Tin vui: Mận Sơn La sắp được công bố nhãn hiệu chứng nhận

Tuệ Linh Thứ tư, ngày 22/05/2019 15:58 PM (GMT+7)
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo một số nội dung về hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu của tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Cây mận được trồng ở Sơn La từ những năm 1980 và nhanh chóng trở thành cây trồng đặc sản của tỉnh, mang đậm hương vị vùng núi rừng Tây Bắc. Vào mùa thu hoạch, những trái mận chín mọng đỏ tươi lại lan tỏa vào không khí mùi hương thơm dịu dàng, dễ chịu, níu lại bước chân của du khách thập phương.

img

Mận Tam hoa (mận hậu) - một trong những loại cây ăn quả thế mạnh của tỉnh Sơn La đang được các ngành chức năng Sơn La hoàn thiện hồ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

Đến nay, diện tích mận Sơn La trên 4.000 ha, trong đó 2.823 ha cho sản phẩm, năng suất đạt gần 10 tấn/ha, sản lượng trên 28.000 tấn. Cây mận được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu, thành phố Sơn La và đây cũng là những địa bàn có cây mận sinh trưởng tốt và cho chất lượng quả ngon ngọt.

Để nâng cao giá trị, uy tín của sản phẩm mận Sơn La trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho người trồng mận, Sở Khoa học và Công nghệ đang làm hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho các dòng sản phẩm về mận gồm: Mận Tam hoa (mận hậu), mận cơm và mận chế biến.

img

Việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Mận Sơn La) sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm và thu nhập cho người nông dân trồng mận.

Tới dự Hội thảo gồm lãnh đạo các phòng chuyên môn, hợp tác xã đến từ 5 huyện, thành phố nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý là TP Sơn La, Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, cho biết: Thực hiện chương trình dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu của tỉnh Sơn La, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia về một số nội dung nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu cho quả mận Sơn La.

img

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La chủ trì buổi Hội thảo một số nội dung về hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu của tỉnh Sơn La.

“Làm được thương hiệu đã là khó rồi, xây dựng và bảo vệ nó còn khó hơn rất nhiều. Vì vậy, tại buổi Hội thảo này 2 nội dung được trình bày là hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu, tôi đề nghị các đồng chí nêu ra ý kiến, kinh nghiệm của mình trong quá trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận hay mắc cái gì? Mắc ở đâu? Đối với thị trường Sơn La, nội dung nhận diện, thương hiệu như thế; bảo hộ nhãn hiệu như vậy được chưa? Để chúng ta đi đến thống nhất trong kết luận cuối cùng” – ông An đề nghị.

img

Bà Nguyễn Mai Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận "Mận Sơn la".

Bà Nguyễn Mai Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thông tin: Đơn vị tư vấn đã hoàn thành hồ sơ bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” của Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 8/3/2019. Tháng 4, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, bây giờ hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” đang trong giai đoạn được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hồ sơ.

Theo bà Hương: Do tính chất của sản phẩm mận Sơn La là tính chất mùa vụ nên mùa vụ năm 2019 đơn vị tư vấn đã đưa ra bộ nhận diện thương hiệu để làm cho người tiêu dùng quen dần với nhãn hiệu mận Sơn La. Từ tháng 5 đến nay, bộ nhận diện hiện tại đã được đơn vị tư vấn triển khai tại nhiều nơi trên cả nước xem phản ứng của thị trường để làm sao để hoàn thiện bộ công cụ này.

img

Ông Tráng A Cao - Giám đốc HTX Nông nghiệp A Cao, huyện Vân Hồ cho biết: Cây mận Vân Hồ nói riêng và Sơn La nói chung được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây phát triển rất tốt, không tốn nhiều công chăm sóc. Nếu kiểm soát tốt được quá trình sản xuất và xây dựng được thương hiệu, cây mận sẽ đem lại giá trị kinh tế cao và nâng cao thu nhập cho bà con.

Tại Hội thảo, sau khi nghe đơn vị tư vấn giới thiệu hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu của tỉnh Sơn La, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để đơn vị tư vấn hoàn thiện bộ công cụ nhận diện và quy trình kiểm soát nhãn hiệu cho sản phẩm mận Sơn La.

Ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đề nghị đơn vị tư vấn sửa lại màu sắc liên quan đến logo mận Sơn La, soạn lại một số nội dung trong dự thảo quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận mận Sơn La để người đọc dễ hiểu và dễ tiếp thu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem