Tôi muốn được di chúc “xin chết êm ái”

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 19:22 PM (GMT+7)
Chịu gần 20 năm chăm người ốm, tôi thấm thía hơn ai hết nỗi khổ của việc chăm người ốm. Không chỉ tiền của trong nhà đội nón ra đi mà hạnh phúc cuộc đời, niềm vui sum họp gia đình đều cạn kiệt.
Bình luận 0
Tôi năm nay 68 tuổi, nếp tẻ có 3 đứa con. Gia cảnh không khá giả gì nên tôi đang sống cùng với gia đình hai con trai, dưới một mái nhà. Tuy mỗi cặp vợ chồng cũng được một phòng nhưng sinh hoạt, ăn chung.

Ở tuổi gần đất xa trời này, tôi cũng chỉ muốn được sống khỏe mạnh để được nhìn con, nhìn cháu vui vầy, khở mạnh, sống hạnh phúc, thoải mái. Nhưng các con tôi đã có một cuộc sống không suôn sẻ gì. Vì thế, nhìn các con, tôi hết sức đau lòng, phiền muộn.

img

Chẳng là, khi con cả mới lập gia đình thì ông bà (tức bố mẹ chồng tôi) cũng còn sống. Hai cụ thọ tới 83-85 tuổi mới mất. Tuy nhiên, cụ ông bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ suốt 12 năm.

Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, tắm giặt đều phải phục vụ tại chỗ. Để tiện chăm sóc, hai cụ đều nằm dưới tầng 1, cách phòng khách một cái tủ. Do cụ nằm nhiều, nhiều vùng đã liệt, máu không lưu thông nên cho dù đã chăm sóc hết sức cẩn thận nhưng lưng cụ vẫn bị lở loét, phải thay băng, bôi thuốc hàng ngày.

Cụ nhiều lúc cũng than thở đòi sống, đòi chết. Con cái vừa phải hầu hạ, vừa nghe cụ kể khổ, kêu đau. Trong nhà gần chục người, lúc nào cũng mệt mỏi, căng thẳng.

Suy nghĩ của bạn về đề xuất thực hiện "chết êm ái"?

img img
img

Ở trong nhà ngột ngạt nhưng dù sao cũng quen mùi. Nhưng đi từ ngoài về mới giật mình vì mùi hôi hám trong nhà. Mọi người không thể mường tượng 35m2 ám mùi thuốc, mùi người ốm, mùi nước tiểu lưu cưu (cho dù đã cố gắng dọn dẹp), mùi các vết lở loét lâu ngày… Bước vào là tôi đã choáng váng muốn ngất.

Họ hàng, bạn bè đến thăm đều cố gắng lịch sự nhưng tôi đều bắt gặp những cái nhăn mặt, nhíu mày kinh sợ của họ.

Đã vậy, mẹ chồng còn lẫn, nói xa xả suốt ngày. Bà cứ lúc nhớ, lúc quên. Nhớ thì khóc thương chồng, thương con. Quên thì lại chửi con cháu bạc bẽo, không cho bà ăn, lấy tiền của bà, bóc lộc bà.

Suốt 12 năm, thời đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân, các con tôi đều sống u ám như vậy. Các cháu không dám mời bạn bè về nhà. Ăn uống cũng nhanh nhanh chóng chóng cho xong. Không nói ra nhưng tôi biết, các cháu còn chẳng muốn về nhà.

Khi bố chồng tôi mất được 1 năm thì mẹ chồng cũng mất. Các con tôi được “thở” hai năm. Con thứ 2 lấy vợ, con gái út cưới chồng. Nhưng đúng lúc đó thì đến lượt chồng tôi bị tai biến mạch máu não. Lúc đầu ông ấy liệt một chân, cũng chỉ lết trong nhà, việc hầu hạ tôi lo. Nhưng đến tai biến lần hai thì ông ấy cũng liệt nằm một chỗ, đã thế còn “ngơ ngơ”, không còn nhận biết được ai. Lúc đó, ông ấy 65, tôi 63 tuổi.

“Có nên áp dụng “cái chết êm ái” ở Việt Nam? Liệu việc cho người thân quyền “đề xuất chết” cho các bệnh nhân nặng, sống thực vật có bất nhân, bất nghĩa? Liệu có những rủi ro khiến cho nhiều người bị chết oan? Nếu bạn có người thân sống thực vật, bạn có dám xuống tay ký đơn đề nghị “chết êm ái” cho người thân của mình? Bạn đọc Dân Việt đã có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược. Mời các bạn chia sẻ ý kiến và câu chuyện của mình về baodanviet@gmail.com. (Những câu chuyện và ý kiến được đăng sẽ nhận được nhuận bút)

Tôi lại nai lưng phục vụ chồng. Gia đình lại một phen nháo nhào, ngột ngạt vì người ốm nằm lâu ngày. Thương nhất là các cháu tôi, mới vài tuổi, đã phải sống khổ sở. Có lẽ vì ô nhiễm không khí mà các cháu luôn bị ốm đau, còi cọc.

Hai con dâu tôi dù tốt tính nhưng gương mặt lúc nào cũng u ám. Chỉ trách hai thằng con trai chỉ là nhân viên nhà nước, làm công ăn lương, không đủ điều kiện để ra sống riêng.

Chồng tôi vừa mất được 3 tháng nay. Chỉ là hình bóng ông ấy không còn chứ thần trí ông ấy đã rời bỏ chúng tôi đã 5 năm nay rồi. Vì thế, dù đau xót, thương cảm nhưng tôi cũng mừng là ông ấy đã ra đi. Vì sống mà không còn nhận biết được gì, chỉ thêm khổ sở.

Chịu gần 20 năm chăm người ốm, tôi thấm thía hơn ai hết nỗi khổ của việc chăm người ốm. Không chỉ tiền của trong nhà đội nón ra đi mà hạnh phúc cuộc đời, niềm vui sum họp gia đình đều cạn kiệt. Vợ chồng con cái cũng trở nên cáu kỉnh, chán ghét lẫn nhau. Một người ốm nặng thì cả gia đình đều mất cuộc sống của riêng mình.

Tôi đang lo sợ nếu một ngày nào đó, tôi cũng bị đau ốm, dở lẫn, tôi sẽ hạnh hạ các con tôi. Vì thế, khi đọc về “Đề xuất áp dụng cái chết êm ái” cho bệnh nhân nặng, tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, định kiến của người Việt rất nặng nề. Sẽ không người con nào đứng ra đòi quyền chết cho bố mẹ, cho dù bố mẹ đã liệt giường, sống thực vật. Họ không chỉ tiếc thương mà còn lo sợ bị người đời nguyền rủa, họ hàng cười chê.

Vì thế, nếu có Luật “chết êm ái”, tôi cho rằng nên có điều khoản cho phép mọi người làm di chúc “xin chết êm ái” nếu như đã ngấp nghé cửa tử, ốm liệt giường, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sống thực vật. Vì khi họ đã sống dở, chết dở thì khó đưa ra được ý kiến minh mẫn của mình.

Còn con cháu cũng sẽ chỉ thực hiện theo di chúc của cha mẹ mà không còn phải chịu gánh nặng lương tâm, đạo đức nữa, cũng sẽ tránh được việc người ngoài nhìn vào dị nghị, nói xấu. Cũng tránh được những sai lầm, tranh cãi của việc người này cho rằng “cho phép chết”, người khác cho rằng “không chấp nhận được”.
Trần Thị Mị (Tp Bắc Ninh) (Trần Thị Mị (Tp Bắc Ninh) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem