dd/mm/yyyy

Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”

Sau loạt bài trên, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động mời PV Báo điện tử Dân Việt về để có những trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến dự án này.
Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”  - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”  - Ảnh 2.

Môi hình phối cảnh tổng thể Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành và vị trí sân golf dự kiến xây dựng trên bản đồ.

Ngày 11/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã ký công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc xin ý kiến đánh giá, thẩm định Dự án "Sân golf quốc tế Thuận Thành" (dự kiến xây dựng tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành). Sau thông tin này, Báo điện tử Dân Việt đã có loạt 2 bài điều tra về dự án này. Ngay sau 2 loạt bài này, tỉnh Bắc Ninh đã có một số thông tin phản hồi đầu tiên.

Sau loạt bài trên, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động mời PV Báo điện tử Dân Việt về để có những trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến dự án này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Quang Thành- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh được xác định là một tỉnh có diện tích nhỏ, đất đai eo hẹp, song vì sao tỉnh vẫn muốn đặt vấn đề phải xây dựng sân golf và dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành cần thiết như thế nào, thưa ông?

- Rõ ràng, dự án sân golf này rất cần thiết. Bởi hiện nay, lượng người nước ngoài ở Bắc Ninh rất đông đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chủ trương phát triển sân golf như một cách để tăng cường dịch vụ vui chơi, giải trí qua đó tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Theo các báo cáo, giải trình của tỉnh, dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành đã được lập hồ sơ từ năm 2015, nghĩa là đã hơn 5 năm, song vì sao thời điểm này, Bắc Ninh mới đặt vấn đề xây dựng sân golf trở lại?

- Chúng tôi đã xin ý kiến của các Bộ từ trước, trong đó đã có các Bộ: NNPTNT, Tài chính, VHTTDL… cho ý kiến và vừa qua, tỉnh phải tiếp tục xin ý kiến 2 Bộ: Quốc phòng, Công an liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng.

Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”  - Ảnh 3.

Diện tích thuộc dự án sân golf Thuận Thành được người dân trồng các cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Mặc dù dự án đã được lập hồ sơ từ 5 năm nay, song qua tài liệu tại bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do liên danh nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty CP Tư vấn và thương mại Thăng Long về cơ bản rất sơ sài, nếu như không muốn nói là ẩu, cóp nhặt từ dự án này sang dự án khác, chẳng hạn như đưa một xã Glar ở đâu vào huyện Thuận Thành?

-Có cái đấy à?. Tài liệu ở chỗ nào, nếu có cái đó, thì chỗ đấy bên Sở TNMT phải xem xét lại, chúng tôi không kiểm soát hồ sơ đó, phải xem lại chất lượng hồ sơ như thế nào. Cũng có thể đúng như thế là do chất lượng hồ sơ, bên này không có hồ sơ.

Như ông nói, hiện nay tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều người nước ngoài đến làm ăn, đầu tư nên cần phải xây sân golf, nhưng theo đánh giá chủ quan, tại sao mình cứ nhất thiết phải xây dựng sân golf trong khi diện tích đất không có. Chúng ta đã có Luật Quy hoạch rồi, trong đó có nêu vấn đề về quy hoạch vùng, liên kết vùng, Bắc Ninh có nhà máy, thì để tỉnh khác xây sân golf, các nhà đầu tư vẫn có thể đi chơi, chứ có nhất thiết cái gì cũng phải khép kín ở Bắc Ninh?

- Tỉnh Bắc Ninh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trước đây chúng tôi cũng chọn một số nơi, nhưng có đất lúa nên Thủ tướng không duyệt. Vấn đề là cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có nơi vui chơi, giải trí. Nếu đi xuống sân golf Chí Linh (Hải Dương) cũng được, nhưng phải đi xa. Vấn đề là ở chỗ, chủ yếu (xây sân golf- PV) để phục vụ cho nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình như thế tiện cho người ta vì đi lại gần, lại rẻ hơn, họ có điều kiện rảnh rỗi lúc nào cũng có thể tranh thủ để đi đánh golf được.

Ông có nói, tỉnh Bắc Ninh đã từng chọn nhiều vị trí, song vì sao lại chọn ở vị trí nhạy cảm như tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Bản thân dự án nằm kẹp giữa một bên là hành lang bảo vệ an toàn cho hệ thống đê Nam Đuống, một bên là lòng sông Đuống?

- Thực ra, chọn sân golf ở đó đã là một vị trí nhạy cảm rồi, không phải bây giờ mới nêu từ 2015-2017, đã được các Bộ, ngành nêu lên, đặc biệt trong năm 2017, đã có đoàn khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành đến vị trí xây dựng sân golf này.

Bản thân tôi, hôm đó cũng đến đấy họp, xác định vị trí. Trong quá trình xác định vị trí, các nhà nghiên cứu, các bộ ngành cũng nêu lên vấn đề liên quan đến giải quyết bãi đất ven sông, quy hoạch thoát lũ, đê điều; thứ hai vấn đề môi trường... Chắc chắn phải đảm bảo các yếu tố đó thì mới báo cáo lên cấp trên được.

Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”  - Ảnh 4.

Do đây là đất bãi, hàm lượng phù sa lớn, có chất lượng tốt, nên canh tác nông nghiệp rất thuận lợi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vị trí tỉnh Bắc Ninh dự kiến xây dựng sân golf hiện đang được nhiều hộ nông dân sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, tức đó cũng là đất nông nghiệp. Phải chăng, tỉnh Bắc Ninh chọn vị trí đó để "lách" luật là không lấy đất lúa?

-Theo báo cáo của huyện Thuận Thành, vị trí đó là đất giao cho các hộ trồng cây hàng năm và lâu năm, có một số hộ trồng cam.

Tức vẫn là đất nông nghiệp?

-Nếu nói thế, thì đất nào chả trồng được nhưng không trồng lúa. Thực tế, các bộ ngành cũng đã đi xuống kiểm tra được rồi, nói nôm na là đất khó canh tác. Hiện các hộ đang trồng chuối, cam, bưởi và cả nuôi trồng thủy sản.

Đây cũng là diện tích đất ngoài bãi, nên sử dụng sân golf có thể hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Ngoài ra, những người nông dân ở đó cũng được trưng dụng vào dự án. Cái đó cũng tốt thôi.

Hiện nay, sông Đuống không chỉ đơn thuần phục vụ lưu thông tàu thuyền, tiêu thoát lũ, mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở Thủ đô Hà Nội và cả tỉnh Bắc Ninh. Vậy vì sao, lại chọn một vị trí quá nhạy cảm như vậy để xây dựng sân golf?

-Đúng thế, hiện nước mặt sông Đuống được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt cho cả tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi cũng có nhà máy nước ở dưới Quế Võ.

Vậy tại sao, tỉnh không chọn vị trí khác?

-Đằng nào cũng là thế thôi, chỗ nào cũng có vấn đề về môi trường cả. Chính vì thế, chúng tôi mới phải giải trình tiếp.

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn xây dựng sân golf ở Đình Tổ, Thuận Thành là do bí quá, tỉnh không còn vị trí nào khác để triển khai dự án nữa?

- Cũng có thể nói như vậy, vì đó không phải đất lúa. Bắc Ninh không có đồi, núi nhiều để xây, lấy chỗ khác thì lại phạm vào đất lúa.

Tỉnh Bắc Ninh phản hồi sau loạt bài “Sân golf Thuận Thành”  - Ảnh 5.

Người dân còn nuôi trồng thủy sản.

Được biết, hiện tỉnh Bắc Ninh đã có quy hoạch hệ thống đê điều đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, cho phép xây dựng một số công trình ngoài đê. Vậy, tỉnh đã có quy hoạch chi tiết 1/500 chưa, chẳng hạn như ở Đình Tổ thì xây sân golf, ở nơi khác thì xây dựng công trình khác?.

- Chưa, mình đã làm sao có. Quy hoạch chi tiết 1/500 chưa có, bây giờ mới đang lập hồ sơ quy hoạch để xin ý kiến Thủ tướng.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, liên danh 2 nhà đầu tư thực hiện dự án này không đủ năng lực về nguồn vốn khi làm ăn liên tục thua lỗ; tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư chưa?

-Có làm việc nhiều lần. Còn nói về năng lực của nhà đầu tư là đảm bảo theo quy định, họ cũng có cam kết về năng lực.

Đấy là họ cam kết, còn Sở KHĐT Bắc Ninh đã thẩm định chưa?

- Sở đang bổ sung đăng ký kinh doanh. Việc thẩm định năng lực không phải là trách nhiệm của chúng tôi, mà là của bên tài chính.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh:

Chúng tôi không tính toán vấn đề tiêu, thoát lũ

Cũng liên quan đến dự án sân golf Thuận Thành, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc làm việc và trao đổi với ông Đặng Công Hưởng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh.

Sở NNPTNT tỉnh Bắc đã tính toán về bảo vệ hệ thống đê sông Đuống; thứ hai phân thoát lũ trong trường hợp xảy ra lũ mình đã tính toán đến phương án đó chưa? Thứ ba liên quan đến đất đai nông nghiệp bà con đang canh tác?

- Thứ nhất khu vực sông chúng ta đang dự kiến xây dựng sân golf, mọi thứ tỉnh và các ngành khác đang cho ý kiến. Đối với khu vực sông Đuống, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 257/QĐ-TTg, ngày 8/2/2016 quy hoạch phòng lũ cho hệ thống sông Đuống, sông Hồng.

Khu vực bãi sông thuộc Đình Tổ dự kiến xây dựng sân golf là khu vực bãi sông được phép xây dựng. Theo phụ lục 4 của Quyết định 257/QĐ-TTg, Chi Nam – Đình Tổ tại tuyến đê hữu sông Đuống (K19+500-K26+000) (Bắc Ninh) tổng diện tích 281ha, được phép xây dựng công trình.

Được phép xây dựng hay không thì chúng ta phải được duyệt theo quy định. Khi xây dựng tại bãi sông chưa có công trình xây dựng, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc nhà ở, các dự án khác phục vụ kinh doanh dịch vụ thì đều phải lập dự án đầu tư cụ thể gửi Bộ NN&PTNT thẩm định các nội dung thoát lũ, an toàn đê điều trình Thủ tướng phê duyệt theo Điều 26, Luật Đê điều.

Khi chúng ta sử dụng bãi sông phải đảm bảo các điều kiện: Không gây cản lũ, làm mất không gian chứa lũ; không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, mất an toàn; không gây tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước; tuân thủ các quy định của Luật Đê điều. Giao Bộ NN&PTNT xây dựng nguyên tắc, hướng dẫn cụ thể về sử dụng bãi sông.

Khu vực bãi sông này thứ nhất đã được Thủ tướng cho phép xây dựng công trình, còn xây dựng thế nào thì phải thực hiện theo quy định, đảm bảo thoát lũ. Giả sử đơn vị nào muốn làm thì phải tính toán và được Bộ NN&PTNT thẩm định.

Các nội dung mà Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh có văn bản góp ý hoặc trả lời các với các cấp thì cũng phải dựa vào các quy định trên. Còn tính toán, làm như thế nào thì phải các nhà chuyên môn như: các đơn vị tư vấn, quy hoạch người ta tính cho, đảm bảo thoát lũ theo tần suất thiết kế.

Trong công tác quản lý về phòng chống lũ, đê điều, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh tham mưu gì cho tỉnh trong việc xây dựng phương án phòng chống lũ, bảo vệ đê điều, nhất là trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay?

- Liên quan đến thoát lũ, khi có dự án thì Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh sẽ có văn bản để báo cáo các cơ quan liên quan khi nhà đầu tư có ý kiến trả lời tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Còn việc đề xuất dự án là do các nhà đầu tư dự án thấy bờ sông đó được phép xây dựng công trình, còn xây dựng công trình gì hay làm cái gì thì anh phải tính toán. Dự án này, tôi biết liên danh đầu tư đã lập dự án, gửi các bộ, ngành rồi.

Trong nội dung của Bộ NNPTNT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư có ý kiến hiện chưa cập nhật số liệu hiện trạng sử dụng đất tại khu vực dự định triển khai dự án, mà hồ sơ gửi ra từ năm 2014. Ông có thể cho biết hiện trạng sử dụng đất tại khu vực triển khai dự án?

- Sử dụng đất, đấy là bãi sông, về cụ thể nguồn gốc đất thuộc loại nào là do Sở Tài nguyên và Môi trường, mình không có số liệu chính xác được.

Về mặt canh tác thì thế nào?

- Đấy là đất ven sông họ trồng rau màu, cây ăn quả. Cụ thể, diện tích bao nhiêu thì mình không nắm được. Số liệu chỉ có tổng thôi, còn chi tiết thì phải cấp huyện và ngành Tài nguyên và môi trường xuống thì mới nắm được.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh về tiêu thoát lũ và bảo vệ đê điều đến mức đấy?

- Sở đã tham mưu cho tỉnh có quy hoạch, xác định hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ công trình đã có rồi. Còn bây giờ từng dự án cụ thể thì nhà đầu tư phải tính, ông không tính được thì phải đi thuê.

Quan điểm chung của tỉnh có phát triển các dự án ngoài bãi ven đê?

Tất cả ngoài bãi sông được Chính phủ cho phép xây dựng thì được phép nghiên cứu, còn được phép xây dựng như thế nào thì anh phải tính để đảm bảo quy định của Luật Đê điều, không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, không ô nhiễm môi trường, không gây hại cho các công việc khác.

Trong phụ lục 4 của Quyết định 257 của Thủ tướng, khu vực bãi sông được phép xây dựng; còn xây dựng sân golf hay nhà cửa thì đơn vị được giao nhiệm vụ phải tính, anh không tính được thì phải đi thuê để các nhà chuyên môn tính giúp xem có đảm bảo thoát lũ không, có gây ô nhiễm môi trường không và đảm bảo các yếu tố khác theo luật không.

L.H-K.L

Lê Hân- Khương Lực