Toàn TP. HN đã có 105 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

An Nhiên Thứ năm, ngày 22/03/2018 13:24 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, sự phát triển của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Thủ đô chưa như kỳ vọng. Do vậy, năm 2018, Hà Nội xác định “đặt công nghệ cao lên bệ phóng” để đưa nông nghiệp bứt phá, cán mốc tăng trưởng 2,5%.
Bình luận 0

Điểm nhấn 105 mô hình

Lãnh đạo thành phố và ngành nông nghiệp Hà Nội đều xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những vấn đề được thành phố quan tâm chỉ đạo suốt thời gian qua.

img

Đoàn công tác TP.Hà Nội thăm khu sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Ảnh: M.Đ

Từ năm 2013 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đến nay, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt khoảng 25%. Nhìn chung, các mô hình ứng dụng CNC cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 28%. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tiếp tục cải thiện đời sống cho người nông dân.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: “Năm 2017 toàn thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình là Mê Linh, Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Oai... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội”.

Ông Đại nêu điển hình là mô hình trồng lan hồ điệp ở HTX Đan Hoài (Đan Phượng) với quy mô 10.000m2 nhà lưới, chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp như hoa lan, hoa ly...

Bà Bùi Hường Bích - Chủ nhiệm HTX Đan Hoài chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại như nhà nhân giống nuôi cấy mô, nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tưới nước giữ ẩm tự động. Chính vì vậy mà sản phẩm hoa của HTX có màu sắc, hương thơm và độ bền khác biệt so với các nơi khác. Việc ứng dụng CNC trong sản xuất hoa lan hồ điệp đã mang lại doanh thu từ 4 - 5 tỷ đồng/ha/năm”.

Thu hút doanh nghiệp để bứt phá

Năm 2018 được kỳ vọng sẽ  là năm gặt hái nhiều thành công của nông nghiệp CNC tại Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm nông nghiệp CNC. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020 đưa tỉ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, năm 2017, toàn thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Các mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội.

Theo ông Phạm Văn Khương – Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội, để thu hút doanh nghiệp đầu tư, trước mắt, các địa phương cần có cơ chế tạo quỹ đất; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt các chương trình, đề án nông nghiệp đang triển khai trên địa bàn. Trong quá trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, không thể thiếu HTX là cầu nối cực kỳ vững chắc để tổ chức cho các hộ nông dân sản xuất và liên kết với doanh nghiệp.

Mới đây, làm việc với các huyện về triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã khẳng định quyết tâm của thành phố  trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC.  Thành phố luôn đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình cá nhân đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

“Các sở, ngành, địa phương phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và an toàn thực phẩm” - bà Hằng nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem