Tỉnh Phú Yên đang nuôi con sâm đặc sản gì ở trong bể xi măng mà phơi khô bán 3-4 triệu đồng/kg?

Thứ bảy, ngày 30/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống sá sùng nhân tạo ở tỉnh Phú Yên và đang triển khai nuôi sá sùng thương phẩm tại hai địa phương là TX Đông Hòa và TX Sông Cầu.
Bình luận 0

Sá sùng là một trong những đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân muốn phát triển loài thủy sản này.

Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống sá sùng nhân tạo ở Phú Yên và đang triển khai nuôi sá sùng thương phẩm tại hai địa phương là TX Đông Hòa và TX Sông Cầu.

Sản xuất giống sá sùng nhân tạo thành công 

Con sá sùng hay còn gọi là con trùn biển, con sâu đất, con địa sâm... là một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ở Phú Yên, sá sùng được phân bố nhiều tại các bãi triều vùng biển ven bờ thuộc TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và huyện Tuy An. 

Sá sùng tươi sau khi rửa sạch đất cát và lộn bỏ ruột có giá khoảng 500.000-800.000 đồng/kg, còn sá sùng khô có giá khoảng 3-4 triệu đồng/kg. 

Do có giá trị kinh tế cao nên có nhiều người dân ven biển khai thác sá sùng trong tự nhiên, nhiều nhất là ở TX Sông Cầu, người dân đã chế tạo ra các dụng cụ khai thác chuyên nghiệp. 

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ khoảng năm 2003, trên địa bàn thị xã có hơn 1.000 người chuyên làm nghề khai thác sá sùng, trung bình mỗi người khai thác khoảng 5kg sá sùng tươi/ngày. 

Tuy nhiên, tình trạng khai thác ngày càng nhiều khiến loài thủy sản này trong tự nhiên dần cạn kiệt. Hiện nguồn lợi sá sùng ngoài tự nhiên còn rất ít, trung bình mỗi người khai thác khoảng 1-2kg sá sùng tươi/ngày.

Tỉnh Phú Yên đang nuôi con đặc sản gì ở trong bể xi măng mà phơi khô bán 3-4 triệu đồng/kg? - Ảnh 1.

Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (đóng trên địa bàn tỉnh Phú Yên) đang kiểm tra sá sùng giống. Ảnh: ANH NGỌC.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, địa phương đã triển khai nhiều đề tài khoa học, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi thử nghiệm sá sùng kết hợp với tôm sú. 

Nguồn con giống sá sùng được mua từ tỉnh Khánh Hòa, sau 8 tháng nuôi, sá sùng đạt trọng lượng trung bình 8,6g/con, năng suất khoảng 1,37 tấn/ha. 

Đây là mô hình nuôi thử nghiệm bước đầu thành công, địa phương dự kiến tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi sá sùng thương phẩm ở các vùng nuôi phù hợp. Tuy nhiên, do nguồn giống sá sùng chưa được sản xuất đại trà nên người dân chưa thể phát triển, nhân rộng. 

Nếu ở Phú Yên có cơ sở sản xuất, cung cấp đủ nhu cầu giống sá sùng và trên cơ sở mô hình sản xuất thử nghiệm thành công là cơ sở khoa học để triển khai nuôi thương phẩm sá sùng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới.

TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng Phòng Nghiên cứu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cho hay: Phú Yên có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, nhiều đối tượng nuôi được đầu tư phát triển mạnh như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá chình, cá giò, ốc hương, hàu Thái Bình Dương, hải sâm…

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phú Yên nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung gặp nhiều thách thức lớn, như sự phát triển không quy hoạch, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu công nghệ xử lý nước thải, tình hình biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. 

Những vấn đề trên đã dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu nhiều mô hình nuôi và đã thành công, trong đó đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng. 

Ở Phú Yên, hiện đang triển khai dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao công nghệ và sản xuất thành công giống sá sùng, sắp tới sẽ chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm sá sùng kết hợp với tôm thẻ chân trắng. 

Việc áp dụng công nghệ nuôi sá sùng trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ giúp địa phương hạn chế được dịch bệnh trong tương lai.

Triển khai nuôi sá sùng thương phẩm

Dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững tại Phú Yên được triển khai từ tháng 4/2021, qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là chuyển giao công nghệ sản xuất giống sá sùng cho địa phương để chủ động về con giống và phát triển nghề nuôi sá sùng tại Phú Yên. 

Giai đoạn hai là nuôi thương phẩm sá sùng kết hợp với tôm thẻ chân trắng giúp tái sử dụng chất thải từ các hệ thống nuôi, giúp nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững tại Phú Yên. 

Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), cho biết: Từ tháng 4/2021 đến nay, tôi và một số cán bộ ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III được “biệt phái” đến cơ sở sản xuất giống thủy sản ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa để sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất giống sá sùng. 

Quy trình sản xuất giống sá sùng cũng tương đối giống như các quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua, ngao… 

Con giống bố mẹ sá sùng được lấy từ nguồn giống tự nhiên ở Vạn Ninh và Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đây là nguồn giống sá sùng nước mặn. Theo dự kiến, từ năm 2021-2022 sẽ sản xuất 3 đợt giống sá sùng với tổng sản lượng sá sùng giống là 600.000 con. Đến nay đã sản xuất thành công 2 đợt, với số lượng sá sùng bố mẹ là 1.000kg và tạo ra khoảng 420.000 con sá sùng giống đạt kích thước từ 1,5-2cm, sá sùng giống khỏe mạnh đạt chất lượng để nuôi thương phẩm.

Mô hình nuôi thương phẩm sá sùng và mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng kết hợp với sá sùng dự kiến triển khai ở hai địa phương là TX Đông Hòa và TX Sông Cầu (triển khai tại 4 vùng nuôi khác nhau). 

Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: Địa phương đang phối hợp với tổ chức chủ trì dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững tại Phú Yên và cơ quan chuyển giao công nghệ để chọn vị trí, ao nuôi, khu vực nuôi phù hợp với yêu cầu. Sá sùng là đối tượng nuôi mới, thời gian nuôi thương phẩm từ 6-8 tháng. 

Để tránh ảnh hưởng bởi mưa bão, nên chọn bắt đầu vụ nuôi từ tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 7-8 năm sau. Địa phương mong muốn, trong quá trình nuôi, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III sẽ chuyển giao toàn bộ kỹ thuật nuôi sá sùng thương phẩm để người nuôi nắm bắt và ứng dụng hiệu quả. 

Nếu chuyển giao thành công sẽ có nhiều người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch nhân rộng nuôi thương phẩm đối tượng nuôi mới là sá sùng.

TS Thái Ngọc Chiến cho biết thêm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao công nghệ, hiện nay nhiều địa phương đã sản xuất giống và nuôi thành công sá sùng thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa. 

Mô hình nuôi kết hợp giữa tôm thẻ chân trắng với sá sùng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế và môi trường nhờ quá trình ăn mùn bã hữu cơ đáy của sá sùng sẽ làm giảm đáng kể lượng mùn bã hữu cơ, phân và thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm. 

Hơn nữa, sá sùng có khả năng thích nghi rộng và khả năng chịu biến thiên độ mặn lớn từ 20-28‰, sống vùi trong nền đáy và sử dụng thức ăn là sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ. Với đặc điểm sinh học này, sá sùng hoàn toàn có thể nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng.

TS Thái Ngọc Chiến: Nuôi thương phẩm sá sùng sẽ mang lại cho người nuôi 3 lợi ích, thứ nhất là sá sùng ăn mùn bã hữu cơ đáy, làm giảm quá trình ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng, giảm ô nhiễm và mầm bệnh.

Thứ hai, sá sùng đã chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang dạng năng lượng cao và hữu ích (protein của thịt sá sùng). Thứ ba, sá sùng sẽ cung cấp thêm sản lượng phụ làm tăng thu nhập cho toàn bộ hệ thống nuôi, nâng cao thu nhập của người nuôi tôm thẻ chân trắng.

Anh Ngọc (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem