Tin thêm về việc điều tra sai phạm tại Imexpharm

Thứ ba, ngày 27/12/2011 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Diễn biến xung quanh việc xử lý những khuất tất của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và việc điều tra những sai phạm của một số doanh nghiệp dược phía Nam sẽ được Báo NTNN tiếp tục cập nhật.
Bình luận 0

Sáng 26.12, tại trụ sở Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (số 4, đường 30.4, phường 1, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Cục CSĐT Tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác” xảy ra tại công ty này.

Đây là doanh nghiệp dược thứ hai bị tiến hành điều tra trong số 8 doanh nghiệp dược phía Nam tố cáo một lãnh đạo của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế (tuy nhiên sau đó cơ quan chức năng đã xác định 8 doanh nghiệp này tố cáo không có cơ sở). Trước đó, ngày 23.12, C47 đã đọc lệnh khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty liên doanh Stada Việt Nam.

img
Bài trên Báo NTNN ra ngày 2.11.2011.

“Vừa ăn cướp vừa la làng”

Imexpharm là doanh nghiệp đầu tiên trong số các doanh nghiệp có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc có chứa chất gây nghiện Codein base bị Báo NTNN phanh phui và phản ánh.

Ngày 2.11, Báo NTNN đã có bài viết “Vừa ăn cướp vừa la làng” phản ánh những sai phạm của 2 trong số 8 doanh nghiệp tố cáo tập thể nói trên và sau đó là nêu rõ một công ty nữa có sai phạm tương tự là Stada VN.

Điều đáng lưu ý là, Stada VN và Imexpharm trước đây được ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ định cho nhập thuốc kém phẩm chất trong vụ Tamiflu không qua đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước. Một chi tiết đáng lưu ý là, ngay trước khi C47 đọc lệnh khởi tố vụ án xảy ra tại Imexpharm, bà Trần Thị Đào - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty - bất ngờ lâm bệnh và phải nhập viện điều trị.

Như Báo NTNN đã phản ánh, khi đứng đơn tố cáo một số sai phạm tại ngành dược, phát biểu trên báo Tuổi Trẻ ngày 26.9, bà Trần Thị Đào lớn tiếng khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước mấy ngàn cán bộ, công nhân, viên chức và trước toàn thể các nhà đầu tư, các cổ đông. Nhưng phải nói rằng, có thể ví đó là hành vi "vừa ăn cướp vừa la làng" bởi chính Imexpharm lại có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc có chứa chất gây nghiện và tiền chất pseudoephedrine HCl (PSE).

Cụ thể, Imexpharm xuất khẩu thuốc Nucofed cap., cho Indochina Pharma Co.Ltd Cambodia khi không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế. Nucofed cap là thuốc viên nén thành phẩm phối hợp giữa hoạt chất gây nghiện (Codein base 10mg) và tiền chất (PSE 30mg).

Từ tháng 1.2010 đến tháng 9.2010, Imexpharm sản xuất gần 5,8 triệu viên thuốc này và đã xuất bán gần 5 triệu viên thuốc không đúng đối tượng theo quy định. Tính đến 5.10, Imexpharm còn tồn trữ 796.100 viên. Năm 2010, Imexpharm còn xuất khẩu thuốc viên nén Andol F VNE cho Công ty Indochina Pharma ở Campuchia mà không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế.

Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất, Imexpharm còn thiếu báo cáo về việc sử dụng nguyên liệu gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất (mẫu báo cáo số 3A quy định tại Thông tư 11/2010 của Bộ Y tế).

Chỉ đạo không có giá trị

Trong một diễn biến khác, nguồn tin của NTNN cho biết CQĐT đã có ý kiến chính thức về văn bản mà ông tiến sĩ dỏm Cao Minh Quang đã chỉ đạo Chánh văn phòng Bộ Y tế Đỗ Hán ký để thông báo gửi đến cơ quan chức năng về nội dung cuộc họp liên quan đến việc quản lý thuốc gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc vào ngày 19.12 (do ông Quang chủ trì) mà Báo NTNN đã phản ánh trong số ra ngày 24.12.

Cơ quan chức năng cho rằng, vi phạm của một số doanh nghiệp nằm trong số các doanh nghiệp tố cáo tập thể xảy ra trước đây chiếu theo quy định của Thông tư 10 và Điều 201 Bộ luật Hình sự. Như NTNN đã thông tin, ông Cao Minh Quang đã chỉ đạo "sửa đổi" quy định của Thông tư 10 của Bộ Y tế.

Hành vi này được cho là để giải cứu cho một số doanh nghiệp dược phía Nam trong số 8 doanh nghiệp dược tố cáo tập thể (sau đó Dược Khánh Hòa có đơn xin rút tên khỏi đơn tố cáo tập thể) thoát khỏi hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác theo điều 201 Bộ luật Hình sự.

Diễn biến xung quanh việc xử lý những khuất tất của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và việc điều tra những sai phạm của một số doanh nghiệp dược phía Nam sẽ được Báo NTNN tiếp tục cập nhật.

Theo luật sư Phạm Hồng Sơn, việc Chánh văn phòng Bộ Y tế ra thông báo sửa đổi một số điều liên quan đến Thông tư 10 là không có giá trị pháp lý, vì muốn sửa đổi thông tư phải do cấp ban hành (lãnh đạo Bộ) ký quyết định sửa đổi mới có giá trị pháp lý.

Trong những động thái này, rất đáng chú ý khi trước đây, khi Công ty CP BV Pharma bị tố cáo bán nguyên liệu pseudoephedrine HCl (tiền chất dùng làm thuốc PSE - không phải chất gây nghiện) ra thị trường thì ông Cao Minh Quang phát biểu trên mặt báo cho rằng PSE là chất gây nghiện, nhưng sau đó Bộ Y tế đã đính chính rằng PSE hoàn toàn không phải là chất gây nghiện.

Đến nay, khi một số doanh nghiệp có liên quan đến ông Quang trong vụ Tamiflu có nhiều sai phạm trong việc bán thuốc có chứa chất gây nghiện Codein base và đứng trước nguy cơ vào vòng lao lý thì ông Cao Minh Quang lại chủ trì một cuộc họp, và cho rằng hàm lượng chất gây nghiện Codein base trong viên thuốc dưới 100mg khi kết hợp với một hoạt chất khác thì không cần quản lý như thuốc gây nghiện.

Nếu văn bản này được chấp nhận thì có nghĩa là các doanh nghiệp nói trên từ chỗ sai phạm nghiêm trọng biến thành không sai phạm hoặc chỉ bị xử lý hành chính mà không bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, chỉ đạo này của ông Quang đã gặp phải sự phản ứng của các cơ quan chức năng và ngay chính trong nội bộ của Bộ Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem