Tín chỉ các bon là gì mà Việt Nam có thể bán, thu về hàng trăm triệu USD?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 26/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Phát triển thị trường tín chỉ các bon, biến CO2 thành hàng hóa là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Bình luận 0

Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá các bon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.

Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các bon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới. 

Được biết, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các - bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021-2025).

Theo đó, khi thực hiện đề án, chủ rừng (gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng…) sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường các - bon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2.

Tín chỉ các-bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ các-bon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này.

Theo tính toán, với 680.000ha rừng, độ che phủ đạt 58,6%, trong đó có 466.113ha rừng tự nhiên, với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí các - bon trong giai đoạn từ 2018-2030, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các - bon rừng. 

Trước đó, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Thế giới (WB). Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB với tổng số tiền 51,5 triệu USD.

Khi CO2 trở thành hàng hóa - Ảnh 3.

Cán bộ kiểm lâm Quảng Nam làm việc về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: T.H

Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước. Bởi, tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít các bon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường các bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Theo đại diện Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xác định thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon hữu hiệu trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia (NDC).  Hiện nay, đang tham gia Chương trình Sẵn sàng thực hiện thị trường các-bon (PMI) cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, triển khai thí điểm một số lĩnh vực để sau năm 2027 sẽ vận hành được thị trường các-bon trong nước.

Như vậy từ năm 2028, các doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, và chi phí chắc chắn không hề nhỏ. Nếu các nhà máy, doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp các - bon, họ sẽ phải mua tín chỉ các bon để bù đắp lượng phát thải của mình.  

Khi thị trường tín chỉ các bon được vận hành, một điều chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều không thể không xây dựng các phương án để cắt giảm phát thải. 

Mặt khác hệ thống này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít các bon và hiệu quả hơn, vì giờ đây việc gây ô nhiễm sẽ trở nên tốn kém.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem