TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xử vụ tống tiền CSGT; 22 golfer đánh bạc trong khách sạn 5 sao

A.Đ (T/H) Thứ tư, ngày 22/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Xét xử vụ tống tiền CSGT ở Vĩnh Phúc; 22 golfer đánh bạc trong khách sạn 5 sao, thu giữ hàng tỷ đồng; thông tin mới vụ 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang 11,4 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Xét xử vụ tống tiền CSGT ở Vĩnh Phúc

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 22/3, TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt Bùi Văn Hà (SN 1982, ở Mê Linh, Hà Nội) án 4 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Cùng tội danh, Trịnh Xuân Tiến (SN 1990, ở Mê Linh) án 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Nam (SN 1991, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) lĩnh 1 năm 9 tháng tù, Nguyễn Khắc Được (SN 1990) 3 năm 3 tháng tù.

Vụ tống tiền CSGT: Tranh cãi việc CSGT có tiêu cực không? - Ảnh 1.

Bùi Văn Hà thừa nhận 2 lần tống tiền CSGT nhưng khẳng định không "dàn xếp" lần nào khác.

Trong phần xét hỏi trước đó, cả 4 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Hà cho hay, anh ta "quen 4 – 5 CSGT ở Vĩnh Yên, thường ăn uống thân tình".

Chủ tọa đặt câu hỏi: "Quen nhiều để tống tiền nhau? Ngoài 2 trường hợp đang bị xét xử, có dàn xếp trường hợp nào khác không?". Cũng theo chủ tọa, Hà khi "mặc cả" số tiền với CSGT đã nhắn: "Anh giúp chúng nó nhiều lần rồi" nên có thể đã "dàn xếp" các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận, nói không có lần nào khác.

Theo cáo trạng, ngày 18/6/2022, Nguyễn Khắc Được chuyển qua Zalo cho Hà hình ảnh anh H (SN 1989), CSGT Công an TP.Phúc Yên đang làm việc, trên bàn có 4 tờ mệnh giá 500.000 đồng. Hình ảnh này do một người đi ô tô ngược chiều, bị CSGT xử lý nên ghi lại.

Hà yêu cầu anh H chuyển 100 triệu đồng nếu không hình ảnh này sẽ bị đăng lên mạng xã hội. Sau nhiều lần "mặc cả", vị CSGT đồng ý chi 80 triệu đồng nhưng khi đang giao nhận tại một nhà hàng vào tối 27/6/2022, cơ quan điều tra bắt quả tang.

Trước đó một tuần, ngày 21/6, bị cáo Nam gắn camera bí mật loại giả cúc áo rồi phóng xe máy đi đường, cố tình không mang giấy phép lái xe, bảo hiểm dân sự và đội mũ không cài quai.

Anh ta bị tổ CSGT TP.Phúc Yên do cán bộ tên K làm tổ trưởng dừng xe. Nam lấy 4 tờ tiền 500.000 đồng để lên bàn làm việc của anh K, bí mật ghi hình rồi đứng dậy lấy xe máy phóng đi. Vị CSGT này đã lập biên bản việc Nam tự ý để lại tiền, có xác nhận của chính quyền.

Nam kể chuyện trên cho Tiến rồi thống nhất cùng đe dọa, buộc nhóm CSGT vừa "bắt mình" phải đưa tiền. Tiến sau đó gửi hình ảnh có được cho bị cáo Hà, hẹn nếu thành công sẽ chia cho 2 triệu đồng. Hà cũng yêu cầu anh K đưa 80 triệu đồng nhưng sau đó giảm còn 40 triệu đồng, đã được chuyển khoản.

Vụ tống tiền CSGT: Tranh cãi việc CSGT có tiêu cực không? - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa án tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 22/3.

Trong vụ, viện kiểm sát xác định cả 2 cán bộ CSGT được xác định là bị hại, phải đưa tiền để "không bị ảnh hưởng công việc" dù khọ không có tiêu cực, không "nhận mãi lộ".

Tranh luận lại, luật sư Trần Xuân Tiền bào chữa cho bị cáo Được nêu quan điểm, cần xử lý 2 vị cán bộ CSGT bởi nếu không có sai phạm, tại sao lại "thương lượng, mặc cả như mớ rau".

Việc viện kiểm sát xác định vị cán bộ tên H thấy tiền trên bàn đã yêu cầu người đi ngược chiều lấy lại rồi chỉ "nhắc nhở cho đi", luật sư Tiền cho rằng tình tiết này "không công tâm".

"Cần làm rõ có hay không hành vi tiêu cực của CSGT ở Vĩnh Yên và việc bỏ lọt tội phạm của cơ quan tố tụng", luật sư Tiền nói.

Cũng bào chữa cho bị cáo Được, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng thân chủ của mình đã thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cưỡng đoạt tài sản phải có yếu tố dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp tinh thần hoặc dùng thủ đoạn khác.

Trong vụ án này, không có việc đe dọa dùng vũ lực và viện kiểm sát xác định cán bộ CSGT bị "uy hiếp tinh thần", lo sợ không đưa tiền sẽ bị tung hình ảnh "không đẹp" lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, các hình ảnh bị cáo Được có rồi chuyển cho Hà đã được Hà chuyển cho vị CSGT tên H từ ngày 18/6/2022. Hôm sau, hình ảnh này đã được đăng lên mạng xã hội và phải 9 ngày sau, anh H mới có đơn tố cáo tới cơ quan điều tra.

"Bản chất vụ án này, nếu bỏ hồ sơ ra, ai cũng hiểu là sự dàn xếp giữ người vi phạm và người lợi dụng vi phạm để mưu cầu lợi ích cá nhân", luật sư Thanh cho hay nhận định này căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tin nhắn Zalo giữa Hà với CSGT. Ông giả thiết: "Có lẽ, CSGT không chịu được sự dàn xếp mới tố cáo ra cơ quan điều tra".

Đối đáp lại, đại diện viện kiểm sát giữ quan điểm cho rằng không có căn cứ bỏ lọt tội phạm hoặc thể hiện các CSGT đã nhận hối lộ, có hành vi tiêu cực.

22 golfer đánh bạc trong khách sạn 5 sao, thu giữ hàng tỷ đồng

Ngày 22/3, theo nguồn tin của Dân Việt, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác vừa triệt phá ổ nhóm đánh bạc bằng hình thức poker trong một khách sạn ở phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

22 golfer đánh bạc trong khách sạn 5 sao, thu giữ hàng tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhiều golfer bị bắt quả tang đánh bạc poker. Ảnh minh hoạ

Theo đó, lực lượng chức năng đã đưa 22 người liên quan về trụ sở để phân loại, làm rõ hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Trong số 22 người này, chủ yếu là các golfer (người chơi golf), khi đang đánh bạc tại khách sạn thì bị cảnh sát ập vào bắt quả tang.

Tại thời điểm kiểm tra, Cảnh sát thu giữ hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều điện thoại di động và một số loại phỉnh, bộ bài… Thông tin chi tiết về sai phạm và danh tính người tham gia chưa được công bố.

Vì sao 4 nữ tiếp viên mang gần 12kg ma tuý được trả tự do?

4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam được trả tự do vì sao? - Ảnh 1.

Tang vật ma túy giấu trong tuýp kem đánh răng được cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Cục HK cung cấp

Chiều 22/3, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam gồm tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Thuỷ, Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân và Đặng Phương Vân vừa được Công an TP.HCM cho gia đình bảo lãnh về nhà.

"Các tiếp viên được phép bảo lãnh sau khi cơ quan điều tra bắt được 2 nghi can liên quan đến việc vận chuyển 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp về từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất", nguồn tin nói lý do thả tự do 4 nữ tiếp viên.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, sáng 16/3, khi chuyến bay VN10 từ Pháp vừa đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cán bộ hải quan đã khám xét hành lý của 4 nữ tiếp viên.

Trong valy của Thủy và Quỳnh có 31 hộp kem đánh răng có thuốc lắc, tổng trọng lượng 2,18kg; 12 hộp chứa ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất) nặng khoảng 1kg; hành lý của Ngân có 780g thuốc lắc; hành lý của Vân có hơn 2kg thuốc lắc, 2kg ketamine và cocain.

Kẻ cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả bị bắt khi đang trong trại cai nghiện

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 22/3, Cơ quan ANĐT Công an TP.Đà Nẵng cho biết, đã thực hiện lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Miên (SN 1988, thường trú huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) về hành vi làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Miên là đối tượng cầm đầu cầm đầu đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả vừa bị Công an Đà Nẵng triệt phá trước đó.

Bắt khẩn cấp kẻ cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả trong trại cai nghiện - Ảnh 1.

Đối tượng Trần Văn Miên tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Theo đó, tháng 12/2022, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt giữ Hồ Văn Tiện (SN 1988) và Đoàn Văn Dương (SN 1989, cùng trú xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về hành vi mua bán, tàng trữ tiền giả.

Tiếp đó, Cơ quan ANĐT đã khởi tố Nguyễn Thị Cẩm Duyên (SN 1988) và Nguyễn Như Phú (SN 1971, trú quận Thủ Đức, TP.HCM) về hành vi làm, tàng trữ tiền giả.

Khám xét ngôi nhà mà Duyên và một số đối tượng đang thuê tại  huyện Bình Chánh, TP.HCM, Cơ quan Công an phát hiện, thu giữ 1,34 tỷ đồng tiền giả thành phẩm hoặc ở dạng phôi cùng các công cụ, phương tiện để sản xuất tiền giả. Ngoài ra, Cơ quan ANĐT còn phát hiện và thu giữ 3 cây súng ngắn tự chế cùng 8 viên đạn 3 gói nylon chứa tinh thể màu trắng nghi là ma túy và nhiều giấy tờ giả như CMND, CCCD, giấy phép lái xe.

Qua điều tra, các bị can có liên quan đều khẳng định đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả này tên là Huỳnh Quốc Thái. Tuy nhiên khi Cơ quan Công an kiểm tra, đối tượng này đã bỏ trốn.

Cơ quan ANĐT Công an TP.Đà Nẵng xác định Huỳnh Ngọc Thái tên thật là Trần Văn Miên. Đối tượng có 2 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Bắt khẩn cấp kẻ cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả trong trại cai nghiện - Ảnh 2.

Các đối tượng liên quan đến vụ án bị Cơ quan điều tra khởi tố trước đó. Ảnh: CACC

Đến giữa tháng 3/2023, công an đã phát hiện Trần Văn Miên đang cai nghiện tại một cơ sở tại huyện Củ Chi, TP.HCM nên đã bắt khẩn cấp và di lý đối tượng về Đà Nẵng để tiếp tục điều tra theo quy định.

Tại cơ quan công an, Miên thừa nhận hành vi của mình.

Hiện, vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Công an Hà Giang mời bà Hoàng Hường lên làm việc sau đơn "tố" của người dân

Ngày 22/3, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công an tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang (VHTTDL tỉnh Hà Giang), đại diện Công an tỉnh Hà Giang đã gửi giấy mời nữ doanh nhân Hoàng Hường (tên thật là Hoàng Thị Hường, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Theo đó, bà Hoàng Hường bị Công an tỉnh Hà Giang mời lên làm việc vì đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực về người kinh doanh dịch vụ ở Dốc Thẩm Mã và món ăn mèn mén của người dân địa phương.

Theo lịch trình làm việc thì Công an tỉnh Hà Giang mời bà Hoàng Hường lên làm việc vào ngày 27/3 tới đây. "Hiện chúng tôi đang tiến hành xác minh, làm rõ đơn kiến nghị, phản ánh của người dân đối với bà Hoàng Hường tại xã Phó Cá và sẽ có thông tin cụ thể", đại diện Công an tỉnh Hà Giang thông tin.

Công an Hà Giang mời bà Hoàng Hường lên làm việc sau đơn "tố" của người dân - Ảnh 1.

Bà Hoàng Hường (bên phải ảnh) gọi món ăn mèn mén là "cám lợn" khi livestream trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Như Dân Việt đã đưa tin, vào tháng 2/2023, bà T.T.M. (trú xã Phó Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) làm đơn gửi tới các đơn vị chức năng tỉnh Hà Giang phản ánh việc bà Hoàng Thị Hường trong khi livestream đã gọi người cho thuê hoa ở Dốc Thẩm Mã là "những người ăn xin" và gọi mèn mén là cám lợn, là món ăn "giải nghiệp".

Công an Hà Giang mời bà Hoàng Hường lên làm việc sau đơn "tố" của người dân - Ảnh 2.

Dốc Thẩm Mã con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C chạy từ Đồng Văn (Hà Giang) đến huyện Mèo Vạc. Nơi đây là một cung đường quen thuộc cho những người trẻ yêu thích khám phá, thích chinh phục khi đến với mảnh đất địa đầu của tổ quốc, và nơi đây cũng là chỗ dừng chân lý tưởng cho các bạn trẻ chụp ảnh. Ảnh: BLĐ

Trước đó, trong buổi livestream ngày 6/2/2023 trên nền tảng mạng xã hội TikTok, bà Hoàng Hường đã có những lời nói xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự những người dân, đứa trẻ bán hàng và làm dịch vụ cho du khách thuê hoa chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã. Cụ thể, bà Hoàng Hường gọi họ là "những người ăn xin".

Vào tháng 11/2022, bà Hoàng Hường từng khiến cộng đồng mạng xôn xao khi gọi món mèn mén của người dân Hà Giang là "cám lợn" với thái độ cười cợt. Ngay sau đó, hàng nghìn bình luận đã phản ứng gay gắt với phát ngôn này của bà Hoàng Hường.

Thông tin đến PV Báo Dân Việt, một lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị, xem xét nội dung đơn kiến nghị và thông tin dữ liệu hình ảnh công dân cung cấp, Sở VHTTDL đã chuyển đơn sang Công an tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. "Hiện giờ phải chờ phía công an tiến hành điều tra, xác minh cụ thể", vị này nói.

Hoàng Hường (tên thật là Hoàng Thị Hường) là Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường, đồng thời là chủ của Phòng khám nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile, tại Hà Nội.

Bà Hoàng Hường nổi tiếng trên mạng xã hội khi livestream quảng cáo thuốc trị xương khớp, nước súc miệng... Đặc biệt, trong chương trình "Điểm tựa tương lai" phát sóng trên VTV1, dược phẩm Hoàng Hường lên sóng quảng cáo sản phẩm bảo vệ xương khớp, gan, hoạt huyết, chăm sóc răng miệng.

Điều đáng nói, quảng cáo sản phẩm không đúng thực tế và gây phản cảm khi để bà cụ quỳ lạy bà Hường như "thánh sống" khiến cộng đồng bức xúc.

Ngay sau đó, ngày 13/4/2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 65 triệu đồng đối với Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường về lỗi vi phạm khi quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Ngoài ra, bà Hoàng Hường cũng từng vướng nhiều tranh cãi khi có những phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội. Năm 2020, bà Hường từng đăng tải thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình mưa bão tại Quảng Bình khi cho rằng huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) không đáng thương như truyền thông "thêu dệt" và thất vọng.

Sau đó, Sở TTTT tỉnh Quảng Bình gửi công văn tới Sở TTTT TP.Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với chủ tài khoản Facebook "Nha Khoa Thẩm Mỹ Hoàng Hường" của bà Hoàng Thị Hường.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem