Tiêu thụ trứng tăng cao trong thời dịch, nhà càng giàu càng ăn nhiều trứng

18/07/2021 07:05 GMT+7
Nhóm người có thu nhập cao nhất tiêu thụ trứng nhiều hơn 42% so với nhóm người nghèo nhất.
Tiêu thụ trứng tăng vọt trong thời dịch, nhà càng giàu càng ăn nhiều trứng - Ảnh 1.

Sản phẩm trứng gà tươi bày bán trong siêu thị. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo kết quả sơ bộ cuộc Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện, mỗi người Việt Nam ăn trung bình 4,6 quả trứng trong một tháng, tăng 15% so với năm 2018.

Trong đó, tiêu thụ trứng ở khu vực thành thị là 4,7 quả/người/tháng, nhỉnh hơn so với trung bình cả nước.

Tổng cục Thống kê cho biết năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các đợt giãn cách xã hội nên trứng được các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay các thực phẩm tươi sống như thịt, tôm hay cá.

Phân chia theo khoảng cách giàu nghèo, một người thuộc nhóm 20% thu nhập thấp nhất (Nhóm 1) ăn 3,8 quả trứng mỗi tháng. Một người thuộc nhóm 2 ăn 4,5 quả mỗi tháng. Người thuộc nhóm 5 – tức là bộ phận có thu nhập cao nhất – tiêu thụ 5,4 quả trứng mỗi tháng.

Tiêu thụ trứng tăng vọt trong thời dịch, nhà càng giàu càng ăn nhiều trứng - Ảnh 3.

Nhóm người có thu nhập cao nhất tiêu thụ trứng nhiều hơn 42% so với nhóm người nghèo nhất.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người toàn quốc năm 2020 là 4,23 triệu đồng/tháng. 

Trong đó, nhóm 20% người nghèo nhất trong khảo sát này có thu nhập chỉ gần 1,14 triệu đồng/tháng, nhóm 20% tiếp theo có thu nhập 2,51 triệu đồng, nhóm 3 là 3,51 triệu đồng, nhóm 4 là gần 4,89 triệu đồng và nhóm 20% giàu nhất (nhóm 5) có thu nhập 9,11 triệu đồng/tháng.

Khảo sát mức sống 2020 được tiến hành trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài tăng ăn trứng, khảo sát còn cho thấy các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020. 

Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,0 so với 6,6 kg/người/tháng).

Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020.

Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).


Đức Quyền
Cùng chuyên mục