“Tiếp sức cho nông dân”: Nóng hổi hơi thở của nhà nông

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 06:38 AM (GMT+7)
Dân Việt - Những câu hỏi của độc giả gửi đến báo điện tử Dân Việt tham gia bàn tròn trực tuyến “Tiếp sức cho nông dân” được cho là “nóng hôi hổi” hơi thở của đời sống nhà nông.
Bình luận 0

Những câu trả lời của các vị khách mời với góc nhìn sâu sắc, sinh động và thể hiện sự động viên, đồng cảm, chia sẻ đối với những khó khăn, cực nhọc, vất vả của nông dân-đó là không khí của buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp sức nhà nông” diễn ra sáng nay, 20.6 trên báo điện tử Dân Việt…

img

Chủ trì và điều phối cuộc giao lưu trực tuyến là Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt Lưu Quang Định; ba vị khách mời gồm TS Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn và chuyên gia Nguyễn Lân Hùng.

Đã có hàng trăm câu hỏi ở nhiều nội dung, góc cạnh trong đời sống sản xuất của nông dân, họat động của Hội ND các cấp được độc giả gửi về toàn soạn Dân Việt qua thư điện tử và điện thoại.

Cùng lo cái lo của nông dân

img
TS Đặng Kim Sơn

Là nhà khoa học có tiếng hiện nay ở lĩnh vực chính sách nông nghiệp, nông thôn, trong nhiều công trình nghiên cứu, bài phát biểu, bài báo, TS Đặng Kim Sơn luôn thể hiện mong muốn nông nghiệp, nông thôn có bước đột phá, đời sống của đại bộ phận nông dân khấm khá thông qua các chính sách phát triển công bằng.

Đó cũng là lý do khiến các câu trả lời của TS Sơn “nặng trĩu” ưu tư về các vấn đề ở nông thôn và của nông dân với góc nhìn sinh động, giàu thực tế. Ông Sơn đã chia sẻ về những bất cập cũng như vướng mắc, khó khăn trong câu chuyện sản xuất kinh doanh lúa gạo; liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, cơ chế nào để sản phẩm của nhà khoa học đến với nhà nông, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Theo TS Sơn, mấu chốt để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững là ở việc xây dựng được những chính sách mang tính đột phá. Ông Sơn cho rằng, sau 25 năm đổi mới, lực lượng làm nên sự đổi thay rõ nét nhất là nông dân và doanh nhân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ được tiến hành trong điều kiện tự nhiên không phải là thuận lợi, tranh canh khốc liệt, khoa học công nghệ yếu và thiếu. “Vừa rồi mới là chính sách mở cửa, “cởi trói”, sau 25 năm đổi mới nông dân, doanh nhân đã làm hết sức. Bây giờ chính sách cho nông nghiệp, nông dân không phải là “cởi trói, mở đường” nữa mà phải là tiếp sức. Nông dân không thể làm tốt nếu không có chính sách. Đã đến lúc thay đổi toàn bộ về chiến lược, chính sách…”, ông Đặng Kim Sơn chia sẻ.

Kỳ vọng nhiều hơn ở Hội ND

img
TS Nguyễn Duy Lượng

Tưởng như đơn giản, nhưng nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN lại rất “gai góc”. Đó là những ý kiến nêu lên những khó khăn của nông dân hiện nay trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, bức xúc của nông dân trong việc thực thi chính sách pháp luật, nhất là pháp luật trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường…

Độc giả còn quan tâm tới vai trò, nhiệm vụ của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng, phản biện chính sách phát triển “Tam nông”; Hội NDVN tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân…Một độc giả tên Việt Dũng đã nêu lên thực trạng hiện nay một số nơi vai trò của Hội ND bị xem nhẹ, cán bộ không bố trí vào đâu được, hoặc cán bộ thuộc diện “có vấn đề” thì đưa về Hội ND.

Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng thẳng thắn thừa nhận có hiện tượng đó, tuy không phải là đa số. Thực tế, nhiều cán bộ Hội ND thông qua họat động thực tiễn, sát với nông dân, có uy tín, trình độ nên vẫn được tổ chức bố trí giữ cương vị, trọng trách cao hơn trong bộ máy Đảng, chính quyền. Vấn đề bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp đang được Hội NDVN chú trọng với nhiều giải pháp, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ Hội ND các cấp, trả lời câu hỏi của nhiều độc giả, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho rằng, cán bộ Hội ND phải có phong cách tốt, tức là: tác phong quần chúng, sâu sát cơ sở, quan hệ mật thiết với hội viên, nông dân. Người cán bộ nông dân phải từ nơi quần chúng ra và trở lại với quần chúng, phải "chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải có thái độ vui vẻ, cởi mở, khiêm tốn" (như lời Bác Hồ dạy). Cho nên, một trong những vấn đề cốt yếu đặt ra là phải chọn người cán bộ Hội tốt, có đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định…

Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; thực trạng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rởm, giả xuất hiện nhiều gây hại đối với nông dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng khẳng định, nhiều năm qua, Hội NDVN đã chủ động vào cuộc tham gia giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, đòi quyền lợi cho hội viên, nông dân.

Theo Phó Chủ tịch, các cấp Hội phải làm mạnh hơn, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, phát hiện những bất cập “lỗ hổng” của chính sách pháp luật về quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan đến “Tam nông” để kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với các nông sản hàng hóa. Tránh tình trạng một mặt hàng có đến ba, bốn Bộ quản lý chồng chéo…

“Lên dây cót” cho nông dân làm giàu

img
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng

Đối với nông dân thì chuyên gia Nguyễn Lân Hùng là gương mặt quá đỗi quen thuộc. Ông là khách mời của nhiều chương trình truyền hình, tác giả của nhiều bài viết “đậm đặc” khuyến nông. Dù trên truyền hình, báo chí hay đi cơ sở, ông Hùng luôn có một phong cách trò chuyện, trao đổi gần gũi với nhà nông.

Ông được nhiều người gọi là chuyên gia “lên dây cót” cho nông dân làm giàu. Điều đó thể hiện rõ ràng, sinh động trong buổi giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Dân Việt sáng hôm nay, 20.6. Trong 3 vị khách mời thì có lẽ ông là người nhận được nhiều câu hỏi của độc giả nhất. Các câu hỏi thuần về mặt kỹ thuật, khuyến nông, nuôi con gì, trồng cây nào, kỹ thuật chăm sóc ra sao…

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng bày cho độc giả nông dân nuôi, trồng nhiều loại cây, con, từ gà thịt, vịt Supper, cầy hương, cá tầm, nhông cát cho tới trồng cây sưa, bông, khoai lang cao sản, lý giải về triển vọng của cây ca cao…Hơn 2 tiếng đồng hồ của buổi giao lưu trực tuyến, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tất bật trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác với phong thái “tất bật” trong “thư thái”.

Tất bật vì ông nhận được nhiều câu hỏi, thư thái vì ông trả lời khá dễ dàng. Ông trả lời rất nhanh, kể cả các thông số kỹ thuật. Lý giải về điều này, ông thổ lộ, sở dĩ ông nói “vo” mà vẫn đúng các thông số kỹ thuật đó là do ông nghiên cứu nhiều, biên soạn tới 100 nghề cho nông dân (trong đó đã in thành sách 50 nghề). Một lý do nữa là ông chịu khó đi hướng dẫn thực địa nhiều tại các gia trại, trang trại, nông, lâm trường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem