Tổ khuyến nông cộng đồng: Đã sinh ra, cần được nuôi dưỡng

Minh Huệ Thứ ba, ngày 27/12/2022 05:52 AM (GMT+7)
Những nơi không có tổ khuyến nông hay cán bộ khuyến nông thì hoạt động khuyến nông vô cùng tẻ nhạt, nhưng từ khi thành lập được tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) thì hoạt động thay đổi rõ rệt, đa dạng hơn và hiệu quả hơn.
Bình luận 0

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKN) đã phối hợp Sở NNPTNT Quảng Trị tổ chức hội thảo: "Triển khai hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC, PESC, VFSC… vùng duyên hải miền Trung".

Tổ chức lại hoạt động khuyến nông cơ sở

Trình bày báo cáo tại hội thảo, TS Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (TTKN) cho biết: Thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, đến nay các tỉnh đã xây dựng được 26 tổ KNCĐ phục vụ đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, trên cả nước đã có thêm 12 tỉnh, thành phố thành lập các tổ KNCĐ, trong đó có một số địa phương đã thành lập số lượng lớn các tổ KNCĐ như: Hải Phòng (132 tổ); Hậu Giang (50 tổ)…

Tổ khuyến nông cộng đồng: Đã sinh ra, cần được nuôi dưỡng - Ảnh 1.

Cán bộ TTKN quốc gia kiểm tra mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai hom phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Đến nay, TTKN Quốc gia đã tổ chức 13 cuộc tọa đàm xây dựng quy chế hoạt động của tổ KNCĐ với 1.024 đại biểu tham gia. Tổ chức 26 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển HTX trong vùng nguyên liệu, kiến thức về marketing phát triển thị trường… với gần 400 học viên tham gia.

"Những nơi không có tổ khuyến nông thì hoạt động khuyến nông vô cùng tẻ nhạt, nhưng từ khi thành lập được tổ KNCĐ thì hoạt động thay đổi rõ rệt, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, do thành viên tổ là những người tham gia nhiều hoạt động trên địa bàn; góp phần cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở. 

Trước đây khuyến nông chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật đơn thuần, nhưng nay đã phát triển thêm các nhóm nhiệm vụ lớn như marketing, chuyển đổi số, liên kết nhóm..." - ông Khoa đánh giá.

Đại diện TTKN Quốc gia cho biết thêm, mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thôn do mới được thành lập, song có không ít nhóm tổ KNCĐ đã làm được khuyến nông dịch vụ, mang lại thu nhập, giảm áp lực cho ngân sách. Nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp đã gắn kết rất hiệu quả khuyến nông với làm du lịch, tổ chức vùng nguyên liệu xuất khẩu...

Ông Trần Cẩn - Giám đốc TTKN Quảng Trị cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 16.176,2ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC, trong đó các HTX và nhóm hộ gia đình tham gia chứng chỉ là 2.884,6ha.

Bên cạnh đó tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đã ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các HTX nói riêng, giá mua cao hơn với so với gỗ không có chứng chỉ từ 10-12%.

Là 1 trong 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Quảng Trị đã thành lập thí điểm 2 tổ KNCĐ quy mô liên huyện (1 tổ ở các huyện Gio Linh - Vĩnh Linh - Cam Lộ và 1 tổ ở các huyện Triệu Phong - Hải Lăng), đồng thời ban hành quy chế hoạt động gắn với xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ bền vững.

Đây chính là cơ sở để sắp tới, TTKN tỉnh Quảng Trị phối hợp UBND các huyện thành lập tổ KNCĐ cấp xã trên toàn tỉnh.

Tạo cơ chế cho tổ khuyến nông cộng đồng

Ông Trần Cẩn cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi như được sự quan tâm của TNKN quốc gia, sự hưởng ứng của các địa phương thì khó khăn hiện nay là hầu hết các tổ KNCĐ chưa có cơ sở, máy móc phục vụ hoạt động chủ yếu phải thuê mướn, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Nhất là thu nhập người dân nông thôn trên địa bàn còn hạn chế nên vốn đối ứng để phục vụ sản xuất hoặc việc tự bỏ kinh phí ra để thuê dịch vụ khuyến nông rất khiêm tốn.

Đây cũng là tình trạng chung mà một số địa phương vùng duyên hải miền Trung đang gặp phải. Ông Châu Ngọc Phi - Giám đốc TTKN tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị TTKN quốc gia quan tâm sâu sát hơn nữa tới các địa phương, nhanh chóng củng cố lại hệ thống khuyến nông, rà soát lại bộ máy cũng như các chính sách liên quan, xây dựng định mức, quy chế nhằm ổn định tâm lý cho cán bộ khuyến nông, tránh việc vừa làm vừa lo.

Đại diện TTKN Quảng Trị cũng kiến nghị Bộ NNPTNT, TTKN Quốc gia nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng phương án hoạt động cho các tổ KNCĐ, trong đó quan trọng nhất là tổ chức các lớp tập huấn đào tạo triển khai đề án vùng nguyên liệu cấp tỉnh…

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKN Quốc gia cho biết, đây là đề án chưa có tiền lệ, không có mô hình mẫu, nhưng đến nay chúng ta đã thu được kết quả ngoài mong đợi. 

"Đề án đặt ra nhiệm vụ xây dựng 26 tổ ở 13 tỉnh vùng nguyên liệu, nhưng đến nay đã có gần 30 địa phương tự thành lập các tổ KNCĐ, hoạt động khá sôi nổi. Có thể khẳng định tổ KNCĐ đã vượt qua khỏi phạm vi đề án thí điểm, vì tính chất thời sự của đề án, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của ngành nông nghiệp, của các doanh nghiệp, bà con nông dân nên đã lôi kéo được sự quan tâm chung của cả cộng đồng" - ông Thanh nói.

"Chúng ta không giữ mô hình mẫu nhưng sẽ có nguyên tắc chung, sẽ thu hút những người tâm huyết, mong muốn trở thành cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp bằng cách liên tục đào tạo, cung cấp các giải pháp cần thiết để những người đó trở thành cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp" - ông Thanh nhấn mạnh. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem