TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Hội An nói không với thịt chó, mèo

A.Đ (t/h) Thứ sáu, ngày 10/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa vụ Redoxy 3C; bắt tạm giam Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; bắt tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn; Hội An - thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với thịt chó, mèo... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa vụ Redoxy 3C

Như Dân Việt đã thông tin: Đúng 8h sáng nay (10/12), Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên bố khai mạc phiên tòa sơ thẩm, chính thức đưa ông Nguyễn Đức Chung, Võ Tiến Hùng - cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (Công ty Arktic) ra xét xử.

Ông Chung và 2 đồng phạm bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Vợ vắng mặt, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị triệu tập những ai đến tòa vụ Redoxy 3C? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị tòa triệu tập một loạt những người mà ông cho rằng có liên quan. Ảnh: Xuân Trung

Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông Nguyễn Đức Chung là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bà Hoa được triệu tập hợp lệ, nhưng hôm nay không đến tòa. Bà Hoa có đơn xin xét xử vắng mặt gửi tới HĐXX sơ thẩm. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà này có mặt.

Tại tòa, khi HĐXX kiểm tra căn cước, ông Chung khai báo rành mạch, rõ ràng. Bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng có hàng loạt đề nghị triệu tập những người liên quan.

Theo đó, ông Chung đề nghị tòa cho triệu tập tất cả những người liên quan có mặt tại buổi thăm tại hồ Hoàn Kiếm vào chiều 31/7/2016. Việc này theo ông Chung là để các luật sư bào chữa cho ông có thể hỏi rõ hơn về các tình tiết liên quan.

Nhà chức trách cáo buộc ông Chung đã chỉ đạo miệng tại buổi thăm này với Võ Tiến Hùng là phải mua Redoxy 3C thông qua Công ty Arktic.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị cho triệu tập tất cả những người liên quan đến quá trình đề xuất, tham gia đàm phán mua chế phẩm Redoxy 3C.

Tại tòa, ông Chung đề nghị các luật sư cung cấp cho HĐXX toàn bộ bản dịch, băng ghi âm mà ông cùng các lãnh đạo thành phố, sở ban ngành tiếp ông Deepak Chopra - Tổng giám đốc Công ty Watch Water (Đức) năm 2016 tại UBND TP.Hà Nội…

Ở một diễn biến sau đó, 1 luật sư bào chữa cho ông Chung cũng đề nghị tòa triệu tập thêm đại diện phường Trúc Bạch, phường Thành Công; mời đại diện Văn phòng Thành ủy Hà Nội.

Cũng tại tòa sáng nay, luật sư Trần Hồng Phúc - người bào chữa cho bị cáo Võ Tiến Hùng cũng đề nghị tòa triệu tập một số cá nhân liên quan; đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương); 1 cá nhân ở Sở Tài chính Hà Nội; 1 cá nhân ở Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Phạm Công Bình; nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản…

Bắt tạm giam Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.

Ông Trương Quốc Cường (SN 1961, quê quán tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), có học vị tiến sĩ. Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế vào năm 2016, ông Cường có thời gian dài công tác tại Cục Quản lý dược. Ông từng giữ chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Quản lý dược từ năm 2007.

Bắt giam Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: Chí Hùng

Trước đó, ngày 3/11, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đối với bị can Trương Quốc Cường về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Thời điểm khởi tố bị can Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bị can.

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2008 - 2014, tại Cục Quản lý Dược đã xảy ra một số sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc mang nhãn mác Health 2000 và chưa có các biện pháp kịp thời để xem xét đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố điều tra đối với 3 cán bộ, lãnh đạo của Cục này do có liên quan đến các sai phạm.

Bị can Trương Quốc Cường với vai trò Cục trưởng Cục Quản lý dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Cục Quản lý dược cũng có trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra những sai phạm nêu trên của Cục Quản lý dược, gây hậu quả thiệt hại về tài sản hơn 50 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị can Trương Quốc Cường cùng 13 bị can khác về 3 tội danh, trong đó 9 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" gồm: Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Phạm Anh Kiệt, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Loan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Quyết.

Ba bị can bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Lê Đình Thanh, nguyên cán bộ hải quan; Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược và Trương Quốc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý dược, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Có 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm: Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc; Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc.

Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/12, cơ quan công an vừa công bố thay đổi biên pháp ngăn chặn đối với nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - ông Nguyễn Quang Tuấn. Theo đó, ông Tuấn bị bắt tạm giam để điều tra.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định và lệnh nêu trên.

Bắt tạm giam nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VNE

Trước đó, ngày 21/10, ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự, đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sai phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn được xác định khi giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Hành vi của bị can liên quan đến hoạt động đấu thầu tại bệnh viện này.

Ngày 12/4, Cơ quan điều tra đã đến làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội để thu thập tài liệu liên quan các gói thầu và đề án xã hội hóa tại bệnh viện công.

Kết quả điều tra xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn ký một số văn bản có liên quan. Theo Bộ Công an, sai phạm của các bị can làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội nằm trong giai đoạn điều tra, xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Ngày 12/4, Cơ quan điều tra đến làm việc với bệnh viện để thu thập tài liệu liên quan các gói thầu và đề án xã hội hóa tại bệnh viện công.

Quá trình làm việc, Cơ quan điều tra cũng yêu cầu bệnh viện cung cấp tài liệu liên quan quy chế thu chi tài chính, tài liệu về đề án xã hội hóa, liên danh liên kết về trang thiết bị y tế tại cơ sở này từ năm 2015 đến nay.

Ngoài các bị can trên, Bộ Công an cho rằng ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) đã ký một số văn bản có liên quan.

Đột kích sòng bạc, công an phát hiện 5 người dương tính với SARS-CoV-2

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/12, thông tin từ Công an TP.Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đang tạm giữ hình sự 4 đối tượng gồm: Danh Xăng, Danh Thị Lệ Thủy, Danh Thị Mỹ và Lương Thị Oanh (cùng ngụ tại xã Phi Thông, TP.Rạch Giá) để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Đột kích sòng bạc ở Kiên Giang, Công an phát hiện 5 người dương tính với SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Hiện trường vụ đánh bạc tại xã Phi Thông, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Anh Vũ

Ngoài ra, phía Công an TP.Rạch Giá cũng đang củng cố hồ sơ, xử lý những người có liên quan theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào chiều 8/12, tại xã Phi Thông, TP.Rạch Giá, Công an TP.Rạch Giá bất ngờ ập vào tụ điểm đánh bạc ăn tiền ở xã Phi Thông, phát hiện 22 người, trong đó có 12 phụ nữ đang sát phạt.

Tang vật thu giữ tại hiện trường gần 100 triệu đồng và nhiều tang vật khác liên quan.

Sòng bạc này do Danh Xăng đứng ra tổ chức và thu tiền xâu mỗi ván bài từ 50.000 đến 100.000 đồng, các con bạc ăn thua với nhau mỗi ván từ 400.000 - 700.000 đồng.

Sau khi bắt giữ, qua test nhanh, 5 người cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hội An - thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với thịt chó, mèo

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/12, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác cam kết loại bỏ thịt chó và mèo ra khỏi thành phố, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm bảo vệ động vật.

Trong những năm vừa qua, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã làm việc cùng với FOUR PAWS, tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu, để xây dựng thỏa thuận này. FOUR PAWS đã hoan nghênh những bước tiến của UBND thành phố Hội An trong việc bảo vệ chó, mèo và con người.

Hội An, thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ chó, mèo - Ảnh 1.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác cam kết loại bỏ thịt chó và mèo ra khỏi thành phố Hội An. (Ảnh: Nam Cường)

Đây là lần đầu tiên một thành phố của Việt Nam có hành động triệt để nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2021 và kéo dài trong hai năm. Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng nhấn mạnh mục tiêu cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn chặn hiểm họa có thể bùng phát đại dịch.

Được biết, Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm ở miền Trung Việt Nam, được du khách biết đến với khu phố cổ nổi tiếng và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Giờ đây, Hội An sẽ có thể định vị mình là "thành phố đầu tiên của Việt Nam không buôn bán thịt chó, mèo và thân thiện với khách du lịch" thông qua các biện pháp như loại trừ bệnh dại qua tiêm phòng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho động vật trong cộng đồng, cũng như thực thi các quy định và chế tài luật để giúp loại bỏ việc buôn bán thịt chó, mèo và các hoạt động liên quan.

Như chúng ta đều biết, việc buôn bán thịt chó, mèo có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng có nhiều quan điểm chống lại việc buôn bán thịt chó, mèo, thoả thuận hợp tác này là một bước đi đúng hướng, xóa đi những hình ảnh và định kiến không tốt vốn có từ trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem