TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Kiến nghị hủy án vụ ly hôn "cà phê Trung Nguyên"; lao vào dòng xe sau khi tòa tuyên án

A.Đ (t/h) Thứ năm, ngày 13/01/2022 19:00 PM (GMT+7)
Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị hủy án vụ ly hôn vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên; một bị cáo lao vào dòng xe đang chạy sau khi tòa tuyên án; cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Vụ ly hôn vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên: Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị hủy án

Ngày 13/1, thông tin của Dân Việt cho biết, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có kiến nghị về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ lý hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng kiến nghị đề nghị hủy các bản án, quyết định vụ "Tranh chấp hôn nhân gia đình" giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.

Theo kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Viện trưởng cho rằng các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Cho rằng có sai sót, VKS đề nghị hủy án vụ ly hôn giữa vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị hủy án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên. Ảnh: DV

Kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm bỏ qua việc này.

Cùng với đó, kiến nghị thể hiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền, để ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo.

Không có tài liệu chứng minh nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân.

VKS cho rằng nhận định này của Hội đồng thẩm phán là không có cơ sở.

Mặt khác, việc buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường còn không phù hợp quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm 2 người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỷ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà.

Kiến nghị còn nêu, bà Thảo ngoài nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên.

Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong "thực hiện nghĩa vụ của người chồng" theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.

Vì vậy, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm cùng 2 bản án sơ, phúc thẩm trong vụ về phần chia tài sản chung, giao Tòa án nhân dân TP.HCM xử lại.

Một bị cáo lao vào dòng xe đang chạy sau khi tòa tuyên án

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 13/1, sau hơn 1 ngày xét xử phúc thẩm vụ án "chém người trong đêm", TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên y án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của cả 4 bị cáo.

Cụ thể, 4 bị cáo cùng bị tuyên phạm tội Cố ý gây thương tích. Tòa tuyên bị cáo Đặng Hữu Thời (7 năm 6 tháng tù giam); Nguyễn Hoài Nam (6 năm 6 tháng tù); Lê Phước Trung (5 năm 6 tháng tù) và Lâm Hải Long (4 năm tù).

Ngay sau khi tuyên án, các bị cáo đều cho rằng mình bị oan.

Khi ra khỏi cổng tòa án, bị cáo Lâm Hải Long đã lao vào dòng xe đang chạy trên đường Phan Ngọc Hiển (phường 5, TP.Cà Mau). Long đã ngã xuống đường, ngất xỉu và sau đó được người nhà đưa đi cấp cứu. 

Theo hồ sơ vụ án, vào đêm ngày 14 rạng sáng 15/3/2015, ở hai bên đầu cầu Lương Thế Trân (Cà Mau) xảy ra 2 vụ chém người đi bộ. 

Cụ thể, Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng và Trần Quốc Đẳng bị chém phía đầu cầu Lương Thế Trân thuộc địa phận huyện Cái Nước khi đang đi bộ. Sau đó vài chục phút, 3 người đi bộ khác là Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen và Hồ Minh Tiến bị chém phía đầu cầu bên kia, thuộc địa phận TP.Cà Mau. 

Cả hai nhóm người bị chém đều khai đang đi bộ thì có một nhóm 7 - 8 người đi trên nhiều xe máy chạy đến chặn đầu rồi chém. 

Hai bên cùng tố giác nhưng nhóm của Toàn, Khen, Tiến được Công an TP.Cà Mau thụ lý và khởi tố vụ án.

Trong khi đó, nhóm của Thời, Tổng, Đẳng đã tố giác gần 7 năm qua nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Riêng Đặng Hữu Thời bị thương nhiều nhất đã đề nghị giám định nhưng chưa được cơ quan chức năng chấp nhận.

Một bị cáo ở Cà Mau đã lao vào dòng xe đang chạy sau khi tòa tuyên án - Ảnh 1.

Các các bị cáo trước tòa phúc thẩm. Ảnh: CTV

Trong vụ án do Công an TP.Cà Mau khởi tố, Thời được xác định là bị can đầu vụ. Các cơ quan tố tụng Cà Mau kết luận, sau khi bị nhóm người chém nhầm, Thời đã gọi đồng bọn đi trả thù. Khi thấy Toàn, Khen, Tiến đang đi bộ thì Thời bảo đồng bọn tấn công bằng mã tấu và 2 cây tràm khô.

Ban đầu, công an tạm giữ 7 người, nhưng sau đó khởi tố 5 người là Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Lê Phước Trung, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Duy Anh.

TAND TP.Cà Mau đã hai lần xét xử sơ thẩm, do có một lần bị hủy án. Trong đó, từng tuyên Nguyễn Duy Anh phạm tội. Tuy nhiên, sau đó, Nguyễn Duy Anh đã được đình chỉ điều tra.

Với 3 lần kháng cáo, các bị cáo đều kêu oan, cho rằng mình cũng là nạn nhân chứ không phải hung thủ.

Nói trước tòa ngày 12/1/2022, bị cáo Thời cho rằng: "Trước đó nhóm chém bị cáo đi trên nhiều xe máy, có đến 7 - 8 người. Không có lý nào bị cáo lại trả thù 3 người đi bộ, không có đặc điểm gì giống nhóm người đã chém nhầm bị cáo".

Luật sư Trịnh Thanh Liệt đặt ra bối cảnh có sự trùng hợp. Có trường hợp khi hai bên đầu cầu xảy ra 2 vụ chém nhầm vào người đi bộ, thời gian cách nhau ngắn.

Theo luật sư Liệt, lẽ ra cơ quan chức năng phải gộp 2 vụ chém người này vào một vụ án để việc điều tra toàn diện hơn. Vì rất có khả năng, trong đêm đó có một nhóm đi truy sát kẻ thù và đã gây ra hai vụ chém nhầm ở 2 đầu cầu. 

Tại phiên tòa, các luật sư, bị cáo cũng đưa ra nhiều tình tiết để chứng minh đã truy tố oan, có dấu hiệu ép cung, nhục hình. Tuy nhiên, HĐXX đã bác các lập luận đó và tuyên y án sơ thẩm. 

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan

Ngày 13/1, nguồn tin của Dân Việt cho biết, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có đơn kháng cáo về vụ án thứ 3 mà ông này bị xét xử.

Theo đó, cựu Chủ tịch Hà Nội đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên vào ngày 31/12/2021, liên quan vụ vi phạm các quy định trong các gói thầu số hóa, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội.

Trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" này, ông Nguyễn Đức Chung bị xử phạt 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 1, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị xét xử 3 vụ, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu oan 2 vụ - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị xét xử 3 vụ án, ông này hiện đã kháng cáo 2 bản án được xét xử vào năm 2021 là vụ án liên quan việc mua bán, sử dụng Redoxy 3C (ảnh) và vụ các gói thầu số hóa ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: NLD

Sau khi Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên án, bị cáo Nguyễn Đức Chung kháng cáo. Nguồn tin cho biết, ông Chung tiếp tục kêu oan, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hiện đã bị xét xử trong 3 vụ án. Vụ án đầu tiên là vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Ở vụ án đó, ông Nguyễn Đức Chung bị xử phạt 5 năm tù về cùng tội danh.

Qua điều tra, xác định ông Chung muốn nắm thông tin về việc điều tra vụ án Nhật Cường mà ông và vợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên đã liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.

Hành vi của các đối tượng sau bị phát hiện. Ông Chung bị tuyên 5 năm tù vào cuối năm 2020, ông không kháng cáo và đang chấp hành bản án này.

Ở vụ án thứ 2 liên quan việc mua bán, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C làm sạch nước hồ ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Chung bị tuyên phạt 8 năm tù trong vụ án nhưng sau đó kháng cáo kêu oan.

Còn ở vụ án thứ 3 liên quan các vi phạm trong gói thầu số hóa ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng kháng cáo kêu oan như đã đề cập bên trên.

Trong vụ án thứ 3 này, cơ quan truy tố cáo buộc mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở nhưng ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, ông này đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của Thành phố, trong khi tới thời điểm này Thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung.

Ông Chung cũng bị cáo buộc đã cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Đồng thời Công ty Minh Hoa do vợ ông Chung làm giám đốc ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường, cơ quan truy tố cho rằng có cơ sở nói đây là hợp đồng khống.

Hợp đồng đó đã được dùng để liên danh Nhật Cường – Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.

Bắt quả tang nhà Chủ tịch xã giết hổ nấu cao

Như Dân Việt đã thông tin: Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) vừa phát hiện vụ giết mổ cá thể hổ để nấu cao.

Cụ thể, ngày 6/1, lực lượng chức năng đã bắt quả tang tại hộ gia đình ông Ngô Văn Quân (sinh năm 1971, trú tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên) đang diễn ra hoạt động giết mổ 1 cá thể hổ để nấu cao. Tiến hành kiểm tra khu vực bếp ăn, sân nhà…, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tang vật liên quan gồm 1 bộ xương hổ, 2 bộ da hổ, 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 đầu sơn dương đông lạnh và các loại xương, thịt động vật.

Bắt quả tang nhà Chủ tịch xã giết hổ nấu cao - Ảnh 1.

Cảnh sát thu giữ nhiều tang vật tại nhà ông Quân. Nguồn: Zing

Ngoài ra, khám xét nơi ở của ông Ngô Văn Quân, lực lượng chức năng phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng có ghi "1cc mật gấu tươi".

Ông Ngô Văn Quân đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Phong nhiệm kỳ 2021-2026.

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật liên quan; bàn giao hồ sơ, đối tượng và tang vật cho Công an thị xã Phổ Yên điều tra theo thẩm quyền.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên đã tạm giữ hình sự đối với ông Ngô Văn Quân để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND xã Tiên Phong cho hay bước đầu, UBND thị xã Phổ Yên ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Quân để cơ quan chuyên môn điều tra, làm rõ vụ việc. Trong thời gian này, một Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong tạm thời thay ông Quân thực hiện nhiệm vụ, công việc.

Vụ trói chủ nhà, cướp điện thoại ở Hà Nội: Đã bắt được 1 nghi phạm

Ngày 13/1, nguồn tin của Dân Việt từ Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng đã bắt được 1 nghi phạm vụ táo tợn xông vào căn hộ chung cư xịt hơi cay, trói chủ nhà gây bức xúc trong dư luận.

Cơ quan công an hiện đang truy bắt các nghi phạm còn lại.

Vụ trói chủ nhà, cướp điện thoại ở Hà Nội: Đã bắt được 1 trong 3 đối tượng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đã bắt giữ được 1 đối tượng trong 3 kẻ tình nghi trói chủ nhà, cướp điện thoại. Ảnh: Gia Khiêm

Ở diễn biến trước đó, chiều 8/1, 3 đối tượng đã giả làm khách mua điện thoại đến nhà anh A (hộ khẩu ở Nam Đàn, Nghệ An), đang sống tại tầng 3 chung cư HH1A Linh Đàm. Sau đó nhóm này đã xịt hơi cay, đánh, trói anh A rồi cướp 3 chiếc điện thoại.

Cơ quan công an ngay lập tức đã vào cuộc điều tra, truy tìm nghi phạm. Chân dung các đối tượng nhanh chóng được dựng lên, lực lượng chức năng cũng phát đi thông báo truy tìm.

Theo đó, đặc điểm nhận dạng 3 đối tượng, gồm: 1 nam thanh niên khoảng 30-35 tuổi, cao khoảng 1m70-1m75, dáng người to béo, khuôn mặt dài, đeo kính gọng nhựa màu đen, đeo khẩu trang màu trắng, mặc áo khoác màu đen, áo bên trong màu xanh nước biển, quần bò màu xanh, đi giày thể thao màu trắng, đội mũ lưỡi trai màu đen, nói giọng miền Bắc.

1 nam thanh niên, khoảng 25-30 tuổi, dáng người cao khoảng 1m65, khuôn mặt tròn, đeo kính trắng, mắt kính hình chữ nhật, gọng kính màu đen, mặt đeo khẩu trang y tế màu xanh nhạt, mặc áo phao trắng xám có mũ, quần bò tối màu, đi giày da màu đen, đội mũ lưỡi trai màu trắng, đeo ba lô khoác vai màu đen, nói giọng miền Bắc.

1 nam thanh niên, khoảng 25-30 tuổi, cao khoảng 1m60, dáng người cao gầy nhỏ, khuôn mặt dài hóp, đeo khẩu trang y tế màu xanh, đội mũ lưỡi trai màu đen, áo khoác thể thao màu đen, quần bò màu đen, đi giày màu nâu, cầm cặp da xách tay màu nâu, nói giọng miền Bắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem