Tiêu thụ nông sản sạch ở Thủ đô: Gặp khó do thiếu liên kết

Bùi Hồng Thứ tư, ngày 11/11/2020 12:58 PM (GMT+7)
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trên địa bàn TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Tạo thị trường tiêu thụ ổn định

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, triển khai Nghị định số 98, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung của nghị định đến cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chủ trang trại, người nông dân… Sau 3 hội nghị triển khai, đã có hơn 20 chủ thể là các doanh nghiệp, HTX liên hệ với Chi cục Phát triển nông thôn để được tư vấn xây dựng dự án liên kết. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ có 10 dự án liên kết được thẩm định.

Thiếu liên kết, nông sản khó cạnh tranh - Ảnh 1.

Hà Nội đẩy mạnh kết nối, quảng bá những sản phẩm nông sản chất lượng cao với các địa phương trên cả nước. Ảnh: H.L

"Nếu không tập trung được nguồn lực để sản xuất theo chuỗi giá trị thì ngành nông nghiệp sẽ khó phát triển. Nếu không tiếp cận theo nhu cầu người tiêu dùng thì nông sản Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà. Chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới giải quyết được những vấn đề này…".

Ông Tạ Văn Tường

Để hỗ trợ các sở ngành, địa phương triển khai Nghị định số 98, UBND TP.Hà Nội đã giao nguồn kinh phí hỗ trợ dự án liên kết với số tiền trên 16 tỷ đồng. Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đang hướng dẫn các chủ thể có dự án liên kết để tổ chức thẩm định thuyết minh các mô hình, có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Cùng với thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động vào cuộc triển khai Nghị định số 98. Đã có 100% các huyện niêm yết quy trình giải quyết thủ tục hành chính về liên kết tiêu thụ sản phẩm để các chủ thể biết. Một số huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, đề án liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như tại huyện Thanh Trì có mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của HTX An Phát, hay mô hình liên kết tiêu thụ thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty CP Thực phẩm Song Đạt.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nội dung Nghị định số 98 đặc biệt quan trọng trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây là chính sách mang tính toàn diện, đồng bộ. Trên cơ sở nghị định, các địa phương ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với tình hình địa phương để thực hiện. Thời gian tới, ngành NNPTNT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Nghị định 98, nhất là tới các doanh nghiệp, HTX. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các chủ thể đã có, hoặc đang xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hướng dẫn hoàn thiện các nội dung theo Nghị định số 98, trình hội đồng thành phố thẩm định. Đồng thời, tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách…

Tăng kênh cung ứng và kết nối tiêu thụ

Theo ông Tạ Văn Tường, thành phố đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhằm tạo kênh cung ứng nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho nhân dân. "Nhằm kết nối giao thương, tạo niềm tin với người tiêu dùng, Sở NNPTNT Hà Nội đã phát triển thí điểm "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm TP.Hà Nội" (www.hn.check.vn; www.check.gov.vn) giai đoạn 2018-2020. Hiện, hệ thống này đã cấp 8.589 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm và tiếp nhận hơn 80.000 lượt truy cập tìm kiếm thông tin hoặc mua hàng" - ông Tường thông tin.

Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, Hà Nội đã đẩy mạnh việc kết nối, quảng bá những sản phẩm có tính cạnh tranh cao qua hàng loạt sự kiện kết nối sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội với nông sản - đặc sản của các vùng miền trên cả nước. Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền lấy ví dụ, sự kiện "Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên" do Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức từ ngày 30/10 đến 2/11 không chỉ quảng bá 1.000 sản phẩm chất lượng cao đến 30.000 người tiêu dùng Thủ đô mà còn ghi nhận 65 biên bản ghi nhớ, hợp tác mở đại lý phân phối.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp Thủ đô, Sở NNPTNT Hà Nội đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội duy trì và phát triển website https://nongsanantoanhanoi.gov.vn, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. "Hiện, có 1.000 doanh nghiệp, HTX của Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố phía Bắc cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm" - ông Nguyễn Bá Bằng - Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem