Tin giả liên quan dịch Covid-19 lại tràn lan: Xử lý thế nào?

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 04/02/2021 07:23 AM (GMT+7)
Người đưa tin và chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trên các trang mạng xã hội có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Bình luận 0

Tràn lan tin "vịt" liên quan đến dịch Covid-19

Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với các ca nhiễm mới tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội... Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế cùng toàn xã hội "căng mình" thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, phong tỏa để dập dịch, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trước những nỗ lực đó, nhiều cá nhân lại bịa đặt, đưa những thông tin sai lệch, không chính xác về công tác phòng, chống dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh.

Gần đây nhất, ngày 30/1, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) rà quét và phát hiện một số tài khoản Facebook đã đăng tải, chia sẻ thông tin được cho là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua kiểm tra, VAFC xác nhận nội dung thông tin trên là giả mạo, không đúng với thực tiễn và đã tiến hành điều tra, xác minh gỡ bài đăng và xử lý. Ngay sau khi đăng tải, đã có trên gần 2000 lượt xem và 11 lượt chia sẻ.

Đăng tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 3/2. Ảnh VGP

Trước đó, ngày 28/1, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một văn bản kê khai lịch trình di chuyển, sinh hoạt của bệnh nhân có tên Phạm Anh Tuấn, được cho là bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý có nội dung bệnh nhân khai đi hát Karaoke "tay vịn". Qua điều tra, xác minh, truy vết nguồn gốc tờ kê khai này, đối chiếu với danh sách bệnh nhân và những người có liên quan đến các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cơ quan chức năng xác định không có bệnh nhân Covid-19 nào tên Phạm Anh Tuấn. Chỉ có 1 trường hợp là Phạm Anh Tuấn, địa chỉ Cẩm Phả thuộc diện F1 hiện đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh. Anh Tuấn đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1.

Đăng tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Văn bản có nội dung sai sự thật do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận. Ảnh: Bộ Y tế

Nội dung tờ khai trên không phải do anh Tuấn hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà là do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng, chống dịch. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, chủ tài khoản Facebook tung tin thất thiệt nói trên đã bị xử lý theo quy định.

Liên quan đến việc phát hiện, xử lý thông tin sai sự thật, chỉ trong khoảng 2 tuần qua cơ quan chức năng các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Hà Giang... đã phát hiện và tiến hành phối hợp xử lý đối với nhiều trường hợp đưa thông tin sai lệch, không đúng sự thật về dịch bệnh Covid-19.

Xử phạt nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật

Có thể thấy, những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội. Hệ lụy đầu tiên những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. 

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền, cần phải chấn chỉnh ngay những việc tung tin không nên có như vậy. Bởi lẽ, những tin đồn sai lệch, thiếu kiểm duyệt, xác minh gây khó khăn trong công tác tuyên tuyền, giám sát y tế tại cộng đồng, cần ngăn chặn để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc thông tin sai sự thật trên không gian mạng sẽ có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật. 

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, theo điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân".

Với quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì người "đưa tin" và người "chia sẻ" thông tin đều bị xử lý hình phạt hành chính với mức độ trong một khung như nhau. Tuy nhiên, với hành vi làm ra tin giả, đưa tin giả thì mức độ nghiêm trọng hơn nên mức phạt trong khung sẽ lớn hơn có thể là mức cao nhất 10.000.000 đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức có thể tới 20.000.000 đồng. Đối với những người đã biết đó là tin giả mà vẫn chia sẻ, lan truyền trên không gian mạng thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính trong khung này.

Video: Luật sư Đặng Văn Cường nói về việc xử lý các vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19.

Luật sư Cường cũng dẫn Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. 

"Việc những cá nhân đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội mà còn vi phạm quy định của pháp luật. Do đó cần xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân này", Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 3/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: "Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn".

Nhằm chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thiết nghĩ bản thân mỗi người dân cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem