Tiếng kêu khẩn thiết từ tòa nhà 40 tầng trên khu đất vàng giữa trung tâm Sài Gòn

Võ Đức Phúc (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 28/09/2014 07:32 AM (GMT+7)
Vẻ hoành tráng bên ngoài của tòa cao ốc đang xây dựng dở dang nằm ngay khu đất vàng giữa trung tâm Sài Gòn (34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) khiến người đời khó có thể ngờ rằng ở đấy, nhiều nhân viên có hoàn cảnh quá bi đát. Họ đang phải kêu than những tiếng khẩn thiết. Hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước bị chiếm dụng cùng với một công trình “vàng” đã phơi nắng phơi mưa ròng rã 3 năm nay.
Bình luận 0

Chúng tôi bước vào công trường cao ốc Sài Gòn M&C nằm ngay góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng cạnh chân cầu Khánh Hội, anh bảo vệ chẳng thèm ngó và hỏi chúng tôi là ai và đến có việc gì. Cái nắng gay gắt của Sài Gòn buổi trưa vẫn không xóa tan được vẻ ảm đạm của tòa nhà dù đứng ở đây nhìn xa xa là bến Nhà Rồng tráng lệ, lại nằm trên khu đất được mệnh danh là “khu đất vàng” của thành phố. Tòa cao ốc gồm 40 tầng lầu, 5 tầng hầm và tầng mái có tên Sài Gòn M&C được khởi công xây dựng từ năm 2007. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 3.2011 nhưng hiện chỉ hoàn tất phần thô và kết cấu thượng – hạ tầng, sau đó nằm im lìm ngưng thi công cho đến nay.

Đìu hiu hoang vắng

Thật lạ lùng và đau xót, dự án xây dựng tòa cao ốc này được đại hội cổ đông Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C thông qua với mức đầu tư gần 238 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỷ đồng), trong đó có nguồn vốn nhà nước 30% được góp từ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), lại nằm phơi nắng, phơi mưa đã hơn 3 năm nay. Tầng trệt của công trình chẳng khác nào một cái nhà kho với ngổn ngang nào là ống tôn điều hòa, nào là gạch đá xi măng nằm chơ vơ chung quanh 2 chiếc xe ô tô của chủ đầu tư, một chiếc Land Cruiser, một chiếc Innova đã cũ nằm bất động. Ông Đào Anh Đạt – Chủ tịch công đoàn Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C vừa dẫn chúng tôi vào thang máy để lên các tầng trên cao vừa bảo rằng hai chiếc xe này đã nằm đấy rất lâu không lăn bánh vì không có tiền đổ xăng .

img

Văn phòng làm việc tạm của cty trên tầng 12, có bàn ghế nhưng vắng bóng nhân viên...

img ... và chiếc xe ô tô nằm bẹp dưới tầng trệt toà nhà không có tiền đổ xăng để lăn bánh.

Ông Đào Anh Đạt bảo rằng, hàng ngày một vài nhân viên của công ty không có việc gì làm nhưng cũng phải đến cơ quan, đi lên đi xuống và sống chung với cảm giác rờn rợn như chúng tôi để cố giữ công việc và đòi nợ lương từ tết đến giờ chưa được công ty trả. Cầm trên tay rất nhiều lá đơn kiến nghị đòi lương cho nhân viên, có lá đơn còn thơm mùi mực, ông Đào Anh Đạt hạ giọng, thổn thức kể như sắp bật khóc:

“Nói thật với anh, tôi vừa bán chiếc xe máy là phương tiện đi làm duy nhất để có tiền trang trải gạo cơm cho vợ con sống qua ngày chứ 7 tháng rồi không có lương. Mấy hôm nay tôi đi làm bằng xe buýt, con gái tôi sắp mổ tim mà không biết lấy tiền đâu để mổ cho cháu đây”.

Dẫn chứng từ bản báo cáo của ban kiểm soát, ông Đào Anh Đạt nêu vanh vách từ khi thành lập công ty đến nay đã thay đổi 5 đời tổng giám đốc đều do cổ đông lớn là Công ty M&C đề cử. Các đời tổng giám đốc này đã liên tục sử dụng tiền của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C để chuyển về cho cổ đông là Công ty M&C vay, mượn không đúng nguyên tắc, tạm ứng sử dụng riêng cho cá nhân tổng giám đốc mà không có phê duyệt của HĐQT và khi các đời tổng giám đốc nghỉ việc cũng không có ông nào trả lại. 

Chỉ riêng cổ đông là Công ty M&C đã chiếm dụng vốn với số tiền 149 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả. Chưa tính đến là các đời tổng giám đốc đã nghỉ việc nợ tạm ứng tiền không trả như ông Phạm Thanh Dũng (nguyên tổng giám đốc đã nghỉ việc) nợ tạm ứng 23,4 tỷ đồng, ông Nguyễn Trần Phúc (đã nghỉ việc) nợ tạm ứng 1,45 tỷ đồng, cổ đông lớn của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C là Công ty M&C góp vốn 49% nhưng qua các đời tổng giám đốc được đề cử từ công ty này đã chỉ đạo chuyển ngược vốn về lại sai nguyên tắc dưới dạng cho vay, mượn khiến tình hình tài chính của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C kiệt quệ, đẩy hàng loạt nhân viên đến quãng đường bế tắc.

Chỉ trích dẫn một đoạn trong bản báo cáo kiểm soát, ông Đào Anh Đạt còn khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi thông tin thêm về một lãnh đạo của công ty “không nằm trong vòng xoáy tài chính” cũng khó khăn đến nỗi thỉnh thoảng trên đường đi làm về phải làm một cuốc xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Rồi anh kể thêm, mới đây tài xế Phạm Ngọc Hương và Lê Sơn Minh đã xin được một chân đi làm thợ hồ, cô lễ tân Lưu Thị Diễm xin nghỉ việc nhưng không được giải quyết chế độ trợ cấp lương.

Tầng làm việc tạm của công ty được bố trí bàn ghế tương đối hiện đại nhưng chỉ 1-2 người ngồi trong tư thế làm việc nhưng tâm trạng và vẻ mặt buồn như mặt hồ chiều đông. Phòng làm việc của chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đều cửa đóng then cài. “Cả tháng nay không thấy mấy ổng đến cơ quan. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều đơn ở góc độ là đại diện tổ chức công đoàn để đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động nhưng mấy ổng không giải quyết, các cơ quan chức năng thì không thấy động tĩnh gì” – ông Đào Anh Đạt cho hay. 

Có một điều thật bất ngờ, cổ đông của công ty này ngoài Công ty M&C ra, lại là những đơn vị “có máu mặt” như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) với tỷ lệ góp vốn 30%, Ngân hàng TMCP Đông Á góp 6%, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chiếm 10% cổ phần, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận góp 5%. Tòa cao ốc được chia làm hai: Khu căn hộ, khu trung tâm thương mại và văn phòng. Và chắc chắn một điều mà khó có thể hình dung được rằng 1m2 khu căn hộ ở tòa nhà này có giá 8.000USD nhưng ở đấy lại cũng có biết bao cảnh đời đang khó khăn với những tiếng kêu khẩn thiết nhưng thật lạ lùng là cho tới nay vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết. 

Ngoài khoản tiền cho Công ty cổ phần M&C mượn, công ty còn 39 tỷ đồng cho cán bộ công nhân viên tạm ứng trong đó có 34 tỷ đồng là trường hợp nhân viên đã nghỉ việc nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Đành rằng, một công trình được hình thành từ vốn góp của tư nhân thì số phận của nó phụ thuộc vào quyền quyết định của các ông chủ. Nhưng ở đây có phần vốn nhà nước 30% nằm bất động đã 3 năm trời ngay “khu đất vàng” của thành phố, chẳng lẽ lại không có cơ quan nào cảm thấy xót xa? Lẽ nào “cái bóng” của DNNN như Saigontourist quá lớn đã “che khuất” tầm nhìn để đến nỗi một công trình đồ sộ nằm chơ vơ giữa đất trời như thế mà không ai hay?

 

Ông Đào Anh Đạt rỉ tai tôi nói nhỏ: “Mới đây, qua tìm hiểu tôi biết UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu giải quyết bức xúc những kiến nghị về tiền lương của nhân viên công ty nhưng không hiểu sao công văn đi chỉ một đoạn đường từ UBND TP.HCM đến đây chừng 500m mà đã 5 ngày rồi không thấy tới anh ạ”. 

Bi đát về tài chính, mỗi ngày phải chịu lãi 1,64 tỷ đồng

Theo báo cáo kiểm soát ngày 26.4.2013, mặc dù đang khó khăn về vốn tuy nhiên công ty lại cho Công ty cổ phần M&C mượn 128,9 tỷ đồng. Năm 2012, sau nhiều lần ban kiểm soát kiến nghị thu hồi và tính lãi các khoản mượn này thì công ty lại tiếp tục cho Công ty cổ phần M&C mượn 48,5 tỷ đồng. Đến ngày 31.12.2012 thì số tiền lãi vay của hợp đồng này là 6 tỷ 463 triệu đồng nhưng Công ty cổ phần M&C vẫn chưa thanh toán. Việc Công ty cổ phần M&C mượn tiền không thông qua các cổ đông là chưa đúng theo điều lệ công ty và theo quy định tại khoản 1, Điều 80, Luật Doanh nghiệp: “Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức”. 

img Ông Đào Anh Đạt - Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C - người nhiều tháng trời đại diện cho tổ chức công đoàn đòi nợ lương cho hàng loạt nhân viên công ty, đành bất lực bên công trình hoang vắng đìu hiu.

Quan sát bảng nợ tạm ứng mà các cá nhân trong đó có các đời tổng giám đốc công ty, có người nay đã nghỉ việc lâu rồi mà vẫn chưa trả lại, chúng tôi thật sự choáng. 

Nào là ông Tạ Nguyễn Tấn Trương (kế toán trưởng) mượn 260 triệu đồng; ông Phạm Thanh Dũng (nguyên tổng giám đốc đã nghỉ việc) tạm ứng 23,4 tỷ đồng; ông Nguyễn Trần Phúc (đã nghỉ việc) ứng 1,45 tỷ đồng; ông Cao Thụy Anh (phó tổng giám đốc) ứng 4,1 tỷ đồng nhưng không có tên trên bảng lương tháng; ông Nguyễn Trọng Thắng tạm ứng 5 tỷ đồng nhưng cũng không có tên trên bảng lương tháng 12.2012; tổng giám đốc hiện nay là ông Hoàng Đỗ Huy tạm ứng thu xếp tài chính. Như vậy, ngoài khoản tiền cho Công ty cổ phần M&C mượn, công ty còn 39 tỷ đồng cho cán bộ công nhân viên tạm ứng trong đó có 34 tỷ đồng là trường hợp nhân viên đã nghỉ việc nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Nhìn bảng “phong thần” đáng nể về mặt lộn xộn tài chính như thế, công ty không nợ lương nhân viên kéo dài mới là điều lạ. Tìm hiểu về tình hình vay tín dụng của công ty lại càng bi đát hơn. Đến thời điểm 31.12.2012, Công ty đang vay của 3 tổ chức tín dụng là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Minh Quân (835 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Liên Phát (667 tỷ đồng) và một ngân hàng Việt Nam (1.501 tỷ đồng). Tổng số tiền đang vay là 3.004 tỷ đồng. Trong khi đó, để có được cái công trình tòa cao ốc đang nằm đắp chiếu như thách thức công luận hiện nay ở “khu đất vàng” Sài Gòn, công ty phải sử dụng 79% vốn vay. 

Theo thống kê, từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến ngày 31.12.2012, công ty đã phải trả lãi vay và chi phí tài chính (gồm phí đầu mối, phí cam kết/phí thu xếp vốn và phí đồng tài trợ cho các tổ chức tín dụng là 698 tỷ 420 triệu đồng. Mỗi ngày, mở mắt ra công ty phải trả chi phí lãi vay bình quân là 1 tỷ 640 triệu đồng.
img Tòa cao ốc 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1 nằm trong khu đất vàng của thành phố đang phơi nắng, phơi mưa. (Ảnh: Võ Đức Phúc).

Trong thời gian qua, Công ty cổ phần M&C đã thế chấp 10.460.860 cổ phiếu (tương đương với 20% vốn điều lệ của Công ty M&C) cho PVCombank để vay tiền. Đến hạn không trả được tiền nên PVCombank đã được ông Phạm Thanh Dũng (nguyên tổng giám đốc) ký xác nhận và cấp sổ cổ đông cho PVCombank (PVCombank nắm giữ 20% cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C) nhưng những người quản lý của công ty đã không điều chỉnh, không thông báo cho cổ đông và không đăng ký cổ phiếu của PVCombank để rồi mặc nhiên Công ty Sài Gòn M&C vẫn giữ tỷ lệ 49% cổ phần. Sự việc này đã gây kiện tụng và đã được tòa án các cấp xử lý và tổ chức cưỡng chế nhưng lãnh đạo Sài Gòn M&C né tránh và ém nhẹm sự việc. Trong biên bản báo cáo kiểm soát cho rằng Công ty cổ phần Sài Gòn M&C đã nhận được văn bản của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhưng đến nay trên sổ cổ đông chưa ghi nhận có sự điều chỉnh cổ đông cho PVCombank. 

Một lãnh đạo công ty đề nghị giấu tên nói với chúng tôi rằng khả năng dự án sẽ mất trắng về tay của các tổ chức tín dụng là rất cao nhưng chưa thấy ai tỏ ra xót xa cho phần vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 30% vốn góp vào dự án mà đại diện là cổ đông Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). 

Nhiều ngày liền chúng tôi liên lạc với các ông chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn M&C để chuyển tải những kiến nghị, thắc mắc của hàng loạt nhân viên nhưng bất thành. Nói như ông Chủ tịch công đoàn Đào Anh Đạt “các anh không gặp được lãnh đạo công ty đâu, chúng tôi cầm đơn sẵn trong tay chờ mấy ổng từ ngày này qua tháng nọ còn chưa được huống gì là gọi điện thoại”, nghe có vẻ chua xót nhưng thực tế nó đang diễn ra như vậy. 

Liên lạc với ông Trần Hùng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist - qua điện thoại, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời hãy liên lạc với ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sài Gòn M&C) đồng thời ông Việt bảo sắp tới chắc sẽ có cơ quan chức năng thanh tra. Chúng tôi cũng liên lạc nhiều lần với ông Khánh, kể cả nhắn tin nhưng tất cả chỉ rơi vào im lặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem