img

ũng chính trong những ngày tháng Tư đáng nhớ này, một bộ sách đầu tiên bao quát toàn bộ lịch sử, kinh tế, chính trị, tôn giáo… của Thành phố Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu "mang gươm đi mở cõi" cho đến khi trở thành trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước đã chính thức ra đời. "Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử" là trái ngọt đã được cụ Nguyễn Đình Tư ấp ủ, nuôi dưỡng qua không biết bao nhiêu thăng trầm trong 20 năm đằng đẵng. Bộ sách được xem như một tập cẩm nang, một cuốn từ điển để khi muốn tìm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ cần mở sách ra là có thể thỏa mãn ngay, không cần tìm đâu xa.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 2.

Bước sang tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tự nhận mình là "ông già kỳ cục" vì vẫn cần mẫn làm việc 8-10 giờ/ngày, tự biên soạn bản thảo trên máy vi tính không cần đeo kính, đi đứng không cần chống gậy, không cần ai dìu. Trên tất cả, đó là sự đam mê không bao giờ tắt của ông với lịch sử dân tộc.

Sống giản dị trong một con hẻm nhỏ, ít ai biết được rằng ông cụ râu tóc bạc phơ đó lại có khát vọng cống hiến rất lớn cho TP.HCM và đất nước. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm tài liệu nghiên cứu, viết sách về lịch sử Việt Nam.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 3.

Sinh ra, lớn lên khi đất nước còn đang là thuộc địa của Pháp, học tiếng Pháp, ông đến với niềm đam mê lịch sử Việt Nam như thế nào?

- Sinh ra ở vùng quê nghèo Thanh Chương, Nghệ An, chặng đường từ học chữ Nho, học quốc ngữ, học sơ học, học tú tài... của người bình thường chỉ mất vài năm, nhưng với tôi, nó kéo dài đến hơn chục năm. Tôi cứ đi học, rồi lại phải nghỉ vì cảnh nhà quá khó khăn, phải chăn trâu, làm ruộng, phải kiếm sống, có chút tiền lại quay về trường học, rồi lại đi kiếm tiền. Đến 22 tuổi, tôi mới tốt nghiệp tú tài. Tôi được dự kỳ thi Cao đẳng tiểu học đầu tiên và cũng là duy nhất dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Vừa tốt nghiệp xong thì Cách mạng tháng Tám nổ ra. Tôi xếp bút nghiên đi theo kháng chiến cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết thì xách balo về quê.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 4.

Năm đó, miền Trung chịu một trận lụt khủng khiếp, để kiếm sống, cả nhà tôi di chuyển ra Hà Nội một thời gian rồi vào Khánh Hoà. Nhờ cái bằng Cao đẳng tiểu học, tôi kiếm được chân giáo viên bổ khuyết tại một trường tiểu học ở Nha Trang. Giáo viên bổ khuyết tức là trường thiếu giáo viên nào thì mình được dạy tạm thời lúc đó, đến khi họ tuyển được giáo viên khác thì cho mình nghỉ. Lương thấp, công việc bấp bênh nhưng để nuôi cả gia đình, tôi vẫn phải làm. Sau đó, tôi thi được vào ngành điền địa tại Phú Yên, lúc đó mới bắt đầu tương đối ổn định. Có thời gian, tôi bắt đầu quay trở lại niềm đam mê nghiên cứu địa chí và viết sử của mình.

Hồi học tiểu học, tôi tình cờ mượn được quyển sách về cụ Phan Đình Phùng, sau đó là câu chuyện của vua Hàm Nghi kháng chiến chống Pháp, tôi thật sự kính trọng các bậc tiền nhân và say mê sử Việt Nam từ đó. Hồi đó tôi chờ từng cuốn sách xuất bản hàng tuần của nhà xuất bản Tân Dân ngoài Hà Nội. Đọc các cuốn sách của những nhà văn có tiếng lúc đó như Tô Hoài, Bùi Hiển, Trúc Khê…, tôi nghĩ "họ viết được chắc mình cũng viết được" nên "liều" viết về khai quốc công thần Nguyễn Xí rồi gửi cho họ. Không ngờ 1 tháng sau, sách của mình được bày bán ở Vinh. "Thừa thắng xông lên", tôi viết tiếp "Thù nhà nợ nước" và một số sách nhỏ khác.

Trong thời gian vài năm làm việc ở Phú Yên, khi công việc đã ổn định, tôi quay lại nghiên cứu và viết các cuốn địa chí "Non nước Phú Yên", "Địa chí Khánh Hòa", "Non nước Ninh Thuận". Có một điều khác là tôi "văn nghệ hoá" khi viết địa chí, tức là không chỉ mô tả một cách khô cứng các đặc điểm địa lý của khu vực mà thêm vào đó các chi tiết văn học, con người, thơ ca nổi tiếng có liên quan đến vùng đất đó. Nhờ vậy, các cuốn địa chí của tôi khác hẳn những sách viết trước đó, dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Công việc biên khảo ấy đang tiến hành dở dang thì thời cuộc thay đổi, tôi không còn đủ điều kiện tiếp tục.

Những thăng trầm của thời cuộc, vất vả của mưu sinh có khi nào khiến ông buông xuôi, bỏ mặc tình yêu, đam mê của mình?

- Sau sự kiện năm 1975, đất nước sau giải phóng có rất nhiều thay đổi. Khi đó tôi đã gần 60 tuổi, không thoát được những biến động của thời cuộc. Không có việc làm, để kiếm tiền nuôi vợ, các con đang đi học, tôi phải ra ngã tư đường ngồi sửa xe đạp, kiếm 5 - 10 đồng mua gạo nuôi con.

Những lúc vắng khách, ngồi ngóng xe qua lại, tôi tiếc thời gian quá, phải viết thôi. Bộ "Loạn 12 sứ quân" là tiểu thuyết lịch sử duy nhất ra đời trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng đó.

Lúc đó, sách vở tư liệu tôi đã bán hết để mua gạo, cũng không có thời gian đi thư viện tra cứu vì còn phải sửa xe, nhìn lại lịch sử, thấy giai đoạn 12 sứ quân rất khuyết sử, ít tài liệu, vậy là tôi kê giấy lên cái thùng đựng đồ sửa xe, ngồi viết giữa ngã tư. Độc giả đầu tiên là những cậu sinh viên đến vá xe đạp, đọc cho đỡ buồn khi ngồi chờ sửa xe...

Thực ra tôi viết chỉ để mà viết thôi, viết cho thoả đam mê chứ chẳng giải quyết được nhu cầu cơm gạo vì mãi đến gần 20 năm sau, 1.500 trang viết đó của tôi mới được in lần đầu tiên.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 5.

Ông cũng là người đầu tiên viết về những con đường bị đổi tên của TP.HCM sau giải phóng. Nguyên nhân gì khiến ông lặn lội một mình làm công việc "tù và hàng tổng" như vậy?

- Sau giải phóng, chính quyền đổi lên hơn 100 con đường của thành phố. Ngồi sửa xe ở ngã tư, tôi thấy mấy người xe ôm, xích lô cực lắm. Họ không biết tên đường mới là gì, ở chỗ nào, không đưa khách đi được nên mất việc. Người dân chẳng ai biết lý lịch của các vị được đặt tên đường mới, cũng không có ghi chú tên đường cũ ở dưới tên mới nên người dân không nhớ, không tìm được chỗ cần đi. Tôi như bị thôi thúc, mới nghĩ cần phải có quyển sách viết về các tên đường của TP.HCM, để phục vụ dân chúng.

Tôi đã dùng chiếc xe đạp mini mà tôi có đi khắp các nẻo đường của TP.HCM để nghiên cứu từng tên đường, xem nó từ đâu đến đâu, dài khoảng bao nhiêu, hai bên đường có những gì, cơ quan nào, lịch sử con đường cũ... Mấy năm như vậy, rồi cuốn "Đường phố nội thành TP.HCM" ra đời, hân hạnh được nhà sử học đồng tuế Nguyễn Đình Đầu viết lời giới thiệu. Ông bảo: Anh làm cái này hay quá, rất có ích cho mọi người.

Sau khi quyển sách của tôi được in ra thì Sở Văn hoá Thông tin mời tôi vào trong Hội đồng đặt tên đường thành phố. Thời gian tôi ở trong hội đồng đó cũng đặt, đổi được gần 1.000 tên đường. Nhưng điều mà tôi tự hào nhất, chính là đề xuất đặt tên Hoàng Sa – Trường Sa cho hai con đường mới dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Hai con đường này được khánh thành đúng ngày kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.HCM.

Nhiều người hỏi tôi vì sao đặt tên Hoàng Sa – Trường Sa, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Đó là quần đảo của chúng ta, là máu thịt của đất nước, con cháu chúng ta không được quên Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam mà các thế hệ sau sẽ phải đòi lại.

Sau giải phóng, có người rủ tôi qua Mỹ định cư nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đất nước giải phóng rồi vì sao lại phải đi? Tôi chỉ là một người dân yêu đất nước mình mà thôi.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 6.

"Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch s" để được xuất bản ngày hôm nay đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Điều gì đã khiến ông giữ được ngọn lửa đam mê như vậy?

- Nhiều năm sống ở thành phố này thôi thúc tôi viết về lịch sử thành phố. Lâu nay đã có nhiều người viết về Sài Gòn – Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mỗi người chỉ viết một vấn đề, một mảng của thành phố, chưa có tác phẩm nào viết bao quát toàn diện các khía cạnh, lĩnh vực hoạt động của thành phố. Ngay như bộ sách "Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh" cũng chỉ nói một cách đại cương về lĩnh vực lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo mà không nói đến các lĩnh vực khác. Vì thế, tôi nung nấu viết một bộ sách cung cấp cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử từ năm 1698 đến 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, tôn giáo, thể dục thể thao… của từng thời kỳ.

Phải nói đến câu chuyện bắt nguồn từ năm 1998, TP.HCM công bố sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm tuổi. Nhưng tôi không thấy bất cứ một hội, đoàn văn hóa, khoa học hay lịch sử nào tổ chức hoạt động gì cả. Quá sốt ruột, tôi thảo đề cương cuốn sách nghiên cứu toàn diện Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM suốt lịch sử 300 năm (1698 – 1998) rồi gửi đến Giáo sư Trần Văn Giàu với lời thưa: Nếu Giáo sư thấy được, thì xin đề nghị giao cho Hội Sử học hay một hội, đoàn, cơ quan nào khác dùng bản đề cương này làm tài liệu tham khảo, lập một bản đề cương khác hoàn chỉnh hơn để viết cuốn sách nói trên. Ít ngày sau, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mời tôi tới ký hợp đồng thực hiện cuốn sách "Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM 300 năm" theo nội dung bản đề cương của tôi.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 7.

Tôi dồn thời gian và sức lực vào các thư viện, trung tâm lưu trữ sưu tầm tài liệu, viết ngày viết đêm. Gần đến ngày kỷ niệm, 1.500 trang đánh máy đã xong, tác phẩm được nghiệm thu, thậm chí đã dàn trang, vẽ bìa. Mọi việc gần hoàn tất thì gặp một trở duyên lớn, cuốn sách không được ra mắt.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 8.

Tuy nhiên tôi rất trân quý những tài liệu của mình, không thể vứt bỏ được. Chờ một ngày thuận duyên nào đó, tôi sẽ dùng nó để viết tiếp cuốn sách khác đầy đủ hơn, nên đã giữ lại tập bản thảo suốt 20 năm qua. Nay ngày thuận duyên đã đến. Tôi lôi tập bản thảo cũ, đọc lại từng trang, chỉnh lại câu văn, bổ sung thêm tư liệu mới tìm được, viết tiếp giai đoạn 1998 - 2020 để hình thành bộ sách này.

Ít người biết rằng, để có được những trang bản thảo đó, tôi đã "nằm" ở Trung tâm lưu trữ thành phố suốt 3 năm, ngày nào cũng "đóng đô" ở đó như một nhân viên chính thức. Rồi nhiều năm lăn lộn ở khắp các thư viện để tìm từng cuốn sách, từng dòng tư liệu về thành phố. Từ sách tiếng Pháp, sách Hán Nôm đến sách dịch, các văn bản thời phong kiến, Việt Nam Cộng hoà… tôi đều cố tìm cho bằng được.

Bộ "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)" cho người đọc hiểu tất tần tật về Sài Gòn từ đời sống người dân đến hệ thống chính trị, từ thơ ca hò vè đến đơn vị hành chính, từ kinh tế - xã hội - văn hóa tới tôn giáo - tín ngưỡng qua từng thời kỳ lịch sử.

Ngàn trang "Dặm dài lịch sử" là không dài với độc giả có mong muốn hiểu Sài Gòn từ lịch sử thời đồ đá, thời Phù Nam, tới thời Nguyễn, thời Pháp thuộc… đời sống Sài Gòn hiện lên trong sách không chỉ qua những di chỉ, văn bản mà trong cả những truyền thuyết, ca dao, biến đổi của kinh đào, mảnh rừng thành ngã tư ngã sáu...

Bộ sách của tôi giống một tập cẩm nang mà các cơ quan, cán bộ, công chức, các gia đình trong thành phố nên có. Để khi muốn tìm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ cần mở sách ra là có thể thỏa mãn ngay, không cần tìm đâu xa.

Nhìn lại cuộc đời tôi, bộ "Loạn 12 sứ quân" sau 20 năm mới được in lần đầu, "Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử" đã dàn trang xong cũng phải chờ 20 năm mới xuất bản, nhưng trong cả quãng thời gian đó, chưa khi nào tôi nản lòng hay muốn buông xuôi. Tất cả chỉ vì đam mê mà chờ…

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 9.

Lịch sử Việt Nam hào hùng và đầy tự hào nhưng thực tế, môn lịch sử trong nhà trường hiện nay không được học sinh đón nhận. Theo ông nguyên nhân do khách quan hay do chính người lớn không truyền được đam mê cho thế hệ trẻ?

- Lịch sử là sự kế thừa và tiếp nối, kết nối từ quá khứ tới hiện tại. Dạy lịch sử phải liên hệ sự kiện quá khứ với thực tế, thậm chí còn liên quan đến cả chính trị, thời cuộc.

Hồi tôi còn đi học, môn Lịch sử là môn được học sinh yêu thích nhất. Các thầy hồi đó dựa trên sách giáo khoa để soạn bài giảng riêng, chi tiết và đầy đủ, liên hệ nhiều mặt cuộc sống khiến chúng tôi học rất hứng thú. Tôi nhớ thầy dạy Sử của tôi là em của thầy Võ Nguyên Giáp đang dạy sử ở Trường tư thục Thăng Long ngoài Hà Nội. Thầy Giáp có một bộ giáo án dạy môn Sử vô cùng hay, chúng tôi được học sử từ chính bộ giáo án này.

Chúng tôi được học về tiền nhân, học về tinh thần đấu tranh yêu nước bền bỉ của các dân tộc trên thế giới, để từ đó hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người Việt Nam. Các thầy không chỉ dạy kiến thức trong sách giáo khoa mà còn dạy chúng tôi những bài học cuộc đời, những thực tế khắc nghiệt của đời sống chính trị để từ đó, chúng tôi có những bài học riêng cho mình.

Còn bây giờ, học sinh chỉ thích đi chơi, thích xem tivi, điện thoại, không chịu đọc, không chịu hỏi, giáo viên không muốn trả lời nội dung bên ngoài, chỉ dạy những gì có trong sách nên học sinh chán là đương nhiên.

Lịch sử không chỉ là những thông tin, con số khô cứng trên giấy tờ, mà nó còn là dòng chảy cuộc sống. Người dạy sử không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy cả một hệ tư duy, tư tưởng. Để thay đổi, để học sinh hứng thú hơn với lịch sử hào hùng của dân tộc, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Người thầy phải tự soạn bài giảng riêng của mình, bằng tâm huyết, bằng tình yêu lịch sử thì từ đó mới truyền được sự đam mê đó cho học trò của mình.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 10.

Đã 103 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu và tiếp tục viết. Có khi nào những dữ kiện lịch sử của ông bị người khác nghi ngờ?

- Dạy sử khác viết sử. Đã viết lịch sử thì phải thật khách quan, đừng đưa ý kiến chủ quan, cảm tính của mình vào sách. "Nhân vô thập toàn" nên sử không thể toàn màu hồng được. Có điều, nhận thức của người viết sử, đọc sử, nhìn nhận sử cũng chỉ có thể làm đầy theo thời gian, có lúc sai lầm, lúc ấu trĩ, nên nếu có vấn đề mà hôm nay chưa tìm được cách nói cho đúng sự thật thì chúng ta lại sẽ tiếp tục chờ.

Dù ở chế độ nào, thời đại nào, quản trị quốc gia đều là con người, mà đã là con người thì ai cũng có sai lầm. Có thể suy nghĩ sai, đưa ra chủ trương sai nhưng quan trọng là thấy sai thì phải sửa, giống như Hồ Chủ tịch đã làm. Và khi sửa sai thì phải làm tốt hơn, chọn cái tốt hơn để sửa sai.

Sau khi hoàn thành 2 cuốn về lịch sử Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đang được đặt hàng viết tiếp cuốn Từ điển Địa danh hành chính Bắc Bộ và Trung Bộ. Đồng thời, cũng đang hoàn thành cuốn tự truyện về bản thân mình theo "đặt hàng" của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên.

Đó sẽ là trang viết ghi lại những bước đường của tôi gắn với kỷ niệm về gia đình, quê hương xứ Nghệ, nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng như những mảnh đất tôi đã đi qua và dừng chân đến bây giờ.

"Tôi yêu sử Việt, vì đam mê mà sẵn sàng chờ đợi..." - Ảnh 11.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem