TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xét xử vụ cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung; bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng

A.Đ (T/H) Thứ hai, ngày 20/06/2022 18:59 PM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xin trả lại 10 tỷ đồng cho chị gái việc "khắc phục hậu quả thay"; bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản; cựu lãnh đạo Đông Á Bank Trần Phương Bình nhận thêm án tù... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xin trả lại 10 tỷ đồng cho chị gái việc "khắc phục hậu quả thay"

Như Dân Việt đã thông tin: Ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục giữ kháng cáo kêu oan trong phiên phúc thẩm ở TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 20/6. Trước đó, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bị cấp sơ thẩm phạt 8 năm tù với cáo buộc để công ty của gia đình mình mua chế phẩm làm sạch nước hồ về bán lại cho thành phố với giá cao hơn, gây thất thoát 36 tỷ đồng.

Do vậy, ngoài án tù, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng. Các đồng phạm của ông bồi thường số còn lại, gồm Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội bị tuyên 4 năm tù, bồi thường 4 tỷ đồng; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Arktic nhận 4 năm 6 tháng tù, bồi thường hơn 7 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Hà Nội xin trả lại 10 tỷ đồng chị gái "khắc phục hậu quả thay" - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Hà Nội cho rằng mình bị oan nên không muốn gia đình nộp tiền thay. Ảnh: X.A.

Sau phiên sơ thẩm, ông Chung kháng cáo kêu oan và Nguyễn Trường Giang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung giữ kháng cáo, nói cấp sơ thẩm tuyên án "sai pháp luật" và đề nghị các cơ quan tố tụng trả lại số tiền bà V. Bà V là chị gái ông Nguyễn Đức Chung, bà đã nộp tiền khắc phục hậu quả thay em trai.

Chủ tọa cho hay đây là số tiền bà V tự nguyện nộp thay nhưng cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói: "Tôi phải nghe trực tiếp từ chị gái". Theo chủ tọa, chị gái của ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng và được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bà V có đơn xin xét xử vắng mặt trong phiên tòa này, trong đơn bà cho biết, vì "thương em trai nên vay mượn nhiều người" để nộp tiền khi ông Chung bị giam với mong muốn tòa sẽ tuyên án tù thấp hơn cho ông.

"Tôi dùng tiền của mình, sau khi nộp tiền đã nhờ luật sư nộp lại biên lai cho tòa. Quan điểm của tôi là nếu em trai tôi bị kết án, tôi nộp 10 tỷ đồng mà không có thắc mắc gì", chủ tọa công bố đơn của bà V.

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị cho được gặp trực tiếp để xác định: "Chị tôi cho tôi số tiền đó hay cho tôi vay". Bị cáo này nói thêm, khi "có bản án đúng pháp luật, sẽ vận động gia đình khắc phục hậu quả" nhưng nếu các cơ quan tố tụng tuyên sai, ông sẽ không chấp nhận bồi thường.

Về lý do kêu oan, bị cáo Chung cho rằng với 4 hợp đồng mua chế phẩm có những nguồn vốn gồm của Sở Xây dựng cấp cho Công ty Thoát nước; vốn của UBND các quận huyện rót cho các phòng tài nguyên, đô thị; vốn của UBND phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).

"Nếu vụ án có thiệt hại sẽ là trách nhiệm của các đơn vị trên", cựu Chủ tịch Hà Nội nói.

Ngoài ra, bị cáo Chung cho hay không biết vợ mình có cổ phần của Công ty Arktich, đơn vị trung gian mua chế phẩm làm sạch nước hồ; ông không bàn bạc với Nguyễn Trường Giang về việc mua bán chế phẩm làm sạch nước.

Cựu Chủ tịch Hà Nội xin trả lại 10 tỷ đồng chị gái "khắc phục hậu quả thay" - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Trường Giang khai Công ty Arktic là của gia đình ông Chung. Ảnh: X.A.

Ngược lại, Nguyễn Trường Giang khai quen gia đình ông Chung vào khoảng năm 2014-2015, khi cung cấp một số mặt hàng cho siêu thị Minh Hoa của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung).

Năm 2016, ông Chung nhờ Giang đi cùng đoàn công tác của UBND thành phố sang châu Âu dù Giang không có tên trong danh sách của đoàn này để "phiên dịch, dự triển lãm tại Đức".

Giang khai đã được tham gia cuộc họp với một số đối tác để trao đổi về sản phẩm công nghệ xử lý nước thải của Công ty Watch Water cũng như tham gia trao đổi về giá cả sản phẩm, chính sách bán hóa chất của công ty.

Khi chủ tọa đặt câu hỏi về việc hóa chất Redoxy 3C được thỏa thuận phân phối để Giang độc quyền hay cho Công ty Arktic độc quyền, bị cáo Giang trình bày các quyết định dù lớn nhỏ trong Công ty Arktic đều do "người khác".

Nguyễn Trường Giang khẳng định Công ty Arktic là doanh nghiệp của gia đình ông Nguyễn Đức Chung; anh ta chỉ thay mặt ký phân phối độc quyền hóa chất xử lý nước. "Anh Chung là người chỉ đạo bị cáo thỏa thuận với Công ty Watch Water ký văn bản phân phối độc quyền các sản phẩm, trong đó có Redoxy 3C tại Việt Nam", bị cáo Giang nói.

Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản

Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan đến vi phạm trong hoạt động mua sắm, sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Đà Nẵng, chiều 20/6, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân TP, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh (sinh năm 1964, nghề nghiệp bác sĩ, thường trú 90 Lê Lợi, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (gọi tắt là CDC Đà Nẵng) về hành vi "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản - Ảnh 1.

Lực lượng công an làm việc với ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Bình

Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản - Ảnh 1.

Công an tiến hành đọc lệnh tại nhà ông Tôn Thất Thạnh. Ảnh: Đ.T

Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 04 tháng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1982, nghề nghiệp bác sĩ, trú 86/6 Nguyễn Du, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Trưởng khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng.

Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản - Ảnh 3.

Lực lượng công an làm việc với đối tượng Lê Thị Kim Chi, nhân viên khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Bình

Khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Lê Thị Kim Chi (sinh năm 1986, nghề nghiệp bác sĩ, nơi ở 137/6/01 Nguyễn Phước Nguyên, P.Hòa Khê, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng cùng về tội danh trên. 

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cũng tiến hành khám xét, thu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án tại nơi ở và nơi làm việc của ông Thạnh và các bị can nói trên.

Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng để điều tra tội Tham ô tài sản - Ảnh 4.

Lực lượng công an làm việc đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Bình

Kết quả điều tra ban đầu Công an TP.Đà Nẵng xác định: Từ năm 2020 - 2021, ông Tôn Thất Thạnh cùng các đồng phạm đã móc nối với Công ty Việt Á nhằm mục đích tham ô số vật tư xét nghiệm Covid-19 đã được TP.Đà Nẵng mua để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Theo đó, ông Thạnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 thành mẫu đơn, đồng thời biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á. 

Số vật tư dôi dư sau khi "phù phép", ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận. Theo xác định ban đầu của Cơ quan điều tra, giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá 4.063.500.000 đồng.

Cựu lãnh đạo Đông Á Bank Trần Phương Bình nhận thêm 10 năm tù

Như Dân Việt đã thông tin: Trong vụ án thứ 3, ông Trần Phương Bình nhận thêm 10 năm tù do gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Cộng án cũ trong 2 vụ trước, cựu Tổng giám đốc Đông Á Bank giữ nguyên mức tù chung thân.

Bản án vụ ông Trần Phương Bình do TAND TP.Hà Nội tuyên chiều 20/6, sau 3 ngày xét xử. Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Đông Á Bank nhận 10 năm tù, cộng án cũ chung thân bằng chung thân.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu Phó Tổng giám đốc ngân hàng này nhận 11 năm tù, cộng án 30 năm tù trong vụ trước bằng 30 năm tù (án có thời hạn với một người cao nhất 30 năm tù).

Cựu lãnh đạo Đông Á Bank Trần Phương Bình nhận thêm 10 năm tù - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình trong một phiên tòa tại TP.HCM. Ảnh: Khả Hòa

Cả 2 người đều có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe yếu, đang thụ án trong vụ khác nên được HĐXX chấp nhận. Chủ tọa công bố tài liệu thể hiện, cả 2 cựu lãnh đạo Đông Á Bank đều thừa nhận hành vi phạm tội, mong được hưởng khoan hồng.

Cùng vụ án này, các bị cáo khác nhận từ 24 tháng tù treo đến 5 năm tù giam, đều về tội "Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Về dân sự, tòa tuyên buộc Công ty An Phát bồi thường 108 tỷ đồng cho DAB; 124 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tang vật vụ án, được tuyên trả lại cho công ty An Phát nhưng phải tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc Công ty An Phát bị phạt 5 năm tù và phải bồi thường gần 76 tỷ đồng cho Ngân hàng Đông Á. Năm 2018, bà Mai bị TAND cấp cao tại Hà Nội phạt 13 năm tù vì chiếm đoạt 2 đất nền biệt thự trị giá hơn 30 tỷ đồng của Công ty An Phát nên hình phạt tổng hợp là 18 năm tù.

Cựu lãnh đạo Đông Á Bank Trần Phương Bình nhận thêm 10 năm tù - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa án Hà Nội. Ảnh: X.A

Án sơ thẩm thể hiện, từ 2007 - 2014, ông Bình, bà Xuyến cùng một số nhân viên ở Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội có nhiều sai phạm khi xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An, Công ty TNHH Star Hair.

Từ lỗ hổng này, ba doanh nghiệp trên được vay số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cơ quan tố tụng xác định, do có mối quan hệ thân thiết với bà Mai, bị cáo Trần Phương Bình chỉ đạo chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định với Công ty An Phát.

Sau khi vay 184 tỷ đồng, bà Mai chi 108 tỷ để đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội, còn lại trả nợ ngân hàng. Bị cáo này còn sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp đảm bảo các khoản vay; dùng biên bản họp hội đồng quản trị giả làm hồ sơ vay vốn.

Đến nay, cả bị cáo Mai và Công ty An Phát đều mất khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 184 tỷ đồng.

HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là "đặc biệt nghiêm trọng". Họ có đủ năng lực, nhận thức, biết rõ quy định về quy trình thủ tục đảm bảo điều kiện cấp tín dụng cho khách hàng nhưng lại bỏ qua các quy trình thẩm định; không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng lớn.

Sắp xét xử sơ thẩm các bị cáo vụ Tịnh thất Bồng Lai

Như Dân Việt đã thông tin: Đại diện TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xác nhận với Dân Việt, mọi thủ tục liên quan đến vụ Tịnh thất Bồng Lai đã hoàn tất, luật sư bào chữa đã nhận cáo trạng để tham gia khi phiên tòa chính thức xét xử sơ thẩm.

Thời gian xét xử sơ thẩm chính thức với các bị can vụ Tịnh thất Bồng Lai  - Ảnh 1.

Cuối tháng 6/2022 phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 6 bị can vụ Tịnh thất Bồng Lai sẽ diễn ra tại TAND huyện Đức Hòa. Ảnh: DV

Chiều 20/6, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, vừa có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân" theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đối với 6 bị cáo bị truy tố xảy ra tại nơi được xem là Tịnh thất Bồng Lai (tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa). Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này dự kiến diễn ra ngày 30/6 tại TAND huyện Đức Hòa.

Trong vụ án này có 6 bị cáo bị truy tố gồm: Lê Tùng Vân (91 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Tùng Dương, Lê Thanh Nhị Nguyên, Cao Thị Cúc (cùng ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa).

Theo nhận định của TAND huyện Đức Hòa, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai tới đây sẽ có rất đông người đến tham dự, chính vì vậy, Công an huyện Đức Hòa chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian xét xử đến khi tuyên án.

Trước đó ngày 10/6, TAND huyện Đức Hòa đã nhận bản cáo trạng của VKS tỉnh Long An truy tố 6 bị can để xét xử theo thẩm quyền.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 3/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đến ngày 5/1, Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 người đang cư trú tại "Tịnh thất Bồng Lai" về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Ngày 24/2, VKSND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An để điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan này cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa thực hiện việc chuyển hồ sơ vụ án, vật chứng và bị can cho Cơ quan An ninh tỉnh điều tra thụ lý và khởi tố thêm 2 bị can cùng hành vi trên.

Bình Định: Bắt khẩn cấp 3 đối tượng ném “bom xăng” để điều tra hành vi giết người

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 20/6, Công an huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, đã xác định rõ các đối tượng ném "bom xăng" vào nhà một hộ dân trên địa bàn thị trấn Vân Canh.

Công an huyện đã tiến hành bắt khẩn cấp 3 đối tượng Nguyễn Phi Hùng (SN 2000, thị trấn Vân Canh) đối tượng cầm đầu và Lê Văn Thảo (SN 2005, Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh) và Nguyễn Văn Em (SN 2003, xã Canh Hiệp) để điều tra về hành vi giết người.

Bình Định: Bắt khẩn cấp 3 đối tượng ném “bom xăng” điều tra hành vi giết người  - Ảnh 1.

3 đối tượng thực hiện ném "bom xăng" vào nhà dân ở thị trấn Vân Canh. Ảnh: Camera

Theo dữ liệu camera, sự việc ném "bom xăng" xảy ra tại nhà ông Bùi Quốc Thành (ở thị trấn Vân Canh). vào lúc 23 giờ ngày 18/6. lợi dụng đêm khuya vắng người, kẻ xấu thực hiện hành vi, sau tiếng nổ lớn, ngọn lửa bốc cháy dữ dội.

"Có 2 thanh niên thực hiện hành vi này và chúng di chuyển bằng xe máy, 1 thanh niên vào gần nhà ném bom xăng, may lúc đấy tôi còn thức nên ra dập lửa, nếu không thì ngôi nhà đã bốc cháy", ông Quốc Thành cho hay.

Ông Quốc Thành đã cung cấp mọi thông tin, dữ liệu camera vụ việc cho công an địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem