tương lai, phí đọc báo có trở thành nguồn thu đáng kể cho các tờ báo điện tử ở Việt Nam không?

Hiện nay, trong tình hình khó khăn của nhiều cơ quan báo chí Việt Nam, một phần do tác động của dịch Covid-19, một phần do nguồn thu quảng cáo đang bị sụt giảm nghiêm trọng (trung bình lên tới 70% như phát biểu của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Bên cạnh đó, nguồn thu quảng cáo cho báo in cũng giảm sút, nguồn thu trên báo điện tử chưa bù đắp được phần giảm sút thì việc đa dạng hoá nguồn thu của các cơ quan báo chí, truyền thông là cần thiết. Một trong những cách thức làm điều này là chính sách thu phí bạn đọc.

Trên thế giới, việc thu phí bạn đọc của báo chí không còn là xa lạ, đặc biệt khi môi trường điện tử được các cơ quan báo chí khai thác một cách triệt để, như theo một số thống kê của mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP) về tình hình thu phí digital đăng tải vào tháng 6/2020, có gần 30 triệu người trả phí để đọc tin trên báo điện tử và trong số top 10 có New York Times, Down John, Wall Street Journal, The Informer, Washington Post, Financial Times, Gannet, Schibsted. 

Ở Việt Nam, những thống kê bước đầu khi Vietnam Plus, Tạp chí Ngày nay thực hiện thu phí bạn đọc đã đạt được những hiệu ứng đáng khích lệ.

Điều này cho thấy xu thế thu phí cho báo điện tử chắc chắn là xu thế của thế giới nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó, từng bước trở thành nguồn thu đáng kể cho các cơ quan báo chí và truyền thông.

Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu kỹ tình hình thực tế để tìm ra giải pháp và lộ trình phù hợp cho Việt Nam. Thu phí không chỉ có nghĩa là xây dựng các quy tắc thanh toán và lựa chọn mô hình thanh toán, mà là một loạt kế hoạch tổng thể bao gồm tối ưu hóa nội dung, nghiên cứu người dùng, quảng bá tiếp thị để các cơ quan báo chí thích ứng với kỷ nguyên Internet.

Tiến sĩ Trần Quang Diệu: Thu phí bạn đọc không còn xa lạ trên thế giới - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Quang Diệu - chuyên gia Công nghệ thông tin và Truyền thông, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh . Ảnh: D.V

Đâu sẽ là thách thức lớn nhất cho việc thu phí đọc báo điện tử tại Việt Nam, vấn đề bản quyền, công nghệ hay thị hiếu độc giả, thưa ông?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang loài người bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo. Cuộc cách mạng này đã tác động một cách sâu rộng vào các yếu tố căn bản của báo chí – truyền thông, sản xuất báo chí – truyền thông, sản phẩm báo chí – truyền thông và công chúng truyền thông. 

Các phương tiện truyền thông mới ra đời làm thay đổi toàn bộ trật tự của các phương tiện truyền thông truyền thống, thúc đẩy các phương tiện truyền thông truyền thống phải thay đổi để bắt kịp với kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số. 

Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, lãnh đạo truyền thông hiện nay có thể được kể đến bao gồm các vấn đề của chủ thể quản lý truyền thông; vấn đề về nội dung và nguyên tắc quản lý truyền thông;

Vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và khoa học của công tác quản lý truyền thông; vấn đề về mô hình quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí, truyền thông; thách thức trong cạnh tranh báo chí và phương tiện truyền thông mới; thách thức về hạ tầng – kỹ thuật; và thách thức về an ninh truyền thông cũng như văn hóa truyền thông, thách thức của bản quyền và công nghệ cũng như thị hiếu công chúng. Chính vì vậy, các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông cần thích ứng với các xu thế sau trong bối cảnh mới.

Thứ nhất, xuất hiện thế hệ công chúng số. Với sự thay đổi của công nghệ, một thế hệ công chúng mới ra đời – thế hệ công chúng số (digital audiences). Thế hệ công chúng này đòi hỏi một môi trường truyền thông năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn. Công chúng mới đòi hỏi các tổ chức, cơ quan báo chí phải thay đổi để phục vụ tốt hơn như các yêu cầu về tuỳ biến, cá nhân hoá.

Thứ hai, sự phát triển nhanh và tác động mạnh mẽ của các loại hình báo chí – truyền thông và các phương tiện truyền thông mới. Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, truyền thông xã hội, truyền thông trực tuyến … phát triển với tốc độ chóng mặt, tác động mạnh và bắt kịp nhanh hơn với xu hướng và thị hiếu của người sử dụng. Các phương tiện truyền thông mới kéo theo nhu cầu hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ ngày càng mạnh mẽ.

Thứ ba, ứng dụng của trí thông minh nhân tạo (AI – artificial intelligent) trong báo chí - truyền thông đã và đang chứng minh tính hiệu quả của nó. Các hệ thống làm tin tự động đã và đang được nhiều cơ quan báo chí ở nước ngoài áp dụng đã chứng minh rằng trí thông minh nhân tạo có thể dần thay thể con người trong các hoạt động báo chí – truyền thông.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem