Tỏi Lý Sơn, tỏi An Thịnh vừa được cấp chỉ dẫn địa lý đặc biệt thế nào?

An Vũ Thứ bảy, ngày 01/08/2020 10:49 AM (GMT+7)
Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT ) đối với sản phẩm chủ lực ở địa phương là một trong những chủ trương lớn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các địa phương thúc đẩy trong thời gian qua. Trong tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm là tỏi Lý Sơn và tỏi An Thịnh.
Bình luận 0

Cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tính đến hết ngày 12/7/2020, có 81 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 75 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam.

Việc bảo hộ SHTT đối với sản phẩm chủ lực ở địa phương là một trong những chủ trương lớn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các địa phương thúc đẩy trong thời gian qua.

Thời gian qua, nhiều chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các địa phương. Tháng 7/2020, sản phẩm tỏi An Thịnh ở Bắc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00082 theo quyết định số 2653/QĐ-SHTT.

Tỏi Lý Sơn, tỏi An Thịnh vừa được cấp chỉ dẫn địa lý đặc biệt thế nào? - Ảnh 1.

Tỏi An Thịnh (Bắc Ninh) đã được cấp chỉ dẫn địa lý

Tỏi An Thịnh là sản phẩm đầu tiên ở Bắc Ninh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tỏi An Thịnh (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) có các đặc tính củ chắc, có từ 6 - 15 tép/củ, mùi thơm cay nồng, hàm lượng vitamin C cao, tỏi An Thịnh được nhiều người ưa chuộng. Điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng độc đáo là đất phù sa có tầng biến đổi, ít chua, thành phần cơ giới thịt pha cát nhẹ, khả năng giữ ẩm tốt đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi An Thịnh.

Việc cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp người dân nơi đây mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng, danh tiếng cho sản phẩm tỏi An Thịnh.

Trước đó, ngày 29/6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2421/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00081 cho sản phẩm tỏi "Lý Sơn". Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Người Lý Sơn trồng giống tỏi trắng, giống tỏi này trồng ở Lý Sơn đã tạo nên đặc thù rất riêng biệt với củ tỏi màu trắng vôi, thịt củ màu trắng ngà có sắc xanh đặc trưng, mùi thơm dịu, vị cay dịu nhẹ, có vị ngọt, chính khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi Lý Sơn.

Được biết, năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam". Nhờ cây tỏi, người dân Lý Sơn có cuộc sống no ấm, ổn định chính vì thế người dân Lý Sơn trân trọng, ví cây tỏi là "Vàng trắng".

Mặc dù sản phẩm tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ từ năm 2009 nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết triệt để nạn trà trộn tỏi trồng từ các địa phương khác với tỏi trồng ở Lý Sơn hoặc hành vi mạo danh tỏi Lý Sơn để bán ra thị trường, thu lời bất chính.

Điều này dẫn đến thương hiệu tỏi Lý Sơn bị "bôi bẩn", ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, giá trị sản phẩm đặc sản nổi tiếng của đất đảo, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên làm nên chất lượng tỏi Lý Sơn thì kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Khi mùa vụ tỏi, người dân đã che phủ mặt ruộng tỏi bằng cát san hô để giảm bốc hơi nước, ổn định độ ẩm đất, bảo vệ bộ rễ của cây tỏi; Làm hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi và tác động trực tiếp của hơi muối biển đến cây tỏi, chống xói mòn và hạn chế bay lớp cát phủ bề mặt. Người dân Lý Sơn ví những hàng rào bao bọc xung quanh ruộng tỏi như những "tấm áo" bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, việc tăng cường các hoạt động bảo hộ SHTT là biện pháp tốt để tạo cơ sở pháp lý cho sản phẩm, tạo công cụ để quảng bá, quản lý và phát triển sản phẩm trí tuệ.

Tuy nhiên, đối với 1 sản phẩm nông nghiệp nói chung, để phát triển sản phẩm như vậy phải có nhiều giải pháp đồng bộ như; quy hoạch sản phẩm, chính sách đầu tư và hỗ trợ cho sản phẩm đó; cùng với hàng loạt các biện pháp khác như: phương pháp kiểm soát nguồn gốc chất lượng, thúc đẩy hóa hoạt động thương mại, quảng bá sản phẩm trong vùng nhiều hơn.

Tỏi Lý Sơn, tỏi An Thịnh vừa được cấp chỉ dẫn địa lý đặc biệt thế nào? - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn

Ông Mai Văn Dũng cho rằng khi sản phẩm được bảo hộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cần có nhiều đầu tư hơn cho sản phẩm để tạo giá trị gia tăng. "Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành với các địa phương. Tất cả những hồ sơ nộp về Cục, Cục đã nhanh chóng hỗ trợ. Ngoài ra, Cục đã đồng hành với địa phương ngay từ đầu trong quá trình xác thực lập hồ sơ và làm các thủ tục khác" , ông Dũng nói.

Hiện nay, hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương rất phát triển và được các địa phương đặc biệt quan tâm, trong đó có những sản phẩm chủ lực ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Không chỉ cục SHTT, hiện có rất nhiều cơ quan khác nhau cũng hỗ trợ hoạt động này.

"Tuy nhiên, việc bảo hộ và khai thác quyền SHTT chưa được như mong muốn của chính quyền, của chính doanh nghiệp và người dân. Làm sao để bảo hộ sản phẩm đó nâng cao hiệu quả, có tính khác biệt về mặt giá trị, khác biệt về mặt danh tiếng giữa lúc được bảo hộ, sau khi được bảo hộ và chưa được bảo hộ. Hoạt động KHCN nói chung và SHTT nói riêng để phát triển sản phẩm cần có "độ trễ", cần triển khai đồng bộ các giải pháp", ông Mai Văn Dũng nói thêm.

Làm sao để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT?

Liên quan đến vấn đề phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương, ông Mai Văn Dũng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Theo ông Mai Văn Dũng, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những "thương hiệu" mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. 

Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng "thương hiệu" của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.

Hiện nay, các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đang giúp cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp có trọng điểm. Mặt khác, nhằm định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc sản mang tính đặc thù, tiềm năng của tỉnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem