TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Kỷ luật Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; đề nghị xem xét kỷ luật ông Chu Ngọc Anh

A.Đ (T/H) Thứ tư, ngày 18/05/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bị cách tất cả chức vụ Đảng; đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh; kỷ luật Trung tướng Nguyễn Thế Quyết - nguyên Phó Tổng cục trưởng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bị cách tất cả chức vụ Đảng; khai trừ Đảng ông Lê Hải Trà

Như Dân Việt đã thông tin: Trong hai ngày 16 và 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15. Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì Kỳ họp.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bị cách tất cả chức vụ Đảng; khai trừ Đảng ông Lê Hải Trà - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh UBKTTW

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật Cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cảnh cáo các ông: Vũ Bằng - nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Kỷ luật Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng và Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà  - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng (trái) và Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật Đảng. Ảnh: Đ.X

Trước đó tại kỳ họp thứ 13 (từ 28-31/3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các ông: Vũ Bằng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; 

Ông Lê Hải Trà - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Như Dân Việt đã thông tin: Trong hai ngày 16 và 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15. Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 13 về việc xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan đến những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; căn cứ các quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định:

Khai trừ ra khỏi Đảng ông Trịnh Thanh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cảnh cáo các đảng viên: Phạm Công Tạc - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thiện Thành - nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Lê Bách Quang - Chủ tịch các Hội đồng tư vấn, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Covid-19.

Khiển trách ông Nguyễn Đình Hậu - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khai trừ ra khỏi Đảng các đảng viên: Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Nguyễn Nam Liên, nguyên Phó Bí thư, nguyên Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

Cảnh cáo các đảng viên: Nguyễn Trường Sơn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đặng Đức Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Khiển trách các đảng viên: Đỗ Xuân Tuyên - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Bộ, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Y tế.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương xem xét kỷ luật Chủ tịch Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (trái) và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Trước đó tại Kỳ họp thứ 13 (cuối tháng 3/2022), UBKT xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, UBKT Trung ương nhận thấy:

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các ông: Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Kỷ luật Trung tướng Nguyễn Thế Quyết - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an

Như Dân Việt đã thông tin: Trong hai ngày 16 và 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15. Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì Kỳ họp.

Kỷ luật Trung tướng Nguyễn Thế Quyết, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật, Bộ Công an - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Thế Quyết khi còn công tác. Ảnh: Báo CAND

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét Báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách Trung tướng Nguyễn Thế Quyết - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an - do đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng và thanh lý một số hợp đồng kinh tế.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Bình, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư:

Xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng - do đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước.

Xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Quý Nhân - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình - do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; vi phạm quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tuyển dụng cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Thanh tra tỉnh và các cá nhân liên quan trong việc ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý đối với các vi phạm nêu trên.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận gây thất thoát hàng trăm tỷ

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 18/5, TAND TP.Hà Nội bắt đầu xét xử 17 bị cáo trong vụ án gây thất thoát tài sản Nhà nước, thiếu trách nhiệm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cùng đơn vị thành viên là Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Ventraco).

Là người đầu tiên khai báo, ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát khi quy kết ông phải chịu trách nhiệm trong 3 sai phạm, gây thất thoát tổng cộng hơn 140 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận gây thất thoát hàng trăm tỷ - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Ngọc Hà tại TAND TP.Hà Nội. Ảnh: X.A

Đầu tiên, cáo trạng thể hiện ông Hà "vi phạm quy chế tài chính" khi để cấp dưới là Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc VEAM và Vũ Từ Công, Kế toán trưởng VEAM ký chứng thư bảo lãnh cho Ventraco vay tiền ngân hàng. Ventraco sau đó không thể trả nợ, khiến công ty mẹ bị thiệt hại hơn 75 tỷ đồng.

Tại tòa, Trần Ngọc Hà ít nhất 7 lần phủ nhận trách nhiệm, cho rằng mình "không có trách nhiệm phải biết và thực tế không có điều kiện để biết" về việc làm sai của cấp dưới.

Bị cáo lý giải, việc bảo lãnh vay nếu không quá 20% vốn điều lệ của VEAM sẽ thuộc thẩm quyền của cựu Tổng giám đốc Lâm Chí Quang. Người này hoàn toàn có thể tự quyết, "ký một tờ A4 với ngân hàng là xong, không cần xin phép tôi", ông Hà nói.

Theo bị cáo, vốn điều lệ VEAM năm 2013 khoảng 2.300 tỷ đồng, nên Tổng giám đốc Quang có thể duyệt bảo lãnh vay tới 460 tỷ đồng không cần trình Hội đồng thành viên. Do vậy, ông Hà chỉ thừa nhận có "sai phạm chung chung" bởi là người đứng đầu VEAM về mặt hành chính.

Cáo buộc tiếp theo, Viện kiểm sát xác định năm 2016, VEAM đầu tư dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung. Khi dự án chưa được Bộ Công Thương phê duyệt, bị cáo Hà đã ký hợp đồng Li – Xăng (tạm dịch, mua bản quyền thiết kế) của Công ty ISEKI Nhật Bản với giá 56 tỷ đồng. Dự án sau đó bị Bộ Công Thương bác bỏ và VEAM không thể đòi tiền đối tác Nhật Bản.

Trong sai phạm này, cựu Chủ tịch Trần Ngọc Hà tiếp tục phủ nhận trách nhiệm, nói dự án được Hội đồng thành viên VEAM biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%. Bị cáo này cho rằng, khoản 56 tỷ đồng cũng không phải thất thoát vì đối tác Nhật Bản đã bàn giao Li – Xăng, đây là một dạng tài sản về sở hữu trí tuệ và VEAM đã "mang về nghiên cứu".

Sai phạm thứ 3, Viện kiểm sát cáo buộc VEAM từng muốn xuất khẩu xe tải tay lái bên phải sang Sri Lanka nên ký hợp đồng thuê Công ty T-King (Trung Quốc) thiết kế cabin với giá 100.000USD/mẫu. Dự án sau đó thất bại nhưng VEAM đã trả cho T-King 200.000USD và thuế, tổng cộng 10 tỷ đồng.

Trong sai phạm này, ông Hà bị quy kết đã thực hiện kế hoạch đầu tư mà không có nghị quyết của Hội đồng thành viên; dự án cũng không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được VEAM phê duyệt.

Tại tòa, ông Hà dẫn chứng, hơn 30 năm hoạt động, Hội đồng thành viên hằng năm chỉ ban hành kết hoạch sản xuất ở dạng các mục tiêu danh số, đơn vị tỷ đồng. Còn ông phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể sản phẩm gì. Do vậy, việc ký hợp đồng với T-King "thực chất là quyền của tôi", lời Trần Ngọc Hà. Theo bị cáo này, việc hợp tác với T-King đang triển khai "rất tốt đẹp" nhưng đã bị dừng.

Dự kiến, phiên tòa kéo dài tới 25/5.

3 người trong gia đình tử vong ở phòng trọ

Như Dân Việt đã thông tin: Thông tin ban đầu từ Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vào khoảng 6h ngày 18/5, người dân sống tại khu phòng trọ ở 25/51 đường số 6, phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức phát hiện 4 người sống trong một phòng trọ (bố mẹ và 2 con) trong tình trạng bất tỉnh, cơ thể tím tái nên đưa đi cấp cứu và báo công an.

TP.HCM: Ba người trong gia đình tử vong ở phòng trọ  - Ảnh 1.

Căn phòng trọ nơi phát hiện 3 người trong gia đình tử vong tại phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức. Ảnh: Chinh Hoàng

Tuy nhiên, khi các nạn nhân được đưa đến bệnh viện thì 3 người không qua khỏi. Riêng người con gái hiện vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Các nạn nhân tử vong gồm: L.V.K (45 tuổi, người chồng); N.T.L (44 tuổi, người vợ); L. Q.H (16 tuổi, con trai) và người con gái tên L.T.K.L (23 tuổi, đang được cấp cứu).

Một người dân sống gần hiện trường cho biết, sáng cùng ngày, họ gọi cửa mà không thấy ai trả lời. Nghi có việc chẳng lành, mọi người phá cửa vào thì phát hiện tất cả mọi người trong nhà 4 người đã bất tỉnh, nên đưa đi cấp cứu.

"Bốn người trong gia đình trên sống tại phòng trọ này hơn 10 năm, 2 vợ chồng làm nghề bán cá", người này cho biết thêm.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem