Tín dụng chính sách của Chính phủ đưa huyện Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu của Nghệ An

Việt Hải Thứ ba, ngày 06/06/2023 20:07 PM (GMT+7)
Với sự hỗ trợ cho vay vốn của các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Huyện Nam Đàn đang từng bước hướng mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Bình luận 0

Giúp hội viên thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng CSXH

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn, tính đến hết tháng 3/2023, huyện Nam Đàn đã cân đối ngân sách chuyển hơn 2 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH huyện, đưa tổng nguồn vốn đến hết 31/3 đạt 515 tỷ đồng.

Đơn cử như chị Tôn Thị Vinh (ở xóm 5, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn), trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2015 chị vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò, đến năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo và trả hết nợ.

Để thoát nghèo bền vững, chị mạnh dạn vay tiếp chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng tiếp tục đầu tư mua cặp bò. Đến năm 2021 gia đình chị đã thoát nghèo và tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mua thêm bò về chăn nuôi. Hiện gia đình chị Vinh còn 4 con bò, tổng trị giá gần 130 triệu đồng.

Điểm tựa tín dụng đưa Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 1.

Nông dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư làm trang trại. Ảnh: Quang An

Điểm tựa tín dụng đưa Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 2.

Hay như gia đình anh Nguyễn Tất Anh và chị Nguyễn Thị Lý (ở xóm Xuân Thành, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn) đều là hội viên nông dân. Gắn bó với nghề làm bột sắn dây và bánh nhãn, nhưng do thiếu vốn sản xuất nên anh chị gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn của Hội ND xã Nam Xuân, anh chị được vay vốn chính sách giải quyết việc làm tại Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn. Với 50 triệu đồng vay, cùng tích lũy của gia đình, anh chị đã đầu tư máy móc phục vụ cho việc sản xuất bánh nhãn và tinh bột sắn. Nhờ được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm bánh nhãn, bột sắn dây của gia đình anh chị được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn - Nguyễn Sĩ Hải cho biết: Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, huyện đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay được 60.906 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.515 tỷ đồng.

Điểm tựa đột phá kinh tế

Khẳng định hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ trên địa bàn huyện Nam Đàn, ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết. "Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện".

Nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH đã góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Hiện nay, huyện Nam Đàn đang có 74 sản phẩm OCOP". 

Ông Thái cho hay, nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người năm 2002 lên 57 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 5 lần so với năm 2002).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem