Tìm lãnh đạo giỏi từ địa phương cho quy hoạch chiến lược

Quốc Phong Thứ năm, ngày 14/04/2022 15:46 PM (GMT+7)
Chuyến công tác mới đây tại Quảng Ninh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến tôi chợt nhận ra những thành tựu tích cực của Quảng Ninh là sự tích tụ của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo chất lượng. Qua đó gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ chiến lược của Đảng.
Bình luận 0

Năm 2014, lần đầu tiên tôi có vinh hạnh được gặp và ngồi nghe ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng hiện nay) giới thiệu về địa phương ông. Lúc đó ông  là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh đã được khoảng gần 4 năm.

Ông say sưa nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh nhà, mà chỉ mới qua lần đó, tôi vỡ vạc ra rất nhiều điều về tư duy táo bạo, sắc sảo của một vị lãnh đạo Đảng bộ tỉnh vốn lại là tướng tình báo, một thứ trưởng Bộ Công an và nay thì đảm nhiệm vị trí người đứng đầu một tỉnh vừa có biên giới, vừa có hải đảo, là mảnh đất đầy tiềm năng và cũng đầy thách thức.

Vài lần sau đó nữa, tôi được gặp, được nghe Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính, rồi tiếp đó, khi ông là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng  bày tỏ những ý tưởng với những điều khá thú vị và có lẽ cũng là bất ngờ với riêng tôi. 

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh từng kể với tôi vào tháng 6/2018 rằng: Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính (nhận nhiệm vụ từ năm 2011 đến tháng 4/2015) là người rất quyết đoán và luôn nảy ra những cách làm sáng tạo với nhiều ý tưởng mới. Ông được anh em lãnh đạo chúng tôi ngày đó cảm nhận ông là con người mạnh mẽ rốt ráo từng công việc, luôn sáng tạo và rất quyết đoán. Ông đã cùng tập thể Thường vụ tỉnh uỷ đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh vùng biển theo một định hướng mới: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu (khai thác than, khoáng sản truyền thống như đã có cả trăm năm trước) sang xanh (kinh tế du lịch, cảng biển, thương mại xuất nhập khẩu...) của tỉnh Quảng Ninh. Định hướng này được xem là đã mang lại nhiều thành công trong chiến lược phát triển, góp phần giúp Quảng Ninh thay đổi diện mạo nhanh chóng như hôm nay.

Rồi với một tư duy mới, phải đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông để mang tính đột phá của ông Phạm Minh Chính cũng rất đáng suy nghĩ và hiệu quả.  

Vào ngày thông Cầu Cửa Lục1 (cầu Tình Yêu) nằm trong hệ thống các cầu được bắc qua vịnh Cửa Lục của tỉnh Quảng Ninh hồi đầu năm rồi, ông Phạm Minh Chính đã về dự với cương vị khác: Thủ tướng Chính phủ. 

Tìm lãnh đạo giỏi từ địa phương cho quy hoạch chiến lược - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin tại khu tập thể 314. Ảnh: TTXVN.

 Phát biểu tại lễ khánh thành cây cầu có nhiều ý nghĩa này, ông hồi tưởng: "Tôi nhớ một buổi chiều cách đây khoảng 10 năm, khi trao đổi với KTS Salvador Perez Arroyo (Tây Ban Nha) về quy hoạch Hạ Long, tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là Hạ Long phải lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm phát triển, Hạ Long gắn với Hoành Bồ và sẽ xây dựng các cây cầu từ Hạ Long sang Hoành Bồ, tạo không gian phát triển mới. Phải phát triển du lịch, dịch vụ để tạo ra nguồn thu bền vững, chứ không chỉ phát triển bất động sản"...

Và có lẽ, nhờ tầm nhìn chiến lược đó với những bước đi căn cơ, bài bản và tự tin của cả chục năm trước dưới thời Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính mà Quảng Ninh đã có một bước phát triển tích cực, chắc chắn như bây giờ . 

Đúng như hôm 6/4, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã báo cáo thành quả đáng tự hào với Tổng Bí thư: Quý I/2022, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh ước đạt 8,01%, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.470 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế năm 2021 của Quảng Ninh đạt 238.186 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD. Đô thị hóa đến hết năm 2021 đạt trên 67,5% (nằm trong 5 địa phương cao nhất cả nước).  

Giữa lúc dịch giã triền miên, đầy khó khăn, các chỉ số đạt được như thế là một thắng lợi to lớn và bất ngờ. Sau 6 năm liên tiếp, Quảng Ninh đều tăng trưởng GRDP  ở mức 2 con số . 

Câu chuyện Quảng Ninh phát triển tốt và thật sự khởi sắc đã cho thấy công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ chiến lược của Đảng ta là rất đúng đắn, sáng tạo. 

Nên chăng hãy quan tâm nhiều hơn đến những địa phương phát triển tốt, vượt bậc để "nhắm" nguồn nhân sự cấp cao cho Đảng. Nếu như địa phương nào không có nhiều thuận lợi mà vẫn thành công hoặc mặt này hoặc mặt khác thì càng nên "chấm" họ để chuẩn bị nguồn kế cận cho khoá sau. Các chỉ số tăng trưởng của mỗi địa phương nên xem  như là thước đo quan trọng cho địa phương khi so sách với nơi khác.

Để có được một phong cách chỉ đạo quyết liệt và duy trì lề lối làm việc như vậy đòi hỏi bộ máy lãnh đạo tỉnh cần có cả một quá trình phấn đấu bền bỉ và tiếp đó là quyết tâm duy trì để giữ vững. 

Hiện tại, Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu cả nước ở 4 chỉ số quan trọngf: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); giữ vững vị trí thứ 3 Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) 2 năm liên tiếp. 

Có được điều này là nhờ địa phương luôn đặt mục tiêu đổi mới, liên tục cải cách, lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm phương châm điều hành, chỉ đạo...

Có thể nói, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất... 

Tuy nhiên, sẽ là thiệt thòi cho những tỉnh nào điều kiện phấn đấu thiếu thốn. Vì thế, chúng ta lại phải nghĩ cách khác để chọn nguồn kế cận theo chuyên môn, kinh nghiệm của mỗi người. Ví dụ, một địa phương dù khó khăn trong phát triển nhưng ở góc độ nội chính, họ phát hiện và đấu tranh, đưa ra ánh sáng nhiều vụ bê bối thì nên chọn các vị làm công tác thanh tra (chính quyền), kiểm tra (Đảng) và các cơ quan tố tụng xuất sắc bổ sung nguồn kế cận cho trên cũng vẫn rất nên. 

Tỉnh nào nghèo, khó khăn nhưng nếu họ tìm ra cách tháo gỡ để dân sớm thoát nghèo thì cũng không nên bỏ sót nguồn nhân sự tốt. Trái lại, không nên đưa những người đã bộc lộ  hạn chế trong công tác lên cấp cao hơn.  Điều đó chỉ bất lợi cho đất nước trên con đường phát triển... 

Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ để thử thách người lãnh đạo tài giỏi nằm trong diện quy hoạch chiến lược giống như việc của người chuyên đãi cát tìm vàng. "Bó đũa chọn cột cờ" là đây ! Hệ thống chính trị của chúng ta nếu càng làm thận trọng và chặt chẽ, đồng thời biết lắng nghe ý kiến, nhận xét của cử tri nói chung, của đảng viên nói riêng để tìm cho được những con người tài giỏi, có phẩm chất toàn diện thật không quá khó dù biết rằng cũng không hề dễ.

Nhất là người đó phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với chế độ;  phải là người luôn có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có được như vậy thì sẽ rất tốt cho sự phát triển của một đất nước.

Trong công tác bố trí cán bộ, không ít lần đã xảy ra chuyện điều động bất đắc dĩ. Đó là những lãnh đạo vi phạm khuyết điểm phải nhận kỷ luật mà chưa đến mức bị cách chức; rồi  cũng có trường hợp do bộc lộ năng lực yếu kém nên tổ chức điều động về một số ban, ngành theo lối gần như tương đương chức cũ...

Theo tôi cách bố trí này là không nên vì vô tình sẽ hạ thấp vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cơ quan nơi họ bị đưa về, lại khiến những cán bộ nơi đó cũng có tâm tư không hài lòng vì cảm thấy bị xem thường đội ngũ cán bộ của cơ quan đó.

Nước nhà thịnh hay suy, tiến nhanh hay chậm thì người đứng đầu lại càng hệ trọng. Tôi luôn nghĩ theo hướng tích cực nếu nhìn vào cả chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam và tin rằng chúng ta sẽ tìm được những người tài ra gánh vác cơ đồ, sự nghiệp của nước nhà.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem