Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ "đại gia" lan đột biến buôn than lậu

Thứ sáu, ngày 10/09/2021 07:11 AM (GMT+7)
Theo Cục Thuế tỉnh Hải Dương, người đại diện pháp luật của một số công ty cung cấp hàng hóa cho Công ty Đông Bắc Hải Dương lại chính là người lao động (công nhân, thủ kho...) làm việc tại công ty này.
Bình luận 0

Theo đó, bước đầu cơ quan này xác định Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương có dấu hiệu sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp. Hiện cơ quan Thuế đang củng cố hồ sơ gửi cơ quan công an.

Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ "đại gia" lan đột biến buôn than lậu - Ảnh 1.

Bùi Hữu Thanh - đại gia buôn lan đột biến trước khi bị bắt vì buôn than lậu. (Ảnh: Lao động)

Cục Thuế Hải Dương cho hay, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ước tính trốn thuế 24,6 tỷ đồng. Về chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp 246 tỷ đồng, Cục Thuế Hải Dương đang gửi cơ quan công an để làm rõ các hành vi sai phạm có thể phát sinh.

Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh (hai anh em "đại gia" lan đột biến khét tiếng tại Quảng Ninh) đứng đằng sau điều hành và lập Bùi Mạnh Cường làm Giám đốc doanh nghiệp.

Vào đầu năm 2021, anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh từng gây rúng động dư luận với thương vụ giao dịch lan đột biến "Ngọc Sơn Cước" có giá trị lên đến 250 tỉ đồng. Bùi Hữu Giang cùng một số cá nhân khác đầu tư số tiền lớn để xây dựng vườn lan var Đất Mỏ (lan đột biến) vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hải Dương, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0801214772, đăng ký lần đầu tháng 6/2017 do Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này là khai thác và thu gom than cứng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ đường thủy.

Kết quả thanh tra thuế 4 năm (2017-2020) và 6 tháng đầu năm nay cho thấy, doanh nghiệp này nhập lượng than với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, qua phân tích hồ sơ các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm, Cục Thuế Hải Dương xác định: Công ty Đông Bắc Hải Dương có doanh thu rất lớn, có nhiều yếu tố rủi ro. Cụ thể, 2 năm 2017, 2018, doanh nghiệp này có tổng doanh thu mặt hàng than là hơn 488 tỷ đồng; trong đó, tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào là hơn 589 tỷ đồng.

Năm 2019, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 1.127 tỷ đồng, bán ra là hơn 1.130 tỷ đồng; năm 2020, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 405 tỷ đồng, bán ra là gần 450 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm nay, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 124 tỷ đồng, bán ra 131 tỷ đồng (tất cả đều chưa có thuế giá trị gia tăng).

Cục Thuế Hải Dương khẳng định, Công ty Đông Bắc Hải Dương chỉ là đơn vị kinh doanh thương mại không có mỏ khai thác, không có bến bãi tập kết hàng hóa, không có phương tiện vận chuyển. Khi bán hàng hóa công ty không chứng minh được việc giao hàng, phương tiện vận chuyển, từng lần giao nhận vận chuyển. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty này mua hàng hóa đầu vào mặt hàng than là chủ yếu, từ các đơn vị đã bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, giải thể chưa làm thủ tục đóng mã số thuế.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của một số công ty cung cấp hàng hóa cho Công ty Đông Bắc Hải Dương lại chính là người lao động (công nhân, thủ kho...) làm việc tại Công ty Đông Bắc Hải Dương.


Diệp Diệp (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem