TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Bắt 3 bác sĩ; bắt thêm một Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 16/03/2023 19:20 PM (GMT+7)
Bắt 3 bác sĩ và 1 bảo vệ tại một Trung tâm Y tế ở Kiên Giang; bắt thêm một Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; xét xử vụ Ngân hàng Đông Á... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Bắt 3 bác sĩ và 1 bảo vệ tại Trung tâm Y tế ở Kiên Giang

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 16/3, thông tin từ Huyện ủy Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 bác sĩ và 1 bảo vệ tại Trung tâm Y tế huyện Gò Quao.

Kiên Giang: Bắt 3 bác sĩ và 1 bảo vệ tại Trung tâm Y tế huyện Gò Quao - Ảnh 1.

Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: CTV

Theo đó, chiều 16/3, ông Trần Thanh Việt - Bí thư Huyện ủy huyện Gò Quao xác nhận với cơ quan báo chí, các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 9/3 vừa qua gồm: Bác sĩ Danh Chánh Tuy (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm); bác sĩ Huỳnh Long (Trưởng khoa Ngoại tổng hợp); bác sĩ Lâm Thị Minh Phụng (bác sĩ điều trị Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản) và Trần Thanh Phong (nhân viên bảo vệ trung tâm). Thời gian thực hiện tạm giam là 4 tháng, kể từ ngày bị bắt.

Sau khi các bị can bị bắt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã tiến hành khám xét nơi làm việc của các bị can.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Gò Quao đã ban hành quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với 3 đảng viên là Danh Chánh Tuy, Huỳnh Long, Lâm Thị Minh Phụng.

Trung tâm Y tế huyện Gò Quao thông báo tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác đối với 3 bác sĩ và người lao động bị bắt nói trên.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, các bị can trên bị khởi tố do có liên quan đến một vụ án giả mạo trong công tác; trong đó có việc quản lý và sử dụng con dấu tại Trung tâm Y tế huyện Gò Quao.

Bắt thêm một Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Chiều 16/3, nguồn tin Dân Việt cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Tự Trị (SN 1972, trú khu phố 5, phường Phú Lâm, TP.Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 85-02D (ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) về hành vi nhận hối lộ. 

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 85-02D ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Ông Lê Tự Trị (áo trắng) bị bắt. (Ảnh: Công an Ninh Thuận)

Cùng ngày, cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Tuấn Dân (SN 1972, trú thôn Đông Phước, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, Phú Yên) và Dương Văn Minh (SN 1976, trú khu phố Bàn Nham Nam, phường Hoà Xuân Tây, thị xã Đông Hoà, Phú Yên) về hành vi đưa hối lộ.

Quá trình điều tra xác định: Lê Tự Trị là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 85-02D từ tháng 12/2021. Trong quá trình công tác từ tháng 1 đến tháng 7/2022, Trị đã có hành vi cấu kết, móc nối, thoả thuận nhận tiền của Nguyễn Văn Tuấn Dân và Dương Văn Minh để can thiệp chỉnh sửa thông số kỹ thuật nâng chiều cao, tải trọng đối với các xe ô tô trên chương trình theo dõi từ xa của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm giúp cho các chủ xe có thể đăng kiểm sai quy trình.

Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.

Xét xử vụ Ngân hàng Đông Á: Bị cáo Trần Phương Bình xin giảm tội cho nhân viên

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 15/3, TAND TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) và đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Xét xử vụ ngân hàng Đông Á: Bị cáo Trần Phương Bình xin giảm tội cho nhân viên - Ảnh 1.

Trước đó, nêu quan điểm luận tội VKSND TP.HCM đề nghị phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù. Ảnh: Chinh Hoàng

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Trần Phương Bình xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các cấp dưới.

"Mọi việc diễn ra đều do tôi, mong HĐXX giảm nhẹ án cho các nhân viên để họ sớm trở về với gia đình", bị cáo Bình nói tại toà.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phùng Ngọc Khánh cũng xin HĐXX giảm nhẹ tội cho các nhân viên của mình. Bị cáo Khánh cho rằng sai phạm của một số bị cáo dưới quyền điều hành của mình là do họ phải làm vì phận sự, nhiệm vụ.

Ngoài ra, các bị cáo khác cũng mong HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Xét xử vụ ngân hàng Đông Á: Bị cáo Trần Phương Bình xin giảm tội cho nhân viên - Ảnh 2.

Bị cáo Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh đều xin giảm nhẹ tội cho nhân viên của mình khi nói lời sau cùng tại tòa. Ảnh: Chinh Hoàng

Nêu quan điểm luận tội, đại diện VKSND TP.HCM đánh giá trong vụ án này, bị cáo Trần Phương Bình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, cáo trạng truy tố bị cáo Bình và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Theo kiểm sát viên, bị cáo Trần Phương Bình biết rõ hồ sơ vay vốn được lập khống, nhưng vẫn chỉ đạo các thuộc cấp tại DAB Sở giao dịch tiếp nhận hồ sơ của 5 công ty trong nhóm M&C vay và nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 62.000 m2 trên để đảm bảo chung cho 5 khoản vay, mà không cần thẩm định giá tài sản và phương án kinh doanh, lập tờ trình đưa lên để bị cáo Bình ký duyệt cho vay.

Ngoài ra, bị cáo Bình bị xác định đã bảo lãnh thanh toán lô trái phiếu cho M&C trái quy định, gây thiệt hại hơn 460 tỷ đồng (trong đó 146 tỷ đồng tiền gốc, còn lại là lãi). Theo VKS, bị cáo Trần Phương Bình biết sai, nhưng vẫn đồng ý cấp tín dụng cho nhóm 5 công ty của bị cáo Khánh.

Đối với bị cáo Phùng Ngọc Khánh, VKS nhận định bị cáo đã lập nhiều hồ sơ không đủ điều kiện vay vốn, lập ra nhiều pháp nhân nhằm mục đích vay vốn gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) mức án 20 năm tù, Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) mức án 18-19 năm tù, các bị cáo khác bị đề nghị mức án 2-12 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Tổng hợp với 3 án tù chung thân trong các vụ án trước (đều về sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á), mức án tổng hợp được đề nghị cho bị cáo Bình là chung thân, bị cáo Phùng Ngọc Khánh là 30 năm tù.

Yêu cầu "siêu lừa" Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 16/3, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nêu quan điểm xử lý 26 bị cáo liên quan việc "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng của 3 ngân hàng và một số cá nhân.

Kiểm sát viên cho rằng, Hà Thành cùng các bị cáo khác cơ bản khai nhận hành vi, thừa nhận cáo buộc và một số nội dung trong cáo trạng. Hành vi của Hà Thành và 17 cựu cán bộ ngân hàng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng; số tiền bị chiếm đoạt và gây thất thoát biệt lớn.

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 1.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng siêu lừa Hà Thành phải trả tiền cho các ngân hàng.

Các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền. "Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng", người giữ quyền công tố nêu quan điểm.

Do vậy, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành mức án tù chung thân; Nguyễn Thị Thu Hương, cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô và Đặng Thị Quỳnh Hương, cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của Ngân hàng Việt Á (VAB), cùng mức án từ 16-18 năm tù.

Bị cáo Quản Trọng Đức, cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội VAB, bị đề nghị 15-17 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam, từ 15-16 năm tù.

Phía công tố cũng đề nghị phạt các bị cáo còn lại mức án từ 30 tháng tù treo đến 10 năm tù giam về các hành vi lừa đảo, vi phạm quy định về cho vay và cho vay nặng lãi.

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa.

Về dân sự, kiểm sát viên cho rằng tại ngân hàng VAB, Hà Thành phải bồi thường cho nhà băng này 249 tỷ đồng và 2 bị hại là các khách VIP tại đây 14,5 tỷ đồng. VAB có trách nhiệm trả lại cho các đại gia đồng sở hữu sổ tiết kiệm, tổng 109 tỷ đồng, kèm lãi suất.

Với số tiền Hà Thành chiếm đoạt của một nữ đại gia thường trú Lạng Sơn, do nữ đại gia này đang bị cơ quan công an tách vụ án, điều tra trong vụ án cho vay lãi nặng giao dịch dân sự nên Viện kiểm sát không xem xét.

Với hai ngân hàng còn lại, Viện kiểm sát cho rằng, Hà Thành có nghĩa vụ bồi thường 47,5 tỷ đồng cho Ngân hàng Quốc dân (NCB) và 49,4 tỷ đồng cho PVcombank.

Trong vụ án, ông Đặng Nghĩa Toàn được xác định gửi tổng cộng 122 tỷ đồng tại NCB, VAB, PVcombank. Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên các ngân hàng giữ lại số này để giải quyết dân sự vay mượn của các bên. Với gần 70 tỷ đồng Hà Thành góp đồng sở hữu trong các hợp đồng tiền gửi tại VAB, phía kiểm sát đề nghị tịch thu để đảm bảo thi hành án.

Được trình bày quan điểm của mình, bị cáo Hà Thành cho hay, đồng ý về tội danh nhưng xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Bịc áo Thành nói: "Trong thời gian tạm giam 5 năm, bị cáo đã nhận thức sai lầm của mình. Khi phạm tội, bị cáo có một bé gái bị bệnh nên mong được sớm trở về chăm sóc cháu".

Nhiều bị cáo khác cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho mình. Riêng Nguyễn Thị Quỳnh Hương đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra bổ sung tội danh của mình vì: "Lừa đảo thì phải bàn bạc nhưng bị cáo không".

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 3.

Bị cáo Hà Thành tại tòa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng cùng làm ăn nên quen biết nhau. Năm 2017, doanh nghiệp này dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các nhà băng.

Ngoài ra, Hà Thành muốn có vốn đầu tư kinh doanh nên vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị đối phương gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào các ngân hàng. Sau đó, bị cáo đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý.

Tại VAB, Hà Thành trực tiếp bàn với Nguyễn Thị Thu Hương, được sự giúp sức của Quản Trọng Đức và một số cựu cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của các cá nhân.

Tại NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn bằng cách yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị can giữ. Sau đó, Thành thông qua Thu Hương, làm việc với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên PVcomBank) để làm thủ tục vay tiền. Cô ta giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm, vay 47,5 tỷ đồng của NCB.

Ở PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và đồng phạm Nguyễn Thanh Tùng giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi, chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng.

Vụ đánh bạc gần 1.000 tỷ đồng do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án: 62 bị cáo hầu tòa

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 16/3, TAND tỉnh An Giang tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội "đánh bạc", "tổ chức đánh bạc" và "rửa tiền" đối với 62 bị cáo. Đây là vụ án đánh bạc có quy mô gần 1.000 tỷ đồng, do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án khi còn làm Giám đốc Công an An Giang.

Clip: Xét xử vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi khi còn là Giám đốc Công an tỉnh An Giang trực tiếp chỉ đạo phá án. Clip: Hồng Cẩm

Theo cáo trạng, tháng 5/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của các đối tượng Nguyễn Thị Thủy Liên (SN 1966), Dương Văn Hoàng (SN 1959), Huỳnh Sĩ Nguyên (Phúc, SN 1979), La Thị Hồng Yến (Thủy Tiên, SN 1973, thực hiện trên địa bàn tỉnh An Giang.

Sáng 5/6/2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại tá Đinh Văn Nơi ( nay là Thiếu tướng Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - PV), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Công an tỉnh An Giang đồng loạt ra quân, tiến hành khám xét nơi ở của 11 đối tượng, trên địa bàn TP.Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Chợ Mới và Thoại Sơn.

Qua khám xét, lực lượng cảnh sát đã thu giữ 108 điện thoại di động các loại; 8 máy in; 3 máy fax; 2 bộ máy đếm tiền; 3 camera ghi hình; 27 máy tính; 8 iPad; 1 máy photo, 12 xe mô tô; 5 xe ô tô; nhiều phơi ghi lô đề, số đề... và trên 7,1 tỉ đồng, cùng nhiều tài sản có giá trị khác. 

An Giang: Xét xử vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng nay (16/3), trong vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh An Giang, do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi chỉ đạo phá án khi còn làm Giám đốc Công an An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Sau khi vụ án bị lực lượng công an phát hiện, nhiều người tham gia đánh bạc nhận thấy hành vi đánh bạc bằng hình thức mua lô đề, số đề được thua bằng tiền là vi phạm pháp luật nên lần lượt ra đầu thú.


Quá trình điều tra xác định, từ tháng 1/2018 đến ngày 4/6/2021, bị cáo Nguyễn Thị Thủy Liên đã sử dụng số điện thoại đăng ký 4 tài khoản Zalo tên "Sang Nguyễn", "Trần Nguyễn", "Hiền Nguyễn", "Liên" cùng Nguyễn Thị Hồng Sơn (giúp sức cho Liên) để thực hiện việc đánh bạc dưới hình thức mua lô đề, số đề hoặc nhận, giao phơi số đề được thua bằng tiền từ kết quả xổ số kiến thiết của các tỉnh miền Nam. 

An Giang: Xét xử vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Thị Thủy Liên được cho là cầm đầu vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ đồng lúc bị bắt và tại tòa. Ảnh: Hồng Cẩm

Trong đó, Liên nhận phơi số đề của Lương Kim Khá và nhiều người khác để trực tiếp thắng thua, hoặc giao lại một số phơi đề cho Dương Văn Hoàng, Huỳnh Sĩ Nguyên và một số người khác chưa rõ họ tên, địa chỉ để hưởng tiền huê hồng…

Kết quả điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ xác định tổng số tiền các bị can xác nhận đánh bạc với nhau trên 966 tỉ đồng thông qua giao dịch ngân hàng, trong đó xác định phơi số lô đề trên 407 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thủy Liên được xác định cầm đầu vụ án đánh bạc.

An Giang: Xét xử vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng khám xét nhà đối tượng Dương Văn Hoàng. Ảnh: Công an An Giang cung cấp

Được biết, đây là đường dây lô đề lớn, hình thành và hoạt động nhiều năm nên thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi.

Để qua mắt cơ quan chức năng, các đối tượng này đã thành lập các doanh nghiệp, trưng bày một số sản phẩm mẫu nhưng không hoạt động mua bán mà nhằm "núp bóng" để hoạt động lô đề.

Đặc biệt, các đối tượng này có nhiều mối quan hệ trong xã hội nên việc đấu tranh phát hiện các đối tượng rất khó khăn.

An Giang: Xét xử vụ án đánh bạc gần 1.000 tỷ do Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo phá án - Ảnh 5.

Bước đầu thu giữ tại nơi ở của các đối tượng số lượng tiền mặt trên 5 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Ảnh: CACC

Không những vậy, các đối tượng này hoạt động qua nhiều tầng nấc trung gian, từ người dân bán số đề ở mỗi huyện, sau đó các đầu mối ở huyện giao về đối tượng đầu nậu là đối tượng Nguyễn Thị Thuỷ Liên.

Do tính phức tạp đó mà chuyên án do chính Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban chuyên án, trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo phá án".

Phiên tòa dự kiến sẽ xét xử từ ngày 16/3 đến 29/3.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem