TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Người đàn ông say rượu đánh CSGT; dùng điện bẫy chuột khiến 2 người tử vong

A.Đ (T/H) Thứ hai, ngày 13/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Người đàn ông say rượu đánh CSGT; khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng điện để bẫy chuột khiến 2 người tử vong; Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị bị bắt... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Người đàn ông say rượu đánh CSGT

Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 13/3, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã lập hồ sơ và bàn giao đối tượng Phan Tấn Đạt (SN 1987, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho Công an huyện Lấp Vò xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Người đàn ông say rượu đánh CSGT - Ảnh 1.

Phan Tấn Đạt vô cớ kiếm chuyện rồi đánh cán bộ Tổ tuần tra. Nguồn: CAND

Theo kết quả điều tra ban đầu, chiều 12/3, Tổ tuần tra Phòng CSGT gồm 4 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 80.

Tổ tuần tra đang lập biên bản xử lý trường hợp điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn đoạn qua xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò) thì Đạt chạy xe máy đến trình báo bị người khác đánh.

Tổ tuần tra tiếp xúc và hỏi bị đánh ở đâu, ai đánh thì Đạt trả lời không biết. Xét thấy nội dung tin báo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ tuần tra, đại úy Huỳnh Thanh Nhàn (thành viên Tổ tuần tra) đã hướng dẫn Đạt đến trụ sở Công an xã Vĩnh Thạnh, cách đó khoảng 500m.

Đạt không làm theo mà yêu cầu 2 cán bộ Tổ tuần tra phải trực tiếp giải quyết. Bất ngờ, Đạt xông tới đánh đồng chí Nhàn. Tổ tuần tra nhanh chóng khống chế đối tượng, đưa về trụ sở Công an xã Vĩnh Thạnh để làm việc. Toàn bộ diễn biến vụ việc đã được camera ghi lại.

Tổ tuần tra đã kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của đối tượng, kết quả 0,554mg/l khí thở. Qua xác minh, Đạt có tiền án 3 năm tù về tội Cố ý gây thương tích và được tha tù vào năm 2021.

Đồng chí Nhàn đã đến Trung tâm Y tế huyện kiểm tra thương tích. Bác sĩ ghi nhận vết trầy ngoài da ở phía sau gáy và trên đùi phải.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng điện để bẫy chuột khiến 2 người tử vong

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 13/3, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Tình (SN 1978, ở thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) để điều tra làm rõ hành vi giết người.

Thanh Hoá: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng điện để bẫy chuột khiến 2 người tử vong - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Văn Tình tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 9/3, để bảo vệ ruộng lúa của gia đình không bị chuột cắn phá, Tình đã sử dụng máy bơm rút nước, sau đó sử dụng dây thép 1 ly giăng xung quanh ruộng lúa. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Tình dùng dây viễn thông có lõi đồng nối một đầu vào dây thép (không có vỏ bọc), một đầu vào phích cắm điện để truyền dẫn điện nhằm diệt chuột.

Tuy nhiên, khi giăng dây điện Tình đã không làm biển, đèn cảnh báo, cũng không thông báo cho các hộ dân có ruộng xung quanh và chính quyền địa phương biết việc mình giăng dây điện. Sau khi làm xong, Tình cũng không trông coi mà về nhà ngủ.

Đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 10/3, Tình rút nguồn điện rồi ra thăm ruộng lúa thì phát hiện anh N.M.C (SN 1992) và anh N.V.C (SN 2000, đều ở thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống) đã tử vong do bị điện giật. Biết mình gây ra hậu quả nghiêm trọng, Tình đã đến Công an xã Trường Trung đầu thú.

Qua vụ án trên, Công an tỉnh Thanh Hoá một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng căng dây điện để bẫy chuột, gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác và thực tế đã gây ra cái chết của anh N.M.C và N.V.C. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các biện pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn, tuyệt đối không dùng điện bẫy chuột, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị bị bắt

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 13/3, nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị này đã nhận được thông báo của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Cương - Giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị.

Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị bị bắt - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Cương. Ảnh: Xuân Nha.

Ông Nguyễn Đình Cương bị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "giả mạo trong công tác" theo Điều 359, Bộ luật Hình sự xảy ra tại Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, Đoàn Thanh tra của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã tiến hành thanh tra về quy trình giám định thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh đối với ông N.M.D (35 tuổi, ngụ tại thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Căn cứ hồ sơ giám định tỉ lệ thương tích đối với ông N.M.D lưu trữ tại Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị thể hiện tại quy trình giám định lần đầu, ông D. bị gãy cung xương sườn số 7,8,9,10,11,12 bên trái, không di lệch; tràn khí màng phổi trái lượng nhiều; khoang liên sườn 6,7 đường nách giữa bên trái có vết sẹo (dẫn lưu) kích thước 1,5x0,8cm.

Ngày 20/8/2021, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị ký ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 183/TgT đối với ông N.M.D với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 15%.

Tuy nhiên, tại quy trình giám định lại lần thứ nhất (hoặc giám định lại lần đầu), bản ghi nhận kết quả giám định pháp y về thương tích số 234/TgT ngày 19/10/2021, kết luận: Ông D. bị gãy cung sau 4 xương sườn (số 7,8,9,10) bên trái đã can xương; sẹo dẫn lưu tràn khí màng phổi khoang liên sườn 6,7 bên trái.

Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị sau đó ký ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 234/TgT đối với ông N.M.D với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 9%.

Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị bị bắt - Ảnh 2.

Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị - nơi ông Cương công tác.

Theo điều tra, Nguyễn Đình Cương đã làm sai lệch Bản kết luận giám định thương tích lại trong vụ việc "Cố ý gây thương tích", xảy ra tại thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ tỷ lệ thương tích 15% xuống còn 9% (từ giám định người được giám định gãy 6 xương sườn nhưng bản giám định lại chỉ cho kết quả giám định gãy 4 xương sườn).

Bản giám định lại này được cung cấp cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong vụ việc "Cố ý gây thương tích", xảy ra tại thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sau đó vụ án đã được khởi tố, điều tra và xét xử.

Hiện Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vẫn đang tiến hành mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án.

Xét xử "siêu lừa" Hà Thành: Loạt khách VIP nói mất tiền vì tin ngân hàng

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 13/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB).

Xét xử siêu lừa Hà Thành: Loạt khách VIP nói mất tiền vì tin ngân hàng - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Hà Thành (áo nâu) cùng các bị cáo tại tòa. Ảnh: X.A

Tại tòa, các luật sư đặt câu hỏi với đại diện VAB về việc khách hàng ký hợp đồng, gửi tiền tiết kiệm với ngân hàng nhưng nay không thể rút ra.

Các luật sư phân tích, khách hàng ký hợp đồng gửi tiền hợp pháp với ngân hàng còn việc Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của chủ sổ tiết kiệm để "rút tiền" là khác nhau.

Do khách hàng không thế chấp, không cùng Hà Thành phạm tội nên ngân hàng phải trả tiền cho họ; không thể lấy tiền của khách bù vào việc Hà Thành "lừa" ngân hàng.

Một bị hại trong vụ án, ông Triệu Hùng Cường đang thiệt hại 29 tỷ đồng. Ông còn có 3 sổ tiết kiệm liên quan vụ án, tổng 95 tỷ đồng đều đã bị VietABank "giam", chưa thanh toán. Vị này có đề nghị VietABank trả lại số tiền này.

Các "đại gia" khác gửi tiền cũng đang bị ngân hàng "giam" sổ tiết kiệm gồm bà Triệu Thị Tuyết Trinh, ông Đặng Nghĩa Toàn. Trong đó, bà Trinh cho hay đang "chôn" ở VBA 3 sổ tiết kiệm trị giá 75 tỷ đồng.

Ông Toàn có một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở VAB; 4 sổ trị giá 50 tỷ đồng ở NCB và 4 sổ trị giá 52 tỷ đồng tại PVcombank. Tại tòa, ông Toàn trình bày: "Tôi bị kẹt tổng cộng 122 tỷ đồng ở ba ngân hàng nên cuộc sống gia đình, kinh doanh bị xáo trộn. Tôi bị mang tiếng là kẻ lừa đảo ngân hàng, trong khi tiền của mình đang bị ngân hàng đóng băng".

Xét xử siêu lừa Hà Thành: Loạt khách VIP nói mất tiền vì tin ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Đặng Nghĩa Toàn, người có 122 tỷ đồng bị "giam" ở ba ngân hàng.

Những người này được tòa triệu tập đến trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Họ cho hay đều "mất tiền" do tin tưởng nhân viên các ngân hàng nên đề nghị NCB, VAB và PVcombak trả lại toàn bộ tiền trong các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên trong quá trình truy tố, các ngân hàng chưa đồng ý trả lại tiền.

Cũng tại tòa, các luật sư đặt một loạt câu hỏi với đại diện VAB nhưng không được trả lời. "Cái gì VAB cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa", một người nói.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, cô ta dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Thành còn câu kết với 17 bị cáo là cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các "đại gia", hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, bị cáo giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Các cựu cán bộ ngân hàng bị cáo buộc bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo; lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo; chưa qua thẩm định... giúp Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác. Tổng cộng, "siêu lừa" Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVcombank 49,4 tỷ đồng, của VAB hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Vì sao hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ 200 triệu lít xăng lậu liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu?

Hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ 200 triệu lít xăng liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu - Ảnh 1.

Đại diện HĐXX đọc quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ 200 triệu lít xăng liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu. Ảnh: Chinh Hoàng

Ngày 13/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng liên quan đến "ông trùm" Phan Thanh Hữu, do nhiều bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ 200 triệu lít xăng liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu - Ảnh 2.

Do vắng mặt nhiều bị cáo, các bên có quyền nghĩa vụ liên quan vụ án 200 triệu lít xăng liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu. HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hoãn phiên tòa. Ảnh: Chinh Hoàng

Lúc 10h30, đại diện HĐXX tại TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng liên quan đến "ông trùm" Phan Thanh Hữu, do nhiều bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt để đảm bảo quyền lời và nghĩa vụ cho các bên liên quan.

Đại diện HĐXX cũng trưng cầu ý kiến của các luật sư bị cáo, các luật sư cũng đồng ý hoãn phiên tòa này. Ngoài ra theo HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM phiên tòa sẽ được diễn ra vào ngày 5/4 đến 27/4.

Trong vụ án này có 29 bị cáo, 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo. Trước đó, tháng 12/2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử sơ thẩm, tuyên án Phan Thanh Hữu cùng hơn 70 bị cáo khác.

Trong đó, "ông trùm" Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh, người cầm đầu đường dây) bị tuyên phạt mức án 16 năm tù, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, người chịu trách nhiệm vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam) 17 năm tù; Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long, người phân phối phần lớn xăng lậu cho 'ông trùm' Phan Thanh Hữu) chịu mức án 15 năm tù.

Ngoài ra, liên quan vụ án, bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị tuyên án mức án 15 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến 2/2021, "ông trùm" Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Nguyễn Hữu Tứ đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Từ lời tố của lái xe lần ra đường dây vận chuyển gỗ quý trái phép (Video kỳ 1 - Điều tra độc quyền)


Từ lời tố của lái xe lần ra đường dây vận chuyển gỗ quý trái phép (Video kỳ 1).

Như Dân Việt đã đưa tin: Từ thông tin ban đầu, nhóm phóng viên đã vào cuộc điều tra và phát hiện cả một đường dây đang "tiếp tay" vận chuyển gỗ quý trái phép cho các đối tượng buôn bán gỗ. Mắt xích đầu tiên của đường dây này bắt đầu từ việc khai thác gỗ trái phép diễn ra trên những cánh rừng già của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Thâm nhập “hang ổ” của những trùm buôn gỗ quý trái phép (Video kỳ 2 - Điều tra độc quyền)

Thâm nhập “hang ổ” của những trùm buôn gỗ quý trái phép (Video kỳ 2 - Điều tra độc quyền)

Từ những thông tin trùm gỗ trên tiết lộ, từng mắt xích của đường dây buôn gỗ quý trái phép từ miền ngược về xuôi đã dần lộ diện. Vậy thủ đoạn hợp thức hóa việc vận chuyển gỗ quý trái phép đi tiêu thụ qua đường bưu chính như thế nào? Góc khuất về: Thủ đoạn dùng xe thư báo "vận chuyển" gỗ quý trái phép đi tiêu thụ sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ trong phóng sự tiếp theo!

Đón xem kỳ 3: Gỗ quý được hợp thức hóa hồ sơ để vận chuyển trái phép như thế nào?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem