TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19

A.Đ (t/h) Thứ sáu, ngày 05/11/2021 19:30 PM (GMT+7)
Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh thừa nhận nhận 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ; nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nói gì về vụ VN Pharma; 18 trẻ 2 - 6 tháng tuổi bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 ở Hà Nội... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 5/11, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục phiên làm việc vụ xét xử Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, cựu nhân viên tình báo) đưa hối lộ.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh thừa nhận đã nhận 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: PH

Người bị xét xử tội danh "Nhận hối lộ" là ông Nguyễn Duy Linh. Trong phần xét hỏi chiều cùng ngày, ông Linh đã thừa nhận đã nhận số tiền 5 tỷ đồng của Phan Văn Anh Vũ.

Theo bị cáo này, ông đã 5 lần nhận quà từ Vũ và trong đó có 1 lần có số tiền 5 tỷ đồng. HĐXX đã hỏi thêm về vấn đề này và ông Nguyễn Duy Linh một lần nữa xác nhận có nhận tiền.

Ông Linh gửi lời xin lỗi tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, xin lỗi các đồng chí trong ngành vì đã làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành.

Vị cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo trình bày, hôm nay phải ngồi trước bục bị cáo là một sự trừng phạt lớn về danh dự đối với cá nhân ông này.

Khi được hỏi về việc có tác động gia đình để khắc phục số tiền 5 tỷ đồng, ông Nguyễn Duy Linh nói có, sẽ nhanh nhất có thể. "Có thể trong chiều nay hoặc ngày mai, đó là việc đáng và cần phải làm" - cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo nói.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nói gì về vụ VN Pharma?

Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan đến vụ VN Pharma, diễn biến mới nhất là việc Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc này cũng nằm trong những nội dung vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và một số cán bộ của ngành Y tế, trong đó đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị đề nghị thi hành kỷ luật. Ảnh: V.H

Cách đây hơn 2 năm, vào tháng 9/2019, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận kết luận này sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời gửi tới Cơ quan điều tra Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra.

Đáng chú ý, trong kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm đã nêu tại kết luận thanh tra. Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước thời điểm đó khoảng 2 năm (năm 2017), sau khi xảy ra nhiều thông tin liên quan đến VN Pharma, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đó đã có Văn bản số 949 ngày 29/8/2017 báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Trong báo cáo này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường và quyết liệt, nhanh chóng chuyển toàn bộ hồ sơ, thông tin cho cơ quan chức năng điều tra.

Cũng vào tháng 9/2019, tại một cuộc hội thảo của ngành Y tế, khi báo chí hỏi về vụ VN Pharma, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng cơ quan điều tra để làm rõ những sai phạm của cá nhân có liên quan, đảm bảo việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ sót, không oan sai.

Đáng chú ý vào năm 2017, trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TP.HCM, khi đề cập vụ VN Pharma, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong gia đình không có ai tham gia công ty VN Pharma. Bà cũng không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như trên mạng thêu dệt. Theo bà, tất cả những thông tin xấu đều xuất phát từ nước ngoài, họ muốn xuyên tạc, làm xấu hình ảnh và tình hình trong nước nói chung và Bộ Y tế nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, rất phẫn nộ và ray rứt trong vụ việc VN Pharma. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, bà cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý thuốc, đấu thầu thuốc và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm… để đảm bảo ngành y tế đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt nhất cho sức khỏe mọi người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường sẽ đối diện hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng

Liên quan đến trường hợp của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, vào sáng 4/11, Bộ Công an đã có thông báo về việc khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều cùng ngày, trong thông báo kết luận kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trương Quốc Cường - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế - bị đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã bị khởi tố vì sai phạm liên quan đến vụ VN Pharma. Ảnh: VGP

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trường hợp cán bộ, đảng viên bị khởi tố, rồi bị đề nghị thi hành kỷ luật hoặc bị kỷ luật Đảng là 2 việc khác nhau. Quy định số 22–QĐ/TW năm 2021 về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng có nêu rõ nguyên tắc: Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ.

Theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, đối với cán bộ, đảng viên giữ chức Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, là diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý. Trường hợp họ mắc vi phạm, khuyết điểm bị thi hành kỷ luật Đảng ở mức Khiển trách, Cảnh cáo thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ quyết định; trường hợp vi phạm cần phải xử lý kỷ luật ở mức cách chức, khai trừ thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị lên Ban Bí thư xem xét, quyết định (kỷ luật Đảng có 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ).

Về trường hợp của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, khi đã bị đề nghị lên Ban Bí thư thì ông sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật ở mức cao. Trước đó đã có trường hợp đảng viên khi bị Cơ quan điều tra khởi tố, tổ chức Đảng đã xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Mới nhất là trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; bà Vũ Liên Oanh - cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Ngô Văn Sửu, trong Quy định số 22-QĐ/TW, về thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm pháp luật có điểm mới hơn so với quy định cũ. Đó là trường hợp đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

18 trẻ 2 - 6 tháng tuổi bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 ở Hà Nội

Như Dân Việt đã thông tin: Đêm 4/11, Sở Y tế TP.Hà Nội thông tin về sự cố y khoa trong tiêm chủng cho đối tượng là trẻ nhỏ tại Trạm y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự việc hi hữu khi tiêm nhầm vaccine Comirnaty ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 - Ảnh 4.

Nhân viên y tế để người dân kiểm tra loại vaccine trước khi tiêm phòng Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, ngày 3/11, tại Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội có tổ chức tiêm chủng cho các cháu có độ tuổi từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi. Ngay sau khi nhận được thông tin, Thành phố đã chỉ đạo khẩn trương chuyển toàn bộ các cháu bị tiêm nhầm vaccine đến bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất.

Sau sự việc, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, các chuyên gia y tế của tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF. Các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp thăm khám cho các cháu.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các cháu đều ổn định, một số trẻ có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp nào sốc phản vệ.

Huyện Quốc Oai đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm và rà soát lại các quy trình tiêm chủng vaccine cho trẻ em.

Vụ "Tịnh thất Bồng Lai" xôn xao dư luận: Bộ Nội vụ nói gì?

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 5/11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ. Chủ trì là thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Tại buổi họp báo, thông tin về sự việc "Tịnh thất Bồng Lai", còn có tên khác là "Thiền am bên bờ vũ trụ" ở ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà - một địa điểm tâm linh tự xưng gây xôm xao dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: "Tịnh thất Bồng Lai" có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Theo đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo thừa nhận nhận hối lộ; 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện trong tư thất Bồng Lai có gần 30 người đăng ký thường trú, tạm trú. Chủ hộ là bà Cao Thị Cúc (60 tuổi, quê An Giang). Chủ trì tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" này là ông Lê Tùng Vân, người tự xưng là Hòa Thượng, nhưng theo các cơ quan chức năng tỉnh Long An, đây chỉ là hình thức giả sư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem