Tình trạng buôn lậu đường “nóng” ở biên giới Tây Nam

01/06/2021 17:15 GMT+7
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn lậu đường với số lượng lớn có liên quan đến các nước khu vực biên giới Tây Nam.

Theo phản ánh từ ngành chức năng chống buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam, ở một số địa bàn, từ đầu tháng 4/2021 đến nay hoạt động buôn lậu đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng.

Ngày 15/5 vừa qua, lực lượng Công an và Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã điều tra và bắt giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc. Số đường cát nói trên được ngành chức năng nhận định có khả năng là hàng nhập lậu tại địa bàn quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Sau đó, các đối tượng có liên quan đến vụ việc khai nhận, số đường cát này vận chuyển từ Đồng Nai, Bình Dương đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tại Bình Phước, lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện Cơ sở kinh doanh tạp hóa Tiến Vàng đang bày bán 100 kg đường cát do Indonesia sản xuất không có hóa đơn, chứng từ.

Tình trạng buôn lậu đường “nóng” ở biên giới Tây Nam - Ảnh 1.

Ngành chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn lậu đường cát ở khu vực biên giới Tây Nam.

Trước đó, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Bình Phước) cũng đã kiểm tra tiệm tạp hóa Phạm Thị Bé, ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, phát hiện 1.000 kg đường cát Thái Lan kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ.

Nhận định về tình trạng trên, ông Hồng Văn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho hay, thủ đoạn buôn lậu đường cát qua biên giới Tây Nam ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Theo thông tin từ ông Hoàng, hiện tại, một số đối tượng cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu ngoài hành vi thuê cư dân biên giới đai vác qua đường biên giới còn dùng "chiêu" lấy bộ hóa đơn nhập khẩu đường hợp pháp để "quay vòng".

Ở thị trường nội địa, các đối tượng dùng bao bì của các nhà máy sản xuất đường trong nước chứa đựng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu, gây cản trở cho việc xác minh nguồn gốc, xử lý của các cơ quan chức năng

Cũng theo lý giải của lãnh đạo lực lượng QLTT, nguyên nhân của tình trạng buôn lậu tại biên giới Tây Nam ngày càng diễn biến phức tạp là do giá đường trong nước tăng cao.

Cụ thể, tại thị trường miền Nam, hiện tại giá đường tinh luyện Biên Hòa niêm yết 16.000 đồng/kg; đường cát sạch Cô Ba 23.000 đồng/kg; đường cát trắng Long An 20.000 đồng/kg; đường cát trắng bán lẻ 25.000 đường/kg, tăng bình quân từ 3.500 - 5.500 đồng/kg so với đầu năm 2021.

Từ trước đó, theo phản ánh từ phía Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngay trong 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ, lên tới 5735% khi so sánh cùng kỳ với 3 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, trong các nước nêu trên, Malaysia là quốc gia không trồng mía còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường (net sugar importer).

Thanh Phong
Cùng chuyên mục