Tiếp tục giảm 0,5% lãi suất tín dụng, khó hay dễ?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/09/2017 07:00 AM (GMT+7)
Chính phủ vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Đồng thời, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21 - 22% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bình luận 0

Tuy nhiên, giới kinh tế tài chính thì cho rằng, để đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng.

Cụ thể, việc tín dụng cả năm tăng 21 - 22%, có nghĩa chỉ trong 4 tháng cuối năm, sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng được “bơm” ra nền kinh tế. Nhưng để các doanh nghiệp (DN) “hấp thụ” được số tiền này, việc giảm lãi suất là điều kiện cần thiết song điều này lại... gây khó cho các ngân hàng.

img

Chính phủ tiếp tục yêu cầu giảm lãi suất thêm 0,5% từ nay đến cuối năm (Ảnh: IT)

Khó giảm lãi suất trung - dài hạn

Còn nhớ, đầu tháng 7.2017, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay thêm 0,5%/năm. Ngay lập tức, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đồng loạt giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các DN thuộc lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, DN nhỏ và vừa... Đây được xem là nỗ lực lớn của hệ thống NHTM trong điều kiện nợ xấu chưa xử lý được.

Tuy nhiên, nhìn chung mức lãi suất phổ biến ở các NHTM đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường vẫn ở mức khá cao, từ 9,3-12%/năm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Ông Nguyễn Tấn Huy, Giám đốc Công ty TNHH XNK-TM Khang Huy (Q.Gò Vấp) cho rằng, việc giảm lãi suất vay ngắn hạn là đáng hoan nghênh nhưng nếu các ngân hàng giảm lãi suất ở các gói vay trung - dài hạn thì sẽ tốt hơn vì các DN hiện đang rất cần vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư công nghệ, nhà xưởng... Tuy nhiên, tín hiệu giảm lãi suất thêm 0,5% các gói vay này vẫn chưa thấy ở các ngân hàng.

“Thời gian gần đây, tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh so với giai đoạn trước, song đại bộ phận DN vẫn phải vay vốn với lãi suất 9-12%/năm, trong khi nhiều nước trong khu vực lãi suất trung bình chỉ 5-6%/năm, điều này khiến sức cạnh tranh của DN giảm sút rất nhiều”, ông Huy nói.

Liên quan đến vấn đề giảm lãi suất trung - dài hạn, Phó giám đốc một NHTM tại TP.HCM chia sẻ, rất khó để giảm mức lãi vay trung dài hạn trong thời gian cố định bởi nhu cầu gửi tiền của người dân, DN chủ yếu là kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Thực tế, thời gian qua nhiều NH đã áp dụng mức tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng lên mức 7%-8%/năm nhằm thu hút tiền gửi dài hạn từ dân cư nhưng không phải người nào cũng sẵn sàng gửi kỳ hạn 2-3 năm.

“Với mức lãi suất đầu vào này, rất khó có cơ hội để giảm thêm lãi vay trung dài hạn. Chưa kể hiện biên độ chênh lệch huy động - cho vay của một số NH chỉ còn từ 0,8%-1,5% nên càng khó giảm hơn nữa”, vị này nói.

“Việc hạ lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận do các ngân hàng sẽ không thể giảm 0,5-1% lãi suất huy động trong một thời gian ngắn. Chưa kể, lợi nhuận giảm sẽ làm giảm động lực của các NHTM. Đặc biệt, một vấn đề quan trọng khiến các ngân hàng khá “đau đầu” hiện nay là hệ số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) thấp. Nếu tiếp tục giảm lãi suất từ nay đến cuối năm thêm 0,5% thì sẽ khó đảm bảo an toàn hoạt động...”, đánh giá của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Tăng trưởng 21-22%, có khả thi?

Liên quan đến việc giảm lãi suất thêm 0,5% và kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng 21-22%, giới chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều cơ sở để Chính phủ triển khai mục tiêu này. Theo TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tài chính, cho rằng có 4 thuận lợi để triển khai mục tiêu trên. Thứ nhất, các DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên có mức trần lãi suất là 6,5% nhưng thực tế hiện nay nhiều DN đang vay được ở mức từ 4-6% nên việc có thể giảm thêm 0,5 đến 1% là bình thường.

Thứ hai, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước mới đây được công bố là 160 nghìn tỷ, con số này mặc dù không lớn so với Tổng tăng trưởng Tín dụng từ nay đến cuối năm nhưng vẫn là nguồn thanh khoản đáng kể hỗ trợ cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm dự kiến khoảng 10%.

Thứ ba, thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm hiện tại khoảng tầm 0,7-0,8% (trung bình cho kỳ hạn 1 năm). Điều đó chứng tỏ các ngân hàng hiện giờ, giữa quý 3 nhưng thành khoản vẫn rất dồi dào và dư thừa.

Thứ tư, mức độ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ thời điểm này đã trên 80% rồi, chỉ còn gần 20% nữa cho 4 tháng cuối năm. Nguồn vốn của NHTM đổ vào nguồn trái phiếu chính phủ còn rất là ít, còn rất dư vốn tập trung cho tăng trưởng tín dụng...

Bên cạnh những thuận lợi trên, ông Tín cũng cho biết, vẫn có những khó khăn thách thức, đó là tỷ lệ lạm phát thời điểm 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng trưởng 3,84 %. Lạm phát bây giờ đang ở ngưỡng 4%, nếu tiếp tục tăng nguồn cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì sẽ đẩy lãm phát trên 4%, vượt định mức mà Quốc hội giao cho.

“Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ là 21-22%, nhưng đến hết tháng 8 thì tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 11,5%, tức là còn phải tăng 10-10,5% nữa. Do đó, thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng trong quý 4 sẽ không còn hỗ trợ tốt như hiện tại”, ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem