Tòa xử căn cứ... lời khai miệng

Thứ hai, ngày 19/07/2010 07:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 1971, nhà nước thu hồi đất của cụ Nguyễn Thị Hảo và đền bù cho cụ 909m2 đất tại đường liên xã thuộc thôn Đậu, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây nay là huyện Sơn Tây, Hà Nội.
Bình luận 0

Mảnh đất trên, cụ Hảo đã chia cho con gái là bà Nguyễn Thị Lan 517m2 và chia cho vợ chồng con trai Nguyễn Văn Chinh - Trương Thị Tuất 392m2.

Tại hồ sơ địa chính của xã Sơn Đông và thị xã Sơn Tây còn lưu thể hiện, mảnh đất 392m2 thuộc thửa 2009, bản đồ 299 lập năm 1985, đứng tên ông Nguyễn Văn Chinh. Do ông Chinh đứng tên hợp pháp mảnh đất của mẹ mình để lại nên UBND thị xã Sơn Tây đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Chinh - bà Tuất.

Tuy nhiên, tới năm 2002, không hiểu bằng cách nào, con gái bà Lan là Nguyễn Thị Liên lại được đứng tên kê khai chủ sở hữu mảnh đất này? Đây chính là lý do để gia đình bà Lan ngang nhiên lấn chiếm đất của gia đình bà Tuất, buộc bà Tuất phải khởi kiện ra Tòa Dân sự TAND thị xã Sơn Tây.

Cho dù tập tục địa phương là tránh gọi tên húy của cụ Hảo mà gọi tên con trai thì đó cũng chỉ là cách xưng hô dân gian chứ không phải là căn cứ pháp lý.

Tại phiên xử sơ thẩm gia đình bà Lan cho rằng, sở dĩ mảnh đất 392m2 thuộc thửa 2009, tờ bản đồ 299 lập năm 1985 đứng tên ông Chinh vì tục lệ của địa phương là tránh tên húy của cụ Hảo nên lấy tên con (?).

Lời khai này cho thấy, gia đình bà Lan mặc nhiên thừa nhận mảnh đất 392m2 trên là sở hữu hợp pháp của cụ Hảo. Bà Lan cũng khai tại Tòa là mảnh đất trên do HTX Tây Ninh, xã Sơn Đông cấp cho bà Lan, nhưng lại không trình ra được thứ giấy tờ hợp pháp nào thể hiện việc cấp đất trên với lý do... bị mất (?)

Việc UBND thị xã Sơn Tây đã cấp sổ đỏ cho gia đình bà Tuất - ông Chinh là hợp pháp, nhưng không hiểu vì lẽ gì, TAND thị xã Sơn Tây lại chỉ dựa trên lời khai miệng của phía gia đình bà Lan tại tòa nên tuyên mảnh đất trên là của gia đình bà Lan chứ không phải của của gia đình bà Tuất! Đáng nói, tới phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tây cũ cũng tuyên y án mà không cần xem xét chứng lý.

Chính từ sự xét xử cẩu thả của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm năm 2005 nên khi xử giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu. Tới tháng 5-2008, TAND TP Sơn Tây vẫn tuyên án giống hệt như bản án đã tuyên trước đó.

Giống như cấp dưới, tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 7-2008, TAND tỉnh Hà Tây cũng tuyên gần giống với bản án của cấp sơ thẩm. Điều này khiến dư luận hoài nghi cơ quan cầm cán cân công lý không xét xử công tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem